Cái nhìn toàn cảnh xung quanh kết luận thanh tra của UBND tỉnh Bình Dương đối với Công ty Cổ phần Đại Nam 

Cập nhật: 05-09-2015 | 08:56:42

Sau khi UBND tỉnh Bình Dương công bố Kết luận thanh tra số 2735/KL-UBND ngày 13-8-2015 đối với Công ty Cổ phần Đại Nam (CPĐN), trong những ngày qua, từ số báo ngày 31-8 đến ngày 4-9, Báo Bình Dương đã đăng tải loạt bài “Vì sao Công ty Cổ phần Đại Nam bị thanh tra toàn diện”, phản ảnh những vấn đề mà bạn đọc quan tâm về các nội dung trong kết luận thanh tra. Trong bài viết này, nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn tổng thể về vụ việc cũng như nội dung kết luận thanh tra của UBND tỉnh đối với Công ty CPĐN, Báo Bình Dương xin xâu chuỗi lại toàn bộ các nội dung, như một lời kết cho loạt bài mà chúng tôi đã phản ánh.

Kết luận thanh tra của UBND tỉnh yêu cầu Công ty Cổ phần Đại Nam thực hiện nghiêm túc các nội dung kết luận thanh tra ẢnhP.V

Về xây dựng 167 công trình xây dựng trái phép

Ngày 11-9-2003, UBND tỉnh có Công văn số 3929/UB-KTTH gửi Sở Xây dựng chấp thuận chủ trương cho Công ty CPĐN xây dựng các hạng mục công trình Khu du lịch Đại Nam theo hình thức vừa thiết kế, vừa thi công, giao Sở Xây dựng giải quyết cụ thể.

Ngày 10-7-2009, qua xem xét Công văn số 1388/SXD-KTKT, ngày 26-6-2009 của Sở Xây dựng về việc đề nghị xử lý việc xây dựng không phép của Công ty CPĐN, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Công văn số 1913/UBND-KTN, chấp thuận cho Công ty CPĐN được lập thủ tục xây dựng và đăng ký quyền sở hữu đối với các công trình: Khu khách sạn Đại Nam Văn hiến, Khu hội nghị Đại Nam, Khu biển Đại Nam, Khu giải trí Đại Nam. Công ty CPĐN phải bị xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm trong lĩnh vực xây dựng cơ bản... giao Sở Xây dựng hướng dẫn Công ty CPĐN lập thủ tục xây dựng và đăng ký sở hữu công trình. Ngày 18- 9-2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3454/QĐ-CT về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động xây dựng. Hình thức xử phạt hành chính là 60 triệu đồng, yêu cầu Công ty CPĐN phải xin cấp phép xây dựng theo quy định.

Qua việc xử phạt vi phạm về xây dựng cơ bản đối với Công ty CPĐN, nhưng công ty vẫn tiếp tục xây dựng không phép từ năm 2009-2011 là 167 công trình phụ, tạm và một số công trình kiên cố như: Nhà trung tâm dịch vụ du lịch, trạm xăng dầu, nhà mua sắm, nhà điều hành 3, nhà văn phòng, nhà gỗ khu biệt thự biển, nhà tiền chế... đã hoàn thành xong đến nay gần 4 năm nhưng vẫn chưa thực hiện trình tự thủ tục xây dựng và xin cấp sở hữu công trình.

Công văn số 3929/UB-KTTH của UBND tỉnh mới chỉ là chủ trương, còn về vấn đề thực hiện như thế nào, thì phải được sự xem xét giải quyết của Sở Xây dựng và khi xây dựng xong công ty phải thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng, không có nghĩa là có chủ trương của UBND tỉnh, khi công ty xây dựng hoàn thành các công trình, bất chấp mọi thủ tục pháp lý về xây dựng cơ bản. Đoàn thanh tra kiến nghị UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng cơ bản là đúng quy định và kết luận thanh tra của Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Sở Xây dựng rà soát để đề xuất UBND tỉnh xử lý các công trình xây dựng trái phép là thực hiện theo quy định pháp luật.

Về việc phân bổ chi phí

Do hoạt động kinh doanh của Công ty CPĐN khi có lãi, công ty phải nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo các mức lãi suất như sau: Doanh thu cho thuê đất Khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần 2, thuế TNDN phải nộp 10%; doanh thu cho thuê mặt bằng, nhà xưởng KCN Sóng Thần 2, thuế TNDN phải nộp 25%; doanh thu cho thuê KCN Sóng Thần 3, thuế TNDN phải nộp 25%; doanh thu chuyển quyền sử dụng đất, thuế TNDN phải nộp 25%; doanh thu hoạt động Khu du lịch Đại Nam: thuế TNDN phải nộp 10%; doanh thu khác (bãi kiểm hóa, khai thác cát, sản xuất bê tông...), thuế TNDN phải nộp 25%.

Trong thời gian qua, từ năm 2009 đến năm 2012, Công ty CPĐN đã thực hiện phân bổ chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính, chi phí bán hàng theo tỷ lệ doanh thu của từng hoạt động là chưa đúng theo quy định tại Tiết b, Điểm 1.2, Khoản 1, Mục II, Phần G, Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26-12- 2008 (năm 2009 đến năm 2011) và tại Điểm b, Khoản 1, Điều 17, Chương V, Thông tư số 123/2012/ TT-BTC ngày 27-7-2012 của Bộ Tài chính, quy định: “Trường hợp doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau thì phải hạch toán riêng các khoản chi phí. Trường hợp không hạch toán riêng được chi phí từng hoạt động thì chi phí chung được phân bổ theo tỷ lệ giữa doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản so với tổng doanh thu của doanh nghiệp”.

Căn cứ vào quy định trên, Đoàn thanh tra đã thống nhất với Công ty CPĐN tại các biên bản làm việc và biên bản tổng hợp số liệu sai phạm ngày 11-6-2015 về cách phân bổ chi phí cho đúng với quy định và công ty cũng đã thực hiện cách phân bổ này cho năm 2013-2014, cụ thể:

Đối với chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính, do được dùng chung cho hoạt động của công ty không thể tách riêng cho từng hoạt động được, thì phân bổ theo tỷ lệ doanh thu như công ty đã thực hiện. Đối với chi phí bán hàng, Đoàn thanh tra đã xác định lại chi phí bán hàng theo nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh cụ thể theo từng hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD) của công ty, để đưa chi phí vào cho đúng của hoạt động đó (những nội dung chi có địa chỉ chi rõ ràng), chỉ thực hiện phân bổ theo tỷ lệ doanh thu đối với khoản chi phí bán hàng dùng chung không thể tách riêng cụ thể cho từng hoạt động (đơn vị tự bóc tách, sau đó Đoàn thanh tra, kiểm tra lại và đã thống nhất số liệu ký kết giữa hai bên). Sau khi bóc tách chi phí bán hàng riêng cho từng hoạt động, phần chi phí chung không thể bóc tách được nữa, công ty đã đề nghị Đoàn thanh tra cho phân bổ theo tỷ lệ doanh thu và đoàn cũng đã chấp thuận.

Về việc thực hiện nộp tiền truy thu thuế và xử phạt của Công ty CPĐN

Tổng số tiền Công ty CPĐN đã nộp là 99.050.474.511 đồng, cụ thể:

* Nộp trước khi ban hành kết luận thanh tra: 12.055.262.348 đồng

- Ngày 16-7-2015: 123.625.766 đồng

- Ngày 16-7-2015: 12.536.035 đồng

- Ngày 16-7-2015: 11.919.100.547 đồng

(Công ty CPĐN biết vi phạm nên tự mang tiền đến để nộp trước khi UBND tỉnh ban hành Kết luận thanh tra).

* Nộp sau khi ban hành kết luận thanh tra: 86.995.210.163 đồng

- Ngày 20-8-2015: 65.870.712.895 đồng

- Ngày 25-8-2015: 6.217.604.742 đồng

- Ngày 25-8-2015: 14.906.894.526 đồng

Sau khi đã tách riêng chi phí bán hàng cho từng hoạt động cụ thể và phân bổ lại chi phí bán hàng dùng chung cho hoạt động của công ty theo đúng quy định và điều chỉnh tăng, giảm doanh thu, chi phí thì số thuế TNDN Công ty CPĐN phải nộp tăng thêm từ năm 2009 đến năm 2013 là 44.534.820.463 đồng.

Hành vi vi phạm và số liệu vi phạm trên đã được thống nhất giữa Đoàn thanh tra với Công ty CPĐN tại các biên bản làm việc, biên bản tổng hợp số liệu vi phạm và biên bản vi phạm hành chính ngày 11-6-2015.

Đối chiếu với nội dung công văn trả lời của Bộ Tài chính số 11427/BTC-TCT, ngày 20-8-2015 về việc trả lời kiến nghị của Công ty CPĐN và quy định tại Thông tư số 130/2008/TT-BTC, Thông tư số 123/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính, thì Đoàn thanh tra thực hiện việc phân bổ chi phí như trên là đúng quy định pháp luật. Đồng thời, Công ty CPĐN cũng đã thực hiện việc phân bổ này cho năm 2013, 2014.

Cụ thể, đơn cử hoạt động Khu du lịch Đại Nam: Công ty hạch toán phân bổ chi phí bán hàng theo tỷ lệ doanh thu của từng hoạt động, dẫn đến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh lãi (lỗ) (số báo cáo của công ty): Năm 2009 lãi 81 tỷ 924 triệu đồng; năm 2010 lãi 78 tỷ 510 triệu đồng; năm 2011 lãi 76 tỷ 682 triệu đồng; năm 2012 lãi 36 tỷ 852 triệu đồng; năm 2013 lỗ 22 tỷ 793 triệu đồng (riêng năm 2013, công ty đã có hạch toán riêng một phần chi phí bán hàng cho từng hoạt động và đưa vào giá vốn hàng bán trong năm, phần chi phí bán hàng còn lại (công ty chưa tách riêng), công ty tiếp tục phân bổ theo tỷ lệ doanh thu của các hoạt động, dẫn đến lợi nhuận thuần năm 2013 bị thay đổi); năm 2014, công ty hạch toán đúng theo quy định như cách của Đoàn thanh tra làm. Hạch toán chi phí bán hàng theo cách phân bổ của công ty, thì đối với hoạt động Khu du lịch Đại Nam khi có lãi chỉ đóng thuế TNDN 10% cho suốt dự án.

Đoàn thanh tra yêu cầu công ty tự xác định lại chi phí bán hàng cho từng hoạt động kinh doanh cụ thể theo từng nghiệp vụ kinh tế phát sinh (công ty đã thống nhất với Đoàn thanh tra) thì hàng năm Khu du lịch Đại Nam lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh bị lỗ (số kiểm tra của đoàn): năm 2009 lỗ 21 tỷ 061 triệu đồng; năm 2010 lỗ 53 tỷ 189 triệu đồng; năm 2011 lỗ 62 tỷ 569 triệu đồng; năm 2012 lỗ 42 tỷ 813 triệu đồng; năm 2013 lỗ 72 tỷ 730 triệu đồng; năm 2014 lỗ 78 tỷ 748 triệu đồng. Theo cách hạch toán riêng chi phí bán hàng cho từng hoạt động, thì hoạt động Khu du lịch Đại Nam bị lỗ nên không phát sinh thuế TNDN phải nộp, tuy nhiên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh khác (chịu mức thuế suất TNDN 25%) tăng lên như kết quả của Đoàn thanh tra đã xác định.

Theo thông tin của Báo Tuổi Trẻ đăng ngày 29-8-2015, qua phỏng vấn “ông Huỳnh Uy Dũng cho biết sở dĩ năm 2014, Công ty Đại Nam đã hạch toán riêng chi phí như cách tính của Đoàn thanh tra, khi đó Công ty Đại Nam có kế hoạch tách riêng mảng du lịch và mảng kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, bất động sản thành 2 công ty, nên phải tính toán riêng”. Qua phát biểu trên của ông Huỳnh Uy Dũng cho thấy, mặc nhiên ông Dũng cũng đã thừa nhận cách hạch toán riêng chi phí như tính toán của Đoàn thanh tra đã làm là đúng quy định pháp luật.

Chi phí mà Công ty CPĐN ủng hộ mổ tim cho trẻ em nghèo

Từ năm 2009-2013, Công ty CPĐN chi ủng hộ trẻ em nghèo mổ tim, ủng hộ bão lụt, xây dựng nhà cho người nghèo với số tiền là 11.905.553.936 (trong tỉnh: 4.806.041.290 đồng, ngoài tỉnh: 7.099.512.646 đồng). Chi phí này được công ty hạch toán vào chi phí quản lý (năm 2014, không chi). Ngoài ra, qua kiểm tra chứng từ, sổ sách, báo cáo tài chính của Công ty CPĐN không thấy thể hiện chi từ lợi nhuận sau thuế để hỗ trợ cho trẻ em nghèo mổ tim như ông Dũng đã từng công bố.

Hơn nữa, tại Công văn số 145/ CVĐN ngày 9-7-2015 của Công ty CPĐN gửi cho Đoàn thanh tra giải trình về việc xác định thuế TNDN của công ty, công ty đã trích dẫn Biên bản thanh tra thuế ngày 5-8-2009 của Đoàn thanh tra Tổng cục Thuế thanh tra thời kỳ năm 2007-2008 đã thống nhất với công ty cách phân bổ chi phí: “Trường hợp cơ sở kinh doanh có hoạt động kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau thì phải hạch toán riêng các khoản chi phí. Trường hợp không hạch toán riêng được chi phí của từng hoạt động thì chi phí chung được phân bổ theo tỷ lệ giữa doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản so với tổng doanh thu của doanh nghiệp”.

Như vậy, qua trích dẫn trên của Công ty CPĐN, nhận thấy Công ty CPĐN đã được Đoàn thanh tra của Tổng cục Thuế chỉ ra và hướng dẫn, công ty cũng đã thống nhất với đoàn cách phân bổ chi phí. Đồng thời, qua trả lời phỏng vấn trên của ông Huỳnh Uy Dũng, cho thấy chứng tỏ công ty đã hiểu và biết phải hạch toán chi phí riêng cho từng hoạt động kinh doanh, chỉ có chi phí chung (không rõ địa chỉ) thì mới được phân bổ theo tỷ lệ doanh thu, nhưng công ty đã cố ý hạch toán nhập nhằng chi phí bán hàng một thời gian dài từ 2009-2012, không tách riêng cho từng hoạt động (khi Đoàn thanh tra yêu cầu thì công ty đã tách riêng được chi phí cho từng hoạt động có địa chỉ chi cụ thể), từ đó đã làm cho kết quả kinh doanh của từng hoạt động của công ty phản ánh không chính xác dẫn đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách Nhà nước chưa đúng quy định, nộp thiếu thuế như kết luận thanh tra đã nêu.

Về các Đoàn thanh tra đã thanh tra tại Công ty CPĐN

Trong thời gian qua, các đoàn đã tiến hành thanh tra tại Công ty CPĐN gồm: Đoàn thanh tra của Tổng cục Thuế (thời kỳ thanh tra 2011, thời gian thanh tra tháng 10- 2012, nội dung: kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế); Đoàn kiểm toán khu vực IV (thời kỳ kiểm toán năm 2011, 2012, thời gian kiểm toán tháng 8-2013, nội dung kiểm toán là việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước); Đoàn thanh tra của Cục Thuế tỉnh (thời kỳ thanh tra năm 2012, thời gian thanh tra tháng 7-2014, nội dung thanh tra là thanh tra thuế).

Riêng Đoàn thanh tra của UBND tỉnh Bình Dương, thời kỳ thanh tra từ năm 2009-2014, thời gian thanh tra tháng 1-2015, nội dung thanh tra là thanh tra toàn diện hoạt động sản xuất kinh doanh và việc chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty CPĐN.

Như vậy, Đoàn thanh tra của UBND tỉnh Bình Dương là thanh tra toàn diện tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty CPĐN, phạm vi, nội dung thanh tra toàn diện rộng hơn 3 đoàn trước. Trong quá trình làm đoàn có kế thừa kết quả của các Đoàn thanh tra trước, những nội dung nào mà các Đoàn thanh tra, kiểm toán trước đây chưa làm thì đoàn làm tiếp, như việc phân bổ chi phí để tính thuế TNDN (các đoàn trước chưa làm, nay Đoàn thanh tra làm rõ; loại trừ lãi vay huy động vốn của cá nhân ông Huỳnh Uy Dũng không dùng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đã sử dụng cho mục đích khác, Đoàn kiểm toán đã làm, Đoàn thanh tra kế thừa tiếp tục làm tiếp của các năm khác...).

Như vậy, căn cứ vào Khoản 2, Điều 7, Luật Thanh tra năm 2011 quy định: “Không trùng lắp phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra”, đối chiếu với quy định này thì Đoàn thanh tra của UBND tỉnh không vi phạm pháp luật thanh tra.

Kết quả thanh tra tại Công ty CPĐN, Đoàn thanh tra đã làm đúng quy định của pháp luật, những sai phạm của Công ty CPĐN đều có căn cứ pháp luật và được ông Nguyễn Đình Khương, Nguyễn Hữu Phước (được ông Huỳnh Uy Dũng ủy quyền) và Kế toán trưởng Nguyễn Tuấn Khanh thống nhất và ký kết với Đoàn thanh tra tại các biên bản làm việc, biên bản vi phạm hành chính và các buổi họp thông qua dự thảo Báo cáo kết quả thanh tra của đoàn và dự thảo Kết luận thanh tra của Chủ tịch UBND tỉnh. Đoàn thanh tra không thanh tra lại kết luận của các Đoàn thanh tra trước đây.

Nội dung Công văn số 11427/BTC-TCT, ngày 20-8-2015 của Bộ Tài chính trả lời kiến nghị của Công ty CPĐN

Về Công văn số 11427/BTC-TCT, ngày 20-8-2015 của Bộ Tài chính về việc trả lời kiến nghị của Công ty CPĐN, qua nội dung công văn trả lời của Bộ Tài chính, cho thấy, Bộ Tài chính đã trích dẫn những quy định của Thông tư 130/TT-BTC, 123/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc phân bổ chi phí chung và trích dẫn một số điều của Luật Thanh tra, gồm nguyên tắc hoạt động của các đoàn thanh tra; các hành vi nghiêm cấm...; nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định hành chính; nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn thanh tra, Bộ Tài chính đề nghị Công ty CPĐN căn cứ vào những quy định này và hiện nay Đoàn thanh tra chưa ban hành kết luận thanh tra để làm việc trực tiếp với người ra quyết định thanh tra và Trưởng đoàn thanh tra để được giải quyết cụ thể về kiến nghị của công ty có liên quan đến nội dung, phạm vi, thời kỳ thanh tra và khoản chi phí chung.

Cụ thể, Sau khi trích dẫn tiết 1.2, điểm 1, Mục II, phần G Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26-12-2008 của Bộ Tài chính và tại tiết b, khoản 1, Điều 17 Thông tư số 123/TT-BTC ngày 27-7-2012 của Bộ Tài chính, Công văn 11427 trả lời: “Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp Công ty CPĐN có hoạt động kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau từ năm 2009 đến năm 2013, trong đó có hoạt động chuyển nhượng bất động sản, thì phải hạch toán riêng các khoản chi phí. Trường hợp Công ty CPĐN không hạch toán riêng được chi phí của từng hoạt động (trong đó có hoạt động chuyển nhượng bất động sản) thì chi phí chung được phân bổ theo tỷ lệ giữa doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản so với tổng doanh thu của doanh nghiệp”. Về kiến nghị của Công ty CPĐN đối với việc thanh tra khoản chi phí chung, sau khi căn cứ vào các điều khoản của Luật Thanh tra, Công văn 11427 trả lời: “ Căn cứ quy định nêu trên và thực tế hiện nay đoàn thanh tra được thành lập theo Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 5-1-2015 của UBND tỉnh Bình Dương đang thực hiện thanh tra tại Công ty CPĐN và chưa ban hành kết luận thanh tra, Bộ Tài chính đề nghị Công ty CPĐN làm việc trực tiếp với người ra quyết định thanh tra (UBND tỉnh Bình Dương) và Trưởng đoàn thanh tra theo Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 5-1-2015 để được giải quyết cụ thể về những kiến nghị của công ty có liên quan đến nội dung, phạm vi, thời kỳ thanh tra đối với khoản chi phí chung và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định. Bộ Tài chính trả lời để Công ty CPĐN biết và thực hiện” .

Công văn số 11427 của Bộ Tài chính trả lời chỉ nhằm mục đích hướng dẫn việc phân bổ chi phí, không có câu từ nào khẳng định việc phân bổ chi phí của Công ty CPĐN là đúng quy định và “hạch toán như công ty đã được pháp luật cho phép” cả. Công văn số 11427 của Bộ Tài chính chỉ là công văn trả lời kiến nghị mang tính chất tư vấn pháp luật theo Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26-12-2008 và Thông tư 123/TT-BTC ngày 27-7-2011 của Bộ Tài chính và các điều khoản của Luật Thanh tra. Nội dung Công văn 11427 cũng không đề cập tính pháp lý của Kết luận thanh tra số 2735/ KL-UBND ngày 13-8-2015 của UBND tỉnh Bình Dương đối với Công ty CPĐN.

Bộ Tài chính trả lời Công ty CPĐN rất rõ ràng, Báo Bình Dương đã đăng toàn văn công văn này vào số báo ra ngày thứ năm 3-9-2015. Đây là bằng chứng để bạn đọc hiểu rõ vấn đề của vụ việc.

 

 NHÓM P.V

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên