Cần chủ động phòng ngừa bệnh cúm

Cập nhật: 23-12-2014 | 09:21:19

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe thì bệnh cúm có nhiều loại và có thể phòng ngừa tốt bằng cách tiêm phòng hoặc giữ vệ sinh và ăn uống đầy đủ, sạch sẽ an toàn. Dưới đây là cách phòng ngừa 2 loại bệnh cảm cúm thông thường và cúm do lây nhiễm từ gia cầm.

Chích ngừa cúm tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Ảnh: Q.NHƯ

Bệnh cảm cúm thường gặp khi tiết trời chuyển mùa, khoảng từ cuối năm kéo sang đầu xuân. Sự thay đổi nóng, lạnh đột ngột của thời tiết khiến cơ thể không phản ứng kịp, dẫn đến sức đề kháng bị yếu. Thêm vào đó, do trời lạnh, mọi người thích đóng cửa sổ, lại càng tạo điều kiện cho virus cúm phát triển. Các nghiên cứu cho thấy, có đến hơn 90% người bị cảm cúm ít nhất mỗi năm một lần.Tất cả mọi người đều có nguy cơ bị cảm cúm, kể cả người lớn hay trẻ nhỏ. Bệnh cảm do siêu vi khuẩn (virus) gây ra và lây truyền trong không khí khi nói chuyện, nhảy mũi, ho, thở... Lúc đó, các virus cúm sẽ tấn công vào đường hô hấp và cổ họng. Người bị bệnh cảm cúm sẽ có cảm giác đau ở họng, nơi đầu tiên virus cúm xâm nhập vào. Các biểu hiện tiếp theo là chảy nước mũi nhiều và liên tục, đau đầu, chóng mặt và sốt. Triệu chứng xảy ra từ 1 - 4 ngày sau khi bị nhiễm vi khuẩn. Bệnh nhân mắc bệnh cúm thường bị tăng nhiệt, đau đầu, đau cổ họng, đau nhức khắp cơ thể, ho, mệt mỏi. Cúm cũng có thể nhập vào làm viêm phổi, viêm cơ, tấn công hệ thần kinh.

Hiện nay, nhiều người đã chủ động đến các cơ sở y tế để chích ngừa cúm. Tại phòng tiêm ngừa của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, chúng tôi gặp anh Trần Văn Hải (TP.TDM) đưa gia đình đi tiêm phòng. Anh Hải cho biết, do làm việc trong phòng máy lạnh liên tục, anh lại bị bệnh viêm xoang nên rất dễ nhiễm cúm. Các con anh cũng bị 1 - 2 lần trong năm nên anh đưa cả gia đình đến chích ngừa cúm để đề phòng mắc bệnh. Theo các chuyên gia về y tế dự phòng, chích ngừa cúm không có nghĩa là sẽ miễn nhiễm 100% với cúm nhưng sẽ giảm thiểu được việc cúm trở nặng và mau chóng khỏi hơn nếu có chủng ngừa. Với những người có nguy cơ cao hoặc sống chung hay chăm sóc những người có nguy cơ bị cúm thì nên chích ngừa cúm.

Trong khi đó, bệnh cúm A(H7N9) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus cúm A(H7N9) gây ra. Đây là một chủng virus mới có khả năng gây thành dịch và tử vong cao. Bệnh lây truyền từ gia cầm, chim hoang dã sang người qua đường hô hấp, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Người mắc bệnh có những triệu chứng giống cúm như: Sốt, ho, đau họng, sổ mũi, chảy nước mắt hoặc khó thở, đau ngực, sau đó có thể tiến triển nhanh thành viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp và tử vong.

Hiện nay, chưa có bằng chứng bệnh lây truyền từ người sang người, nhưng để phòng chống cúm A(H7N9) lây từ gia cầm sang người hoặc từ người sang người cần thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh. Nên thường xuyên rửa tay với xà phòng, hoặc một loại dung dịch có pha cồn. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Vệ sinh hô hấp khi ho hoặc hắt hơi, cần che miệng và mũi bằng khẩu trang y tế, khăn giấy hoặc dùng tay che lại. Vứt khăn giấy đã sử dụng vào thùng rác đậy kín. Khi có các biểu hiện cúm như: Sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời…

Cả 2 loại bệnh cúm trên đều cần chú ý luyện tập thể dục nâng cao sức khỏe để có sức đề kháng tốt cho cơ thể và có chế độ nghỉ ngơi hợp lý khi bị cúm. Nên uống nhiều nước hoặc nước trái cây, súp, trà nóng hoặc xông hơi để mau khỏi bệnh, tránh hút thuốc, không nên tiếp xúc với người khác và trẻ nhỏ, vì bệnh rất dễ lây lan qua không khí. Nên mặc áo ấm, nghỉ ngơi và có chế độ ăn uống hợp lý để cơ thể có đầy đủ năng lượng chống lại bệnh.

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên