Trước tình hình dịch bệnh TCM không ngừng tăng lên, để người dân hiểu rõ hơn về bệnh này, P.V Báo Bình Dương đã có buổi trao đổi ngắn với bác sĩ Vương Huỳnh Diễm Trang, Phó Trưởng Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa tỉnh về cách nhận biết và phòng bệnh TCM.
- Xin bác sĩ cho biết bệnh TCM là gì?
Bệnh TCM là bệnh do vi-rút gây ra, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, bệnh có thể lây lan rất nhanh từ trẻ này sang trẻ khác qua các chất tiết mũi miệng, phân hay bọt nước của trẻ bệnh. Sở dĩ gọi nôm na là bệnh TCM vì có biểu hiện chính là các mụn nước nổi ở vùng tay, chân và miệng. Bệnh này gần đây phát hiện thêm tác nhân gây bệnh Enterovirus 71 (EV71), tác nhân này nguy hiểm có thể biến chứng não và tim gây tử vong cao và rất nhanh.
Biểu hiện sớm nhất của bệnh là sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi. Trẻ xuất hiện triệu chứng như: loét họng, những nốt hồng ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân. Theo thời gian, các nốt hồng ban này biến thành các bóng nước, sau đó vỡ ra và đóng mài. Một số trường hợp hồng ban không mọc ở lòng bàn tay, lòng bàn chân mà ở đầu gối, vùng mông và quanh hậu môn.
Các biến chứng thường gặp là: viêm màng não, viêm não màng não, liệt mềm cấp, viêm cơ tim, phù phổi cấp do thần kinh. Các biến chứng có thể phối hợp với nhau như: viêm não màng não, phù phổi và viêm cơ tim trên cùng một bệnh nhân. Các biến chứng này thường gây tử vong cao và diễn tiến rất nhanh có thể trong 24 giờ.
- Cách chăm sóc trẻ khi bị bệnh như thế nào, thưa bác sĩ?
Khi trẻ bệnh nên cho trẻ nghỉ học để chăm sóc và theo dõi tốt, giảm lây lan. Vệ sinh thân thể: cho trẻ súc miệng mỗi ngày, chăm sóc da bằng cách tắm nước ấm, lau rửa nhẹ nhàng, tránh làm vỡ bóng nước hay trầy xước da, thay quần áo sạch hàng ngày. Cắt ngắn móng tay để giảm tổn thương da do gãi ngứa. Lưu ý, trẻ không cần kiêng cữ gió và ánh sáng, không chọc vỡ bóng nước, không đắp lá cây vì sẽ gây nhiễm trùng da.
Người chăm sóc rửa tay sạch bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc trẻ. Phụ huynh cho ăn thức ăn như bình thường nhưng làm lỏng, mềm như cháo bột vì thức ăn cứng làm trẻ đau rát miệng. Sau khi ăn cần súc miệng sạch sẽ và để trẻ nghỉ ngơi trong 3 - 4 giờ sau đó mới cho ăn bữa khác. Cần uống bổ sung vitamin và khoáng chất theo chỉ định của bác sĩ.
- Xin bác sĩ cho biết các biện pháp phòng ngừa bệnh TCM?
Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng ngừa bệnh, nhưng vẫn có thể phòng bệnh hiệu quả bằng cách phải rửa tay sạch sẽ bằng xà bông: rửa tay cho trẻ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; đối với người lớn rửa tay sau khi thay tã, mặc tã cho trẻ, sau khi dọn dẹp phân, nước tiểu của trẻ, trước khi chăm sóc một bé khác cũng phải rửa tay sạch.
Rửa thật sạch đồ chơi, chén, muỗng, ly... uống nước của trẻ. Lau chùi, khử trùng sàn nhà, nhà vệ sinh bằng xà bông hoặc chloramine khi có phân, nước tiểu của trẻ dây ra. Khi trẻ bị bệnh TCM cần cho nghỉ học và cách ly ở nhà. Thực hiện ăn chín, uống sôi.
- Xin cảm ơn bác sĩ!
T.PHƯƠNG (thực hiện)