Cách phòng tránh bệnh não mô cầu

Cập nhật: 25-12-2015 | 09:02:42

Bệnh do não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, lây truyền theo đường hô hấp và có khả năng gây thành dịch. Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Neisseria Meningitidis, là vi khuẩn có sức đề kháng yếu: bên ngoài cơ thể chỉ sống được vài giờ, bị diệt ở 560C trong 30 phút hoặc ở 600C trong 10 phút. Vi khuẩn dễ bị diệt bởi các chất sát khuẩn, tẩy rửa thông thường.

Trong cộng đồng, tỷ lệ người mang vi khuẩn không có triệu chứng lâm sàng (người lành mang trùng) ở mũi, hầu, họng từ 5 - 25%. Bệnh thường xảy ra vào mùa đông - xuân, ở nơi tập trung đông người (nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại…).

Các thể lâm sàng thường gặp: Viêm màng não mủ, nhiễm trùng máu, sốc nhiễm khuẩn, viêm khớp, viêm màng ngoài tim... Trong đó viêm màng não mủ và nhiễm trùng máu thường gặp nhất. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ từ 10 - 20%. Tỷ lệ tử vong có thể từ 8 - 15%.

Các triệu chứng thường gặp:

Sốt cao đột ngột; đau đầu, nôn ói, cứng gáy, mệt mỏi; có thể ho, đau họng; có thể có ban xuất huyết hoại tử hình sao.

Với thể tối cấp: sau khi phát bệnh vài giờ, người bệnh trở nên li bì, tay chân lạnh, da xanh, vã mồ hôi, rơi vào tình trạng sốc, ban xuất huyết lan nhanh toàn thân và có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Các biện pháp phòng bệnh não mô cầu:

Thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.

Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở: lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như sàn nhà, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, đồ chơi, dụng cụ học tập... bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; giặt, rửa quần áo, dụng cụ, đồ vải và phơi dưới ánh nắng mặt trời.

Thực hiện vệ sinh thông khí: thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để đảm bảo thông thoáng khí cho nhà/phòng ở, nơi làm việc, học tập hàng ngày.

Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, luyện tập thể dục, nâng cao thể trạng.

Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh tại các cơ sở y tế, nhất là trẻ từ 2 tuổi trở lên.

Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để được điều trị kịp thời, nhằm hạn chế thấp nhất việc lây nhiễm bệnh trong cộng đồng.

D.S GIANG NHUNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên