Cán bộ, công chức, viên chức không được nhận quà tặng trong trường hợp nào?

Cập nhật: 12-12-2014 | 06:50:22

Hỏi: Để ngăn ngừa hành vi hối lộ, nhận hối lộ dưới hình thức tặng quà và nhận quà tặng, pháp luật quy định về vấn đề này như thế nào? Cán bộ, công chức, viên chức không được nhận quà tặng trong trường hợp nào?

ĐỖ NGỌC MINH (Phường Thuận Giao, TX.Thuận An)

Trả lời: Để ngăn ngừa hành vi hối lộ, nhận hối lộ dưới hình thức tặng quà và nhận quà tặng, Điều 40 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định: Cơ quan, tổ chức, đơn vị không được sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước làm quà tặng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Cán bộ, công chức, viên chức không được nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Nghiêm cấm lợi dụng việc tặng quà, nhận quà tặng để hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác vì vụ lợi.

Đồng thời tại Điều 10 Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg ngày 10-5-2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về việc tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức quy định: Đối với quà tặng không đúng chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng thì cán bộ, công chức, viên chức phải từ chối và giải thích rõ lý do với người tặng quà. Trong trường hợp không thể từ chối được, cán bộ, công chức, viên chức phải báo cáo thủ trưởng cơ quan, đơn vị mình để xử lý theo quy định.

***

Địa điểm mở thừa kế

Hỏi: Một người đăng ký hộ khẩu thường trú ở tỉnh Bình Dương, nhưng cư trú không ổn định vì có nhiều nhà ở các tỉnh khác. Ở TP.HCM là nơi ông có tài sản nhiều nhất và ông bị tai nạn giao thông. Vậy trong trường hợp này, địa điểm mở thừa kế của ông là ở đâu?

NGUYỄN THỊ TUYẾT MAI (Phường Hiệp Thành, TP.TDM)

Trả lời: Điều 637 Bộ luật Dân sự quy định: Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ hoặc phần lớn di sản.

Trường hợp một người chết ở một nơi không phải là nơi người đó cư trú thường xuyên không phải là hiếm. Vì vậy, xác định địa điểm mở thừa kế có ý nghĩa quan trọng vì đó là nơi thực hiện việc quản lý di sản, kiểm kê di sản trong trường hợp cần thiết và cấp bách để ngăn chặn những hành vi phân tán hoặc chiếm đoạt tài sản trong khối di sản, là nơi thực hiện thanh toán di sản và phân chia di sản. Địa điểm mở thừa kế còn là nơi thực hiện các thể thức liên quan đến di sản và nhận di sản, như việc từ chối nhận di sản phải báo cáo cho cơ quan công chứng hoặc UBND xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế; các tài sản của người để lại, dù ở nhiều nơi, đều phải khai tại nơi mở thừa kế; tòa án có thẩm quyền giải quyết việc kiện về quyền thừa kế, các tranh chấp di sản thừa kế là tòa án nơi mở thừa kế.

Dù hộ khẩu người chết ở tỉnh Bình Dương, nhưng TP.HCM là nơi ông có nhiều tài sản nhất; vì vậy địa điểm mở thừa kế được xác định là TP.HCM.

Luật gia XUÂN LẠC

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên