Cái chữ và nhân tâm

Cập nhật: 10-02-2014 | 00:00:00
Xin chữ treo chữ trong nhà là một thú chơi đề cao giá trị tinh thần. Người ta có thể chọn chữ khác nhau, nhưng điểm chung là hướng tới những giá trị, mà chủ nhân hướng tới. Nhưng khi treo chữ "tâm", chữ "nghĩa", chữ "trí", chữ "tuệ"..., đã bao giờ, người mua chữ tự hỏi, người viết là ai, có xứng để ta ngưỡng mộ hay không? Và những chữ ta treo trong nhà, cả năm cả tháng, nên được viết ra trong hoàn cảnh nào cho tương xứng?

 Ảnh minh họa

Xưa, xin chữ đầu năm là việc trọng. Đầu năm mới, người ta thường tìm đến những nhà nho (không nhất thiết là ông đồ như ta vẫn tưởng, ông đồ là thầy dạy chữ) xin chữ.

Chữ có thể để thờ, có thể để treo..., nhưng điểm chung là sự trọng vọng với chính cái chữ đó. Bởi ý nghĩa cái chữ chuyên chở là điều mà người ta hướng đến. Những chữ mà người ta thường xin là chữ "tâm", chữ "đức", chữ "phúc", chữ "lộc", chữ "trí", chữ "tuệ"... Ấy thế nên người xưa chọn người xin chữ. Những bậc túc nho, bên cạnh tài chữ nghĩa, thường cũng là những biểu tượng về đạo đức, là những người hay được xin chữ hơn cả. Cảnh cha mẹ dẫn con đến gặp các nhà nho, thầy đồ thỉnh chữ, nghe các vị giảng cho về ý nghĩa các chữ là một trong những nét đẹp của văn hóa Việt. Song, cùng với những bậc túc nho, người xưa cũng nói đến hạng "hủ nho", "khuyển nho". Tất nhiên, chẳng muốn ai treo chữ của hạng hủ nho, khuyển nho ở một vị trí trang trọng trong nhà!

Có nhiều giai thoại về chuyện xin chữ ngày xưa. Khi xin chữ, người ta thường mang vật phẩm làm quà gửi biếu những nhà nho. Nhưng cũng không hiếm trường hợp, chỉ vì cảm khái tấm lòng mà các bậc tiên nho đã tặng cho những chữ, những câu đối mà kim cổ đều ghi nhớ. Song, cũng rất nhiều trường hợp các cụ dứt khoát không cho chữ, nếu các cụ gặp kẻ không xứng đáng được nhận. Dân gian còn truyền tụng câu chuyện có gã tham quan khi xin chữ cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến đã bị cụ "giỡn mặt" bằng bốn chữ "Thiên lý lương nhân". Hiểu thông thường bốn chữ trên nghĩa là "nghìn dặm người tốt", nhưng cũng có thể hiểu là "trọng thực", tức trọng miếng ăn.

Những năm gần đây, phong tục xin chữ đầu năm được khôi phục. Đúng hơn là đi mua chữ, vì có mặc cả ngã giá đàng hoàng. Thậm chí hình thành cả phong trào. "Phố ông đồ" bên Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội đã hình thành ngót chục năm nay để đáp ứng nhu cầu này. "Phố ông đồ" bắt đầu hoạt động từ sau 20 tháng Chạp đến hết rằm tháng Giêng. Giá của một chữ loại bé nhất ở đây cũng khoảng 30 nghìn đồng. Nếu cả câu đối là vài trăm nghìn, thậm chí tiền triệu là bình thường. Không ngoa, đây là "mùa làm ăn" với những "ông đồ" thời hiện đại. Có những người đắt khách, một vụ kiếm vài chục triệu đồng không phải là chuyện lạ.

Nhiều người nhìn vào "phố ông đồ", nói rằng, một phong tục, một nét đẹp xin chữ xưa đang trở lại. Xưa, chỉ những chữ được viết ra bởi những nhà nho hay chữ, đức dày mới được xem là xứng đáng treo ở nơi trang trọng. Còn nay, dường như chưa ai từng đặt câu hỏi: Người đang bán chữ cho mình là ai, liệu cái tài cái đức của họ có xứng với những chữ "tâm", chữ "đức" mà họ viết ra để gia đình, con cái noi theo hay không? Tôi ngờ rằng rất khó có "ông đồ", "bà đồ" nào ở "chợ chữ" bên Văn Miếu - Quốc Tử Giám lại từ chối bán chữ cho khách hàng như chuyện xưa, ngay cả khi thấy người xin không xứng với những chữ mà họ mua về! Bởi hôm nay, "chợ chữ" là cuộc làm ăn. Mỗi quầy hàng bán chữ đều phải thuê mướn cả.

Xin chữ, thỉnh chữ đầu năm là một phong tục đẹp. Ngày nay, các ông đồ cũng cần phải sống, mua chữ cũng là lẽ thường tình. Nhưng không hiểu đúng về tục xin chữ, người ta đang làm hại chính các ông đồ, làm xấu đi một phong tục đẹp, khi lắm ông đồ bên Văn Miếu một tay viết chữ một tay vẫn lần cuốn từ điển Hán - Việt dày cộp vì sợ viết nhầm. Liệu ta có nên treo chữ của những người như thế, nhất là khi họ đang viết ra chữ "trí", chữ "tuệ", chữ "tài"? Hay liệu ta có nên xin những chữ "nhân", chữ "nghĩa", chữ "lễ", chữ "tín" của những người không hoàn toàn không xem nó làm rường cột trong đời sống tinh thần?

Mùa mua chữ năm nay lắm chuyện "ì xèo" hơn, khi Ban Tổ chức bố trí địa điểm viết chữ một đàng, thì các ông đồ lại ngồi một nẻo. Khuôn viên hồ Văn, nơi được tổ chức để viết chữ thì vắng vẻ. Vỉa hè bên Văn Miếu - Quốc Tử Giám thì rộn ràng kẻ bán người mua. Khi quyết định chuyển địa điểm bán chữ vào khuôn viên hồ Văn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội có mục đích rõ ràng là để giảm ảnh hưởng đến giao thông khu vực. Nhưng cả người bán lẫn kẻ mua chữ đều phớt lờ quy định này. Những cảnh dở khóc dở cười diễn ra khi ông đồ vừa viết chữ, vừa thủ thế cầm giấy bút, ghế... chạy khi có lực lượng an ninh trật tự xuất hiện. Liệu người ta có thể dồn hết tâm trí, bút lực vào chữ viết trong bối cảnh như thế? Nhìn cảnh lộn xộn ở "chợ chữ" Văn Miếu, xin đừng trách tại sao người ta hay bảo người Việt có "hội chứng đám đông".

Cái chữ được thỉnh về đầu năm luôn mang những ý nghĩa sâu dày. Hãy để làm sao, cái chữ đó thực sự thể hiện cái tâm của người viết - người nhận.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=559
Quay lên trên