Cải thiện nguồn nước sông Đồng Nai: Bình Dương đóng góp quan trọng

Cập nhật: 09-11-2015 | 07:58:53

Tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực sông Đồng Nai được tổ chức tại Đồng Nai vừa qua, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã đánh giá rất cao vai trò của Bình Dương trong việc hạn chế những tác động tiêu cực tới khu vực hạ lưu sông Đồng Nai.

 Hệ thống xử lý nước thải tại các KCN trên địa bàn tỉnh Bình Dương được quan tâm đầu tư, góp phần cải thiện chất lượng nguồn nước các dòng sông trong khu vực. Trong ảnh: Hệ thống xử lý nước thải tại KCN Việt Hương. Ảnh: PHÙNG HIẾU

Chất lượng nước sông được cải thiện

Theo báo cáo, trong số 117 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động tại các tỉnh, thành thuộc hệ thống sông Đồng Nai đã có 105 KCN xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định (chiếm tỷ lệ 89%). Hệ thống xử lý nước thải tập trung này được lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tại 6 tỉnh thuộc khu vực Đông Nam bộ.

Phát biểu tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban BVMT lưu vực sông Đồng Nai, ông Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ TN&MT nhấn mạnh, trong hai năm tới khi Đồng Nai thay Bình Dương giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực sông Đồng Nai, các địa phương cần tìm được tiếng nói chung trong công tác BVMT. Đối với những công trình lớn được xây dựng trên lưu vực sông Đồng Nai, các tỉnh, thành cần có tính toán tổng thể về những tác hại lâu dài đối với môi trường. Bình Dương, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh là những địa phương có nhiều kinh nghiệm về công tác BVMT cần phát huy tối đa vai trò chủ đạo của mình trong công tác BVMT tại lưu vực các con sông. Bên cạnh đó, công tác trao đổi, đối thoại, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau của 11 tỉnh, thành trên lưu vực sông cần được phát huy tối đa nhằm tiến tới xây dựng một môi trường bền vững phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân tại lưu vực các con sông.

Mặc dù gặp khó khăn về kinh phí, trong hai năm 2014 và 2015, UBND các tỉnh, thành trên lưu vực sông Đồng Nai vẫn ưu tiên kinh phí, dự án, nhiệm vụ thuộc kế hoạch triển khai “Đề án sông Đồng Nai”. Các tỉnh, thành đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật môi trường trên địa bàn rộng lớn với 36 dự án, tổng kinh phí hàng ngàn tỷ đồng.

Kết quả đánh giá mới nhất cho thấy, chất lượng nước sông Đồng Nai đã được cải thiện. Năm 2014, chỉ số chất lượng nước (WQI) tuy vẫn còn cao nhưng có chiều hướng giảm dần trong năm 2015. Bên cạnh đó, hàm lượng amoni, ô nhiễm hữu cơ (BOD5, COD) đang được cải thiện đáng kể.

Ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, hai năm qua chất lượng nước sông Đồng Nai đã được các tỉnh, thành tích cực quan tâm. Nhiều địa phương đã bày tỏ quan điểm dứt khoát và mạnh tay xử phạt các hành vi vi phạm đến môi trường tại lưu vực sông Đồng Nai. Đã có gần 400 cơ sở bị thanh, kiểm tra về những hành vi gây tổn hại đến môi trường, 177 cơ sở đã bị xử phạt với số tiền hơn 22 tỷ đồng. Xử lý triệt để, quyết liệt các hành vi gây ô nhiễm môi trường đã làm cho công tác BVMT tại các địa phương có chuyển biến tích cực hơn.

Ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực sông Đồng Nai (2013-2015) đã đánh giá rất cao tình hình triển khai công tác BVMT lưu vực sông trong nhiệm kỳ 2013-2015. Ông Nam cho biết, hệ thống quan trắc, phân tích dữ liệu được các tỉnh, thành chú trọng đầu tư, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý BVMT của mỗi địa phương. Bên cạnh đó, công tác điều tra, thống kê nguồn thải đã và đang được các địa phương triển khai thực hiện. Tới nay 11/11 tỉnh, thành đã hoàn thiện danh sách sơ bộ các nguồn thải trên địa bàn. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và cộng đồng dân cư nói chung được tăng cường mạnh mẽ với nhiều hình thức phong phú, đa dạng… đã góp phần cải thiện nguồn nước tại lưu vực sông Đồng Nai.

Nỗ lực của Bình Dương

Là tỉnh có gần 22.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tốc độ đô thị hóa nhanh, thời gian qua Bình Dương rất chú trọng đến công tác BVMT. Tỉnh đã tích cực chủ động, phối hợp đồng bộ với các tỉnh, thành bạn nhằm cải thiện chất lượng môi trường của sông Đồng Nai tại các “điểm nóng” về vấn đề ô nhiễm. Các dự án cải thiện nguồn ô nhiễm tại kênh Ba Bò, suối Cái - suối Nhum - suối Xuân Trường (tiếp giáp với TP.Hồ Chí Minh), suối Siệp (tiếp giáp với tỉnh Đồng Nai)… đã được cơ quan, ban ngành trong tỉnh hết sức quan tâm.

Từ năm 2007, Bình Dương đã triển khai hàng loạt dự án, đề tài nhằm thống kê, kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm lưu vực sông như: Quy hoạch chất thải rắn; Đề án kiện toàn hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn đô thị; Đề án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế; Đề án điều tra, đánh giá hiện trạng môi trường các làng nghề trên địa bàn tỉnh; Dự án đầu tư hệ thống quan trắc động thái nước dưới đất…

Để có cơ sở dữ liệu về nguồn thải, Bình Dương đã xây dựng hệ thống thông tin cơ sở sản xuất trên địa bàn. Đến nay tỉnh đã cập nhật dữ liệu của 3.582 cơ sở, trong đó 100% cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ TN&MT và Sở TN&MT được cập nhật đầy đủ thông tin về quy mô sản xuất, lượng chất thải, nước thải…

Lãnh đạo Sở TN&MT cho biết thêm, căn cứ vào phạm vi thống kê nguồn thải, tỉnh Bình Dương đã lập danh sách gồm 328 nguồn thải; trong đó có 178 nguồn thải với lưu lượng 100m3/ngày trở lên thải vào lưu vực sông Sài Gòn, 15 nguồn thải có lưu lượng từ 100m3/ngày trở lên thải vào lưu vực sông Bé và 135 nguồn thải với lưu lượng trên 50m3/ngày thải vào lưu vực sông Đồng Nai. Đây chính là cách để Bình Dương kiểm soát chặt chẽ nguồn ô nhiễm từ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 PHÙNG HIẾU 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên