Cách mạng Tháng Tám: Bước nhảy vọt vĩ đại của cách mạng Việt Nam - Kỳ 3

Cập nhật: 24-08-2014 | 14:31:57

 Kỳ 3: Phát huy bài học Cách mạng Tháng Tám trong 2 cuộc kháng chiến

 Có thể khẳng định thắng lợi vĩ đại của 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là thắng lợi của ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, là thắng lợi của sự vận dụng và phát huy những bài học của Cách mạng Tháng Tám (CMTT).

 

 CMTT thành công chưa được bao lâu, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời được 21 ngày, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Nam bộ rồi sau đó chúng khiêu khích tấn công ra Hải Phòng, Lạng Sơn và thủ đô Hà Nội. Lịch sử đã đặt dân tộc ta trước một sự lựa chọn mới và buộc chúng ta phải đứng lên kháng chiến trong toàn quốc để bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được. Đêm 19-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã quyết định phát động kháng chiến trên quy mô cả nước. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kéo dài 9 năm với 3.188 ngày, mở đầu bằng tiếng súng Nam bộ kháng chiến ngày 23-9-1945, kết thúc ngày 11-8-1954, khi tên lính viễn chinh Pháp cuối cùng rút ra khỏi miền Bắc, là một bản ảnh hùng ca tuyệt vời của nhân dân ta. Đó là cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện. Chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc là nội dung cơ bản chỉ đạo toàn bộ đường lối kháng chiến của Đảng.

 

Sau 56 ngày đêm chiến đấu, ngày 7-5-1954, quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ, đưa cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi hoàn toàn (Ảnh tư liệu. Nguồn: dienbien.gov.vn)

Với đường lối cách mạng đúng đắn, với nghệ thuật lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với ý chí “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, nhân dân ta đã chiến đấu kiên cường và càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng lớn, để cuối cùng đi tới “chiến thắng Điện Biên lừng lẫy địa cầu”. Chúng ta đã đánh bại được cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp được đế quốc Mỹ giúp đỡ ở mức cao, bảo vệ được chính quyền cách mạng, giải phóng hoàn toàn miền Bắc.

Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một đế quốc thực dân hùng mạnh. Thắng lợi đó chứng tỏ một chân lý lớn là: “Trong điều kiện thế giới ngày nay, một dân tộc dù nhỏ yếu, nhưng một khi đã đoàn kết đứng lên kiên quyết đấu tranh dưới sự lãnh đạo của chính Đảng Mác- Lênin để giành độc lập dân tộc và dân chủ, thì có đầy đủ lực lượng để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.” - (Văn kiện Đại hội III của Đảng).

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc hoàn toàn giải phóng nhưng một nửa đất nước, từ vĩ tuyến 17 trở vào vẫn nằm dưới ách thống trị của đế quốc và tay sai. Trong giai đoạn mới, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam một mặt phải tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, xây dựng miền Bắc thành căn cứ địa cách mạng của cả nước; một mặt phải tiến hành cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Nam, giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước.

Xâm lược miền Nam Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Đế quốc Mỹ đã dùng mọi thủ đoạn vừa xảo quyệt vừa tàn bạo trên các mặt chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, tư tưởng; đã thử nghiệm mọi chiến lược chiến tranh, sử dụng mọi thứ vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại nhất, trừ vũ khí hạt nhân, dốc người, dốc của vào chiến trường miền Nam cố giành cho được phần thắng.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trải qua nhiều thời kỳ, nhân dân ta đã lần lượt đối phó với các chiến lược chiến tranh và các âm mưu, thủ đoạn tàn bạo, xảo quyệt của đế quốc Mỹ và tay sai: “Tố cộng, diệt cộng”, “dồn dân lập ấp chiến lược”, “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ”, “chiến tranh phá hoại miền Bắc”, “Việt Nam hóa chiến tranh”. Trên cơ sở đường lối chiến lược cách mạng chung, do biết phân tích đúng âm mưu và hành động của kẻ thù cũng như so sánh lực lượng giữa ta và địch trong từng thời kỳ để đề ra những chủ trương chỉ đạo sát hợp, với tinh thần kiên cường, ý chí quyết chiến, quyết thắng, Đảng ta đã lãnh đạo quân và dân ta từng bước làm thất bại những âm mưu và ý đồ chiến lược của kẻ thù và được kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - đại thắng mùa xuân năm 1975. Chỉ trong 55 ngày đêm, với sức mạnh áp đảo cả về quân sự lẫn chính trị, quân và dân ta đã giành toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên theo con đường của chủ nghĩa xã hội.

 Tổng kết 30 năm chiến tranh cách mạng, Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị đã rút ra những bài học kinh nghiệm lớn sau đây:

Chúng ta đã nắm vững đường lối cách mạng, đường lối chiến tranh cách mạng đúng đắn và sáng tạo theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội, gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn nhiệm vụ dân tộc với nghĩa vụ quốc tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là con đường cách mạng bạo lực để đập tan bạo lực phản cách mạng, đi đôi với giương cao ngọn cờ hòa bình, tranh thủ các khả năng hòa bình có thể được nhằm tạo dựng nền hòa bình lâu dài trong độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Chúng ta đã biết phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Chính ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã tạo nên sức mạnh mới cho tất cả những người Việt Nam yêu nước, yêu độc lập tự do, không phân biệt trai gái, già trẻ, giàu nghèo, nghề nghiệp, tín ngưỡng, dân tộc… dựa trên nền tảng liên minh công nông và trí thức, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, của chế độ mới…

Các cuộc kháng chiến đã phát triển sáng tạo chiến lược tổng hợp của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Đây là bước phát triển mới về chất của chiến tranh yêu nước Việt Nam, không chỉ mới về mục tiêu cách mạng, mục tiêu tiến hành chiến tranh mà còn về phương pháp cách mạng, hình thức tiến hành chiến tranh và cả nghệ thuật quân sự. Đánh thắng được hai đế quốc hùng mạnh vào bậc nhất của thế giới là do chúng ta đã vũ trang toàn dân, tổ chức xây dựng một đội quân kiểu mới - quân đội của dân tộc, quân đội của nhân dân vì nhân dân chiến đấu và chiến thắng.

Đường lối chiến tranh vừa kháng chiến vừa kiến quốc, xây dựng kết hợp bảo vệ và củng cố chế độ mới, xây dựng căn cứ địa - hậu phương trong chiến tranh, giải quyết tốt mối quan hệ giữa tiền tuyến và hậu phương trong chiến tranh là nhân tố quyết định thắng lợi trong chiến tranh cách mạng Việt Nam. Ngay sau khi tiến hành thắng lợi cuộc tổng khởi nghĩa CMTT cũng như trong suốt 30 năm tiến hành hai cuộc kháng chiến, chúng ta đã ra sức xây dựng chính quyền cách mạng, hoàn thiện từng bước thể chế Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Trong chiến tranh chúng ta vẫn luôn chăm lo xây dựng nên kinh tế mới, cải thiện từng bước đời sống nhân dân, coi đó là cốt lõi trong xây dựng chế độ mới, là nền tảng sức mạnh của căn cứ địa - hậu phương để chiến đấu lâu dài. Chúng ta cũng coi trọng việc nâng cao dân trí, xây dựng con người mới, coi đó là nhân tố quyết định sự thắng lợi cách mạng.

Không ngừng nâng cao sức chiến đấu, phát huy hiệu lực lãnh đạo của Đảng trong chiến tranh cách mạng là nhân tố quyết định của thắng lợi oanh liệt của các cuộc chiến tranh cách mạng, đã nói lên một sự thật đanh thép: Nếu không có đội tiên phong cách mạng, có tổ chức chặt chẽ, có lý luận tiên tiến, tự mình xác định đúng đắn con đường cách mạng, chiến lược và sách lược của cách mạng và chiến tranh cách mạng Việt Nam, biết điều hành cách mạng và chiến tranh một cách khoa học và nghệ thuật như Đảng Cộng sản Việt Nam thì không thể có thắng lợi của 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

 

 Kỳ cuối: Tinh thần Cách mạng Tháng Tám trong sự nghiệp đổi mới

(Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)   

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên