Cán bộ, công chức nêu cao ý thức vì dân phục vụ

Cập nhật: 21-05-2020 | 07:25:04

Đó là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố Chỉ số CCHC (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) năm 2019 của các tỉnh, thành trong cả nước. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, cải cách là để làm cho bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Cán bộ, công chức phải biết đề cao ý thức là công bộc của dân, phục vụ nhân dân…

 Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự hội nghị trực tuyến về công bố Chỉ số CCHC và Chỉ số SIPAS năm 2019 tại điểm cầu Bình Dương

 Kết quả Chỉ số CCHC năm 2019 và Chỉ số SIPAS cho thấy, công tác CCHC đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về CCHC và chỉ đạo quyết liệt. Các bộ, ngành, địa phương và thành viên Ban chỉ đạo đã chủ động tham mưu cho Chính phủ triển khai nhiều giải pháp, mô hình cải cách mới và sáng tạo để nâng cao hiệu lực. Tại Bình Dương, công tác CCHC được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo kịp thời, thường xuyên và đạt được nhiều kết quả tốt.

Tại hội nghị công bố, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật, coi đây là một trong những tiền đề, nền tảng quan trọng thúc đẩy triển khai các nội dung cải cách. Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) phải gắn với ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), phát triển Chính phủ điện tử đạt được nhiều kết quả tích cực tại nhiều bộ, ngành và địa phương, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu người dân, doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các yêu cầu cấp thiết liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân trong khi vẫn bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Người đứng đầu Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ nhấn mạnh, cải cách là để làm cho bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Cán bộ, công chức phải biết đề cao ý thức là công bộc của dân, phục vụ nhân dân, không được sách nhiễu nhân dân. “Người dân, DN đến cơ quan hành chính Nhà nước phải được hướng dẫn cụ thể về trình tự và thủ tục, nếu công chức và cơ quan trễ hẹn ngày trả kết quả giải quyết thì phải nêu rõ lý do và xin lỗi chân thành. Xin lỗi là điều đầu tiên người cán bộ phải biết, thể hiện sự trọng dân, học dân”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối của nhiệm kỳ khóa XII, để nâng cao chất lượng, hiệu quả CCHC, khắc phục những tồn tại, bất cập trong thời gian qua, nhằm xây dựng và kiến tạo Chính phủ cho một giai đoạn cải cách mới, Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Căn cứ kết quả Chỉ số CCHC năm 2019, Chỉ số SIPAS, người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp từ Trung ương đến địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục phát huy những mặt đạt được trong công tác CCHC; đổi mới tư duy, nhận thức coi công tác này là khâu có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển biến trong hoạt động quản lý nhà nước, làm đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ lưu ý thêm, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi; nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật. Cùng với đó là đẩy mạnh việc rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện tốt việc thí điểm hợp nhất, sáp nhập các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ; phấn đấu hoàn thành mục tiêu tinh giản biên chế 10% giai đoạn 2015- 2021; đẩy mạnh cải cách TTHC thực hiện nhanh, quyết liệt, thực chất hơn việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC…

 Theo kết quả công bố, Chỉ số CCHC năm 2019 của Bình Dương đứng thứ 17, đạt tổng điểm 82,30/100. So với năm 2018, số điểm tăng 3,30 điểm nhưng số hạng giảm 2 bậc. Về Chỉ số SIPAS, Bình Dương đạt 88,2%, đứng đầu khu vực Đông Nam bộ và xếp thứ 13 trong cả nước, tăng 2,9% so với năm 2018 (85,3%).

 HỒ VĂN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên