Cái chết đến từ làn khói trắng

Cập nhật: 31-05-2017 | 07:42:50

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, ở Việt Nam, mỗi năm có tới 40.000 người chết vì các bệnh liên quan đến thuốc lá (tức là mỗi ngày có hơn 100 người). Nếu không có biện pháp phòng chống, đến năm 2030 số người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá sẽ tăng lên 70.000 người. Thế nhưng khi nói về tác hại của thuốc lá, một số người tự tin cho rằng “đã hút thuốc mấy chục năm, chưa thấy tác hại gì, ngược lại nhiều người có hút thuốc đâu mà vẫn bệnh”. Và cứ thế, họ rước bệnh vào thân để rồi làm khổ gia đình, người xung quanh. 

Nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm

Chồng bà Nguyễn Thị Ng. (TX.Bến Cát) đã mất hơn 1 năm. Thế nhưng mọi người xung quanh vẫn nhắc lại như bài học cho con, cháu - những người đang “sống chung” với làn khói thuốc. Câu chuyện được mọi người truyền nhau, ông Dương Tấn T. (chồng bà Ng.), hút thuốc từ lúc 15 tuổi. Mỗi ngày ông hút cả bao thuốc lá, hút vì buồn, vì vui, vì thèm… Về sau, ông bị bệnh ung thư phổi và ung thư đường tiêu hóa. Đến khi phát bệnh đưa đi khám thì đã trễ. Lúc này, gia đình chạy chữa khắp nơi để lo cho ông nhưng bệnh vẫn không khỏi. Ông mất ở độ tuổi 45 đã để lại cho gia đình nhiều mất mát, đau thương. Cũng như gia đình bà Ng., rất nhiều trường hợp khác, những “đấng mày râu” do chủ quan sức khỏe, không biết trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 loại hóa chất đã được định dạng, trong đó có hàng trăm loại có hại cho sức khỏe, 70 chất gây ung thư… nên thoải mái hút để rồi nhận hệ lụy.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhiều nơi treo biển cấm hút thuốc lá

Theo bác sĩ Cao Thanh Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh, một khi khói thuốc vào máu sẽ làm hư hại một cách từ từ cho mọi bộ phận trong cơ thể và gây nên nhiều loại bệnh nguy hiểm. Nguy hiểm nhất đó là bệnh ung thư các loại, trong đó có ung thư phổi. Hiện nay, 90% các trường hợp ung thư phổi là do hút thuốc. Hút thuốc còn liên quan đến nhiều loại ung thư khác như: vòm họng, thanh quản; ung thư đường tiêu hóa...

Cần đẩy mạnh tuyên truyền

Bác sĩ Tùng khẳng định, người hút thuốc lá và người bị hút thuốc lá thụ động đều bị tác hại như nhau, có nguy cơ mắc các bệnh như nhau. Và một điều nữa, hút thuốc là một sự lãng phí về tiền bạc, mà lẽ ra có thể chi dùng vào rất nhiều việc có ý nghĩa. Để phòng chống tác hại của thuốc lá, Chính phủ đã ban hành Nghị định 155/2016/NĐ- CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó có xử phạt việc hút thuốc lá, vứt bỏ đầu thuốc không đúng nơi quy định. Bên cạnh việc chế tài từ nghị định, thì Bình Dương cũng đã và đang nỗ lực triển khai Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL). Các hoạt động PCTHTL ở Bình Dương đã được các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể quan tâm triển khai thực hiện, các hoạt động PCTHTL bước đầu đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Bác sĩ Tùng cho biết thêm, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTHTL trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn. Cụ thể, giá thuốc lá rẻ, thuốc lá được bày bán khắp nơi, ai cũng có thể mua được ở bất cứ nơi đâu nên gây khó khăn cho những nỗ lực ngăn ngừa hút thuốc trong cộng đồng; đặc biệt trong thanh thiếu niên trong việc hút thuốc, cai nghiện. Công tác xử phạt vi phạm hành chính hiện nay tuy đã có quy định nhưng chưa được triển khai thường xuyên và đồng bộ. Riêng đối với Bình Dương một phần nguyên nhân do lực lượng thanh tra khá mỏng; quy chế phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn chưa đạt hiệu quả cao trong phân công xử lý vi phạm…

 Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-2-2017, phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

 

 T.LÝ - H.THỦY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên