Cấm và tạm cấm khai thác khoáng sản: Góp phần bảo vệ các công trình, khu vực quan trọng không bị xâm hại

Cập nhật: 02-02-2012 | 00:00:00

Nhằm bảo vệ các công trình văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh, các công trình dân sự trọng điểm, các khu vực dành riêng cho an ninh - quốc phòng không bị xâm hại, vùng khoáng sản chưa khai thác còn nằm phía dưới các công trình bởi hoạt động khoáng sản gây ra, UBND tỉnh vừa giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thực hiện đề án “Xây dựng hồ sơ vùng cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương”.

 

Theo nghiên cứu sơ bộ của một số nhà địa chất, Bình Dương là một trong những tỉnh có tiềm năng đáng kể về khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường, gồm sét gạch ngói, làm nguyên liệu cho ceramic, gạch ngói, gốm thô. Đá xây dựng có trữ lượng vào loại trung bình, tính đến năm 1999 có 8 mỏ với tổng tài nguyên 900 triệu m3. Cuội sỏi thường phân bố cùng với sét kaolin (nguồn nguyên liệu cho ceramic, gốm sứ, chất độn cho phân bón, thuốc trừ sâu)... Ngoài than bùn, Bình Dương còn có khoáng hóa vàng, đá quý, đá bán quý nhưng chưa phát hiện chúng có khả năng đầu tư khai thác với quy mô công nghiệp. Và mới đây, một số khu vực Châu Thới, Đông Phú Giáo, Bắc Tân Uyên mới phát hiện và đăng ký một số điểm khoáng hóa vàng... 

Núi Cậu (Dầu Tiếng) - danh lam thắng cảnh, vực khu cấm hoạt động khoáng sản

Trao đổi với chúng tôi, cán bộ Phòng Tài nguyên nước và Khoáng sản thuộc Sở TN&MT, cho biết thực hiện mục tiêu đó, góp phần bảo vệ công trình và khu vực quan trọng không bị xâm hại, đến nay sở đã khoanh định được 28 vùng cấm, 2 vùng tạm cấm hoạt động khoáng sản sau khi lấy ý kiến của Bộ TN&MT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Theo đề án, đối tượng khoanh định vùng cấm, tạm cấm gồm: Di tích văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng; đất dành cho tôn giáo; rừng phòng hộ, khu bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn địa chất; đất dành riêng cho an ninh - quốc phòng; công trình đê điều thủy lợi quốc gia; kết cấu hạ tầng đường giao thông, đường điện, cầu, cảng; khu đô thị, trung tâm thương mại du lịch; khu, cụm công nghiệp.

Riêng đối với khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, theo quy định của Luật Khoáng sản sẽ được khoanh định khi có một trong các yêu cầu về quốc phòng - an ninh; bảo tồn thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đang được Nhà nước xem xét, công nhận hoặc phát hiện trong quá trình thăm dò, khai thác khoáng sản và yêu cầu do phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai. Ở Bình Dương, đối tượng được xác định để khoanh định là yêu cầu phòng tránh hoặc khắc phục hậu quả thiên tai. Các yêu cầu còn lại sẽ bổ sung khi phát sinh hoặc có phát hiện mới.

Các cán bộ phụ trách về tài nguyên nước và khoáng sản phân tích thêm, 28 khu vực khoáng sản cấm hoạt động có tổng diện tích 9.575,55 ha và 4,5km chiều dài sông, hồ, bao gồm đá xây dựng Châu Thới, xã An Bình (TX.Dĩ An); Núi Cậu, xã Định Thành; Núi Đất (Dầu Tiếng), Laterit Kiến An, xã An Lập (Dầu Tiếng); nhiều khu vực khoáng sản khác cấm hoạt động do là rừng phòng hộ, đất quốc phòng - an ninh, đất phát triển đô thị; đất phát triển công nghiệp, khu vực bảo vệ công trình đập quốc gia, công trình cầu và phòng chống thiên tai sạt lở bờ sông cùng một số công trình phúc lợi xã hội khác... Song song đó, 2 khu vực tạm cấm hoạt động khoáng sản có tổng 162km chiều dài sông gồm cát sông Sài Gòn (đoạn từ phía trên cách cầu Bến Súc 4km đến phía dưới hạ nguồn hết địa phận của tỉnh); cát sông Đồng Nai toàn tuyến cũng thuộc địa phận tỉnh Bình Dương.

Việc quản lý và xử lý những vi phạm trong vùng cấm và tạm cấm hoạt động khoáng sản đã được Sở TN&MT công bố công khai vùng cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; đồng thời phối hợp phòng TN&MT các huyện, thị, UBND các xã, phường, thị trấn theo dõi việc thực hiện quy hoạch. Nếu phát hiện trường hợp vi phạm thì xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý, song song phối hợp với các sở, ngành địa phương có liên quan tiếp tục rà soát và xác định các khu vực có khoáng sản nằm trong các đối tượng cấm hoạt động khoáng sản, trình UBND tỉnh để bổ sung vào danh mục vùng cấm hoạt động khoáng sản của tỉnh.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện những hành vi vi phạm về hoạt động khai thác khoáng sản trong vùng cấm và tạm cấm, nếu chưa đến mức xử lý hình sự, sẽ xử phạt theo Nghị định 150/2004/NĐ-CP và Nghị định 77/2007/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 150 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản; mức phạt có thể lên tới 100 triệu đồng. Ngoài ra, còn buộc khôi phục hiện trạng ban đầu. Nếu có xâm hại đến các công trình cần bảo vệ còn phải xử lý theo các quy định của pháp luật  liên quan đền bảo vệ công trình đó.

MAI HUY

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên