Cách mạng Tháng Tám: Mốc son vàng của lịch sử cách mạng Việt Nam

Cập nhật: 19-08-2014 | 08:54:02

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, từ ngày 14 đến 28-8-1945, cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã diễn ra và thắng lợi khắp cả nước. Từ đây, chính quyền nhân dân được thành lập, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được khai sinh, dân tộc Việt Nam “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.

 Thời cơ chín muồi

Cuối năm 1944, đầu năm 1945, tình hình quốc tế có nhiều chuyển biến, phong trào cách mạng trong nước phát triển rộng khắp. Trên cơ sở đó, Hội nghị Đại biểu toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào từ ngày 13 đến 15-8-1945 đã đi đến kết luận: “Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi”, vì vậy, phải “kịp thời hành động, không bỏ lỡ cơ hội”, khẩn trương “đánh chiếm ngay những nơi chắc thắng, không kể thành phố hay thôn quê, thành lập Ủy ban nhân dân ở những nơi làm chủ”, tất cả vì mục tiêu: “Việt Nam hoàn toàn độc lập”. Tại Tân Trào, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ thị: Phải gấp rút họp Đại hội Đại biểu quốc dân. Lúc bấy giờ, cao trào kháng Nhật cứu nước đang cuồn cuộn từ Nam chí Bắc. Toàn quốc đang mong đợi một Chính phủ lâm thời cách mạng của nước Việt Nam độc lập.

 Ngày 19-8-1945, hàng chục vạn quần chúng thủ đô Hà Nội đã tham gia mít-tinh, khởi nghĩa giành chính quyền Ảnh: TƯ LIỆU

Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào đã quyết định phát động tổng khởi nghĩa trong cả nước, giành chính quyền trước khi quân đồng minh vào Đông Dương và ngay sau đó, Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng đã hạ mệnh lệnh khởi nghĩa. Ủy ban khởi nghĩa cũng đã ra Quân lệnh số 1 quyết định: “Giờ tổng khởi nghĩa đã đến! Cơ hội có một cho quân, dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà... chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!... Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta”. Cuộc khởi nghĩa bắt đầu từ 14-8, một ngày sau khi Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc.

Ngày 16-8-1945, Mặt trận Việt Minh triệu tập Đại hội Quốc dân ở Tân Trào. Đại hội quyết định: Tán thành lệnh tổng khởi nghĩa của Đảng; thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng, tức Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu; quy định Quốc kỳ, Quốc ca; đặt tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chiều 16-8-1945, quân giải phóng do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy từ Tân Trào tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên. Ngày 18-8-1945, nhân dân Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam giành được chính quyền ở tỉnh lỵ sớm nhất trong cả nước. Tại Hà Nội, ngày 17- 8-1945, Tổng hội Viên chức của chính quyền bù nhìn tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại Quảng trường Nhà hát lớn để ủng hộ “Chính phủ lâm thời” Trần Trọng Kim. Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc kỳ, quần chúng cách mạng đã chiếm lấy diễn đàn cuộc mít tinh này. Cán bộ của ta báo tin cho đồng bào biết phát xít Nhật đã đầu hàng, trình bày tóm tắt chủ trương, đường lối cứu nước của Việt Minh, đả đảo chính quyền bù nhìn thân Nhật và chuẩn bị tham gia khởi nghĩa.

Ngày 19-8, hàng chục vạn quần chúng cách mạng ở nội và ngoại thành Hà Nội mang theo gậy, dao, súng, mã tấu... tiến về Quảng trường Nhà hát lớn dự cuộc mít tinh do Việt Minh tổ chức. Cuộc mít tinh bắt đầu lúc 11 giờ, sau loạt súng chào cờ và bài Tiến quân ca vang lên, đại biểu Ủy ban quân sự cách mạng đọc lời hiệu triệu khởi nghĩa của Việt Minh. Cuộc mít tinh phát triển nhanh chóng, chuyển thành cuộc biểu tình tuần hành vũ trang. Quần chúng biểu tình chia thành nhiều đoàn cùng với các đơn vị tự vệ chiến đấu tiến về các ngả đường, chiếm các cơ quan của chính quyền bù nhìn: Phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, Sở Cảnh sát, Trại Bảo an... Trước khí thế sục sôi của quần chúng khởi nghĩa, Nhật dù có hơn một vạn quân cũng không thể làm gì được. Chính quyền đã hoàn toàn về tay nhân dân ở Hà Nội.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám ở Hà Nội ngày 19-8 đã tạo tiếng vang nhanh trong cả nước, có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ các tỉnh, thành phố khác; đồng thời làm tăng thêm sự khủng hoảng trong binh lính, quân đội Nhật, tạo điều kiện thuận lợi cho dân tộc tiến lên tổng khởi nghĩa.

Thủ Dầu Một chuẩn bị giành chính quyền

Giữa tháng 3-1945, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một (TDM) đã họp triển khai chỉ thị của Trung ương và chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa để giành chính quyền trong toàn tỉnh. Sau đó, lợi dụng âm mưu của Nhật, Xứ ủy đưa người vào tổ chức Thanh niên tiền phong.

Đến tháng 5-1945, nhận được chỉ thị ngày 12-3-1945 của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy TDM đã chỉ đạo các cơ sở khẩn trương chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa khi thời cơ chín muồi. Từ đó, phong trào quần chúng ở TDM có bước phát triển nhảy vọt. Hội cứu quốc, công nhân, nông dân và các đội tự vệ được thành lập. Cán bộ Đảng, Mặt trận Việt Minh sôi nổi diễn thuyết về chủ trương của Đảng, của Việt Minh. Cuộc sống của người dân TDM khi đó vốn rất cơ cực trước cảnh “một cổ đôi tròng, đã làm trâu ngựa cho Tây lại làm nô lệ cho Nhật”. Vì vậy, khi có Đảng lãnh đạo phong trào, hầu hết nhân dân lao động đều tham gia trong đoàn thể quần chúng; số người “lừng chừng” trước đây cũng tìm đến xin gia nhập tổ chức.

Trong ngôi nhà nhỏ ở phường Chánh Mỹ, TP.TDM, đại tá Hồ Văn Nam, nguyên Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sông Bé (cũ) nhớ lại, khoảng tháng 6-1945, Tỉnh ủy đã cử đồng chí Nguyễn Văn Đối là cán bộ của Đảng trực tiếp chấn chỉnh lại tổ chức Thanh niên tiền phong của nội ô TDM (đang do một tên Việt gian thân Nhật phụ trách). Thanh niên tiền phong là một tổ chức quần chúng hợp pháp, công khai hoạt động và có sự lãnh đạo của Đảng. Tổ chức này nhằm tập hợp thanh niên các tầng lớp tham gia sinh hoạt, loại trừ dần ảnh hương tiêu cực và phản động của kẻ địch, giáo dục tinh thần yêu nước trong đông đảo thanh niên.

Theo lời kể của đại tá Hồ Văn Nam, không khí chuẩn bị khởi nghĩa ở TDM đã diễn ra sôi nổi trong tháng 7 và đầu tháng 8. Đội tự vệ ra đời ở Lò Chén Phú Cường, Thanh niên tiền phong ở Chánh Hiệp (nay là phường Hiệp Thành), Phú Hòa là những đơn vị hoạt động rất mạnh có đến vài trăm người và được trang bị hơn 10 khẩu súng lấy được của Nhật. Công tác binh vận xúc tiến trong đội cảnh sát, đại đội cộng hòa vệ binh, nhiều binh sĩ, hạ sĩ quan hứa sẵn sàng ủng hộ ta. Hầu hết, công chức ở quận và tỉnh đều ngả về với Việt Minh. Một số người ở tầng lớp trên liên lạc với cách mạng. Thanh niên tiền phong tổ chức sinh hoạt văn hóa, mít tinh chính trị, tập luyện võ thuật, diễu hành; phân công đội viên canh giữ đường phố, dán truyền đơn… Ngoài ra, tổ chức này còn dự mít tinh đòi tẩy chay Nguyễn Văn Sâm - đại diện chính phủ bù nhìn của Nhật ở Nam kỳ; hát vang bài ca Thanh niên hành khúc… tạo nên không khí vô cùng náo nức và phấn khởi. Đội tự vệ, Thanh niên tiền phong là những lực lượng nòng cốt để tiến tới giành chính quyền ở TDM.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: “Giờ quyết định vận mệnh cho dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta”, tình thế cách mạng ở TDM đã chín muồi. Đêm 13-8, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra lệnh tổng khởi nghĩa. Tin Nhật đầu hàng và thắng lợi của các nơi trong cả nước dồn dập truyền đến làm cho sĩ quan, binh lính Nhật mất tinh thần; các tổ chức của chúng bắt đầu tan rã. Lực lượng Việt Minh, các tổ chức, các đoàn Thanh niên tiền phong và hàng vạn quần chúng đã sẵn sàng chờ lệnh, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở TDM vào ngày 25-8-1945.


 THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2306
Quay lên trên