Cách mạng tháng Tám: Bước ngoặt lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam – Bài 8

Cập nhật: 29-08-2015 | 08:30:35

 Bài 8: 30 năm đổi mới - chàng Phù Đổng vươn mình

Công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo từ 1986 đến nay đã trải qua gần 30 năm. Đó là một công trình vĩ đại của Đảng và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hít thở luồng gió đổi mới, nền kinh tế - xã hội của đất nước đã như chàng Phù Đổng vươn mình, sánh vai cùng các nước trong khu vực, vững bước trong quá trình hội nhập sâu rộng toàn cầu.

 Đổi mới là tất yếu, khách quan

Từ cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ 20, thế giới đã diễn ra những biến đổi to lớn, sâu sắc. Nhiều nước xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng. Để thoát khỏi tình trạng khủng hoảng, cải tổ, cải cách và đổi mới đã trở thành xu thế khách quan ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa. Ở Việt Nam, sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bên cạnh thuận lợi và những thành tựu đã đạt được trong giai đoạn đầu xây dựng đất nước, chúng ta cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới. Tư tưởng chủ quan, say sưa với thắng lợi, nóng vội muốn tiến nhanh lên chủ nghĩa xã hội trong một thời gian ngắn, việc bố trí sai cơ cấu kinh tế, cộng với những khuyết điểm của mô hình kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp bộc lộ ngày càng rõ, làm cho tình hình kinh tế - xã hội rơi vào trì trệ, khủng hoảng. Nước ta lại bị các thế lực thù địch bao vây, cấm vận; chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc gây ra…

Để đưa nước ta thoát khỏi tình trạng đó, vấn đề có ý nghĩa quyết định là phải đổi mới mạnh mẽ, cơ bản cách nghĩ, cách làm. Cuối những năm 70, ở một số địa phương bước đầu có những tìm tòi, thử nghiệm cách làm ăn mới, đưa ra những lời giải đáp cho những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Qua những thành công bước đầu đạt được trong quá trình tìm tòi, thử nghiệm đó, Đảng và nhân dân ta càng nhận thấy sự cần thiết đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy, đổi mới cách làm nhằm xây dựng chủ nghĩa xã hội một cách hiệu quả hơn. Đại hội VI (1986) của Đảng đánh dấu một bước ngoặt rất cơ bản và có ý nghĩa quyết định trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, với việc đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước - từ đổi mới tư duy đến đổi mới tổ chức, cán bộ, phương thức lãnh đạo và phong cách của Đảng; từ đổi mới kinh tế đến đổi mới chính trị và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Đại hội VI khẳng định đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Đại hội VI đã đem lại luồng sinh khí mới trong xã hội, làm xoay chuyển tình hình, đưa đất nước tiến lên.

Những thành tựu mang ý nghĩa lịch sử

Sau 30 năm đổi mới, đất nước ta cơ bản đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành một nước đang phát triển và có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển.

GDP do nông, lâm nghiệp - thủy sản tạo ra năm 2013 cao gấp gần 2,65 lần năm 1986 (tăng trung bình gần 3,54%/năm). Đổi mới bắt đầu từ nông nghiệp đã góp phần chuyển Việt Nam từ nước độc canh lúa, thiếu lương thực sang quốc gia xuất khẩu gạo, cà phê, hạt điều, tiêu, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản… đứng thứ hạng cao trên thế giới. GDP do nhóm ngành công nghiệp - xây dựng tạo ra năm 2013 cao gấp gần 8,6 lần năm 1986 (tăng gần 8%/năm) và trở thành động lực, đầu tàu tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế. GDP do nhóm ngành dịch vụ tạo ra năm 2013 cao gấp gần 6,57 lần năm 1986, tăng gần 6,96%/năm. Cơ cấu GDP theo nhóm ngành đã có sự chuyển dịch tích cực. So với năm 2013, tỷ trọng của nông, lâm nghiệp - thủy sản giảm từ 38,1% năm 1986 xuống còn 18,39%; của công nghiệp - xây dựng tăng từ 28,9% lên 38,3%; của dịch vụ tăng từ 33% lên 43,31%. Cơ cấu loại hình kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng của kinh tế Nhà nước từ 39,7% năm 1986 xuống còn 32,2% năm 2013; của kinh tế ngoài Nhà nước (kể cả đầu tư nước ngoài) tăng từ 60,3% lên 67,8%. Nếu năm 1986, sản xuất mới đáp ứng được khoảng 85,7% sử dụng, thì đến năm 2012 đã vượt 3,5% GDP, năm 2013 đã vượt 4,09%.

Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, hệ thống chính trị luôn ổn định, quốc phòng- an ninh được tăng cường. Văn hóa xã hội có bước phát triển, bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền và cả hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao…

Có thể khẳng định rằng, trong quá trình đổi mới, Đảng ta đã đón kịp thời cơ và dũng cảm vượt qua thách thức của phát triển; thống nhất giữa ý Đảng với lòng dân và phép nước; đáp ứng đúng sự hối thúc của thực tiễn, mệnh lệnh của cuộc sống và nguyện vọng của nhân dân từ những nhu cầu bức xúc và lợi ích thường nhật, thiết thân hàng ngày. Sự cộng hưởng giữa trách nhiệm và quyết tâm chính trị của Đảng với ý nguyện thiết tha của lòng dân đã làm cho tư tưởng, đường lối đổi mới nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo nên hiệu ứng xã hội rộng lớn chưa từng có, lôi cuốn và thúc đẩy mọi cấp, mọi ngành, mọi người nhập cuộc với đổi mới, hành động vì đổi mới.

Nhờ có đổi mới, đất nước đã ra khỏi khủng hoảng, đã vượt qua tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, kém phát triển, đã hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đã tạo nên thế và lực của Việt Nam như ngày nay. Giữ vững ổn định chính trị, kinh tế tăng trưởng, từng bước thực hiện được tiến bộ và công bằng xã hội, cải thiện và nâng cao dần mức sống của người dân, củng cố sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và đồng thuận để hướng tới phát triển bền vững và hiện đại hóa đất nước là những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của quá trình đổi mới. Chặng đường gần 30 năm đổi mới mà toàn Đảng, toàn dân đã đi qua là thực tiễn sinh động và quý giá, tạo niềm tin sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng, vào tiềm năng sáng tạo của nhân dân và nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam.

Ba mươi năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Nhìn tổng thể, sau 30 năm đổi mới đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

ĐÀM THANH (tổng hợp)

 

 Bài 9: Bình Dương - lấp lánh sắc màu công nghiệp hóa

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên