Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Đại sứ thành phố thông minh quốc tế:

Cần có cơ chế, chính sách hợp lý để xây dựng thành phố thông minh

Cập nhật: 04-03-2019 | 07:51:38

Bình Dương, Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh là 3 địa phương đang có nhiều nỗ lực xây dựng thành phố thông minh (TPTM), trong đó Bình Dương có hướng đi riêng cho mình với mô hình “ba nhà” (Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp). Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC). Bà là người Việt đầu tiên nhận giải thưởng cuộc thi “Quốc gia thông minh” tại Anh và là Đại sứ thành phố thông minh quốc tế.

- Xin tiến sĩ cho biết nền tảng để xây dựng TPTM, quốc gia thông minh?

- Để xây dựng thành công TPTM, điều kiện tiên quyết là phải bảo đảm thấu hiểu bản chất của nó là gì, phục vụ cho mục đích gì và thể hiện qua những tiện ích gì cụ thể. Lâu nay chúng ta thường nghe nói đến TPTM như một khái niệm trừu tượng, mơ hồ và khá xa vời, dẫn tới việc các nhà quản lý và người dân ít nhiều có những nghi ngại về tính khả thi của mô hình này. Do đó, nhất thiết phải bắt đầu bằng giải pháp nâng cao nhận thức và tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo, tự học hỏi để từ lãnh đạo các cấp đến mọi thành phần trong xã hội ở địa phương đều hiểu đúng và đủ về TPTM. Đồng thời, quốc gia, địa phương phải xây dựng được khung kiến trúc TPTM theo đặc thù của từng địa phương, nhưng phải bảo đảm tương thích với khung kiến trúc chung về quốc gia thông minh, trong đó có phân hệ Chính phủ điện tử. Tiếp đó, địa phương cần tiến hành rà soát, xây dựng và thực hiện các nhóm giải pháp đồng bộ, trong đó xác định rõ, đầy đủ các hành động cần thiết, từ khâu nghiên cứu, khảo sát tình hình trong nước và quốc tế, rà soát, bổ sung khung pháp lý, quy định, cơ chế báo cáo và chia sẻ dữ liệu, hệ thống kết nối, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin… cho đến công tác đào tạo, chuyển giao công nghệ, cơ chế vận hành, bảo hành, bảo trì, nâng cấp, cập nhật các hệ thống toàn diện… trong một đô thị thông minh.

Không kém phần quan trọng là nền tảng công nghệ thông tin và trục tích hợp trong toàn tỉnh, cần bảo đảm sự kết nối liên thông giữa các cấp chính quyền, các sở, ngành, đơn vị. Trung tâm dữ liệu cũng là một yếu tố nền tảng bắt buộc để phục vụ cho hệ thống trung tâm điều hành các cấp, các lĩnh vực...

Sinh viên trường Đại học Thủ Dầu Một với mô hình cánh tay rô bốt tại gian hàng trưng bày khu triển lãm hội nghị thành phố thông minh năm 2018.
Ảnh: XUÂN THI

- Theo tiến sĩ, Bình Dương cần quan tâm những yếu tố gì để xây dựng TPTM?

- Ngoài khung kiến trúc TPTM và nhóm các giải pháp đồng bộ như đã đề cập ở trên, cũng như bất kỳ địa phương nào khác, Bình Dương cần có sự đồng thuận của toàn Đảng, toàn dân, từ đó cho ra đời các dự án thành phần cụ thể và thiết thực nhằm từng bước hiện thực hóa mô hình đô thị thông minh. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt chính sách, hạ tầng, đối tác cung cấp giải pháp, nguồn nhân lực công nghệ thông tin… cũng là những điều kiện tiên quyết.

Tôi cho rằng, để TPTM trở thành hiện thực, ngoài việc lãnh đạo tỉnh quyết liệt chỉ đạo các sở, ban, ngành ở địa phương vào cuộc, Bình Dương cũng cần có cơ chế khuyến khích sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp, thậm chí có thể xem xét xã hội hóa một số dự án thành phần trong khuôn khổ TPTM.

Đây là lĩnh vực mới nên tỉnh cần có sự chọn lọc chặt chẽ các đối tác để bảo đảm tính bền vững cũng như hiệu quả tối đa của các dự án TPTM. Khi lựa chọn mô hình và giải pháp công nghệ để triển khai, tỉnh cần yêu cầu các doanh nghiệp phải mô tả và trình diễn được các tính năng của hệ thống, khả năng kết nối đồng bộ, đặc biệt là các tiện ích cho mọi đối tượng hưởng lợi trong xã hội, từ các ứng dụng cho cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị chuyên môn cho đến doanh nghiệp, người dân, du khách… Đơn vị nào đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu như trên tức là ít nhiều đã khẳng định được mức độ hiểu biết và khả năng triển khai giải pháp trên thực tiễn của mình, chứ không chỉ là hô hào lý thuyết suông.

- Bình Dương đã tổ chức thành công Hội nghị Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) năm 2018. Điều này sẽ đem lại lợi ích gì cho Bình Dương, thưa tiến sĩ?

- Việc tổ chức thành công Hội nghị WTA 2018 chính là cơ hội để Bình Dương tiếp cận và trao đổi kinh nghiệm với các đô thị đã và đang thể hiện được thế mạnh và năng lực xây dựng TPTM từ khắp nơi trên thế giới. Sự hội tụ về mặt ý tưởng và công nghệ sẽ tạo thuận lợi cho Bình Dương trong các bước triển khai thực tế trong thời gian tới.

Cái lợi lớn nhất là ở chỗ, với kinh nghiệm là những đô thị đi trước trong lĩnh vực này, các thành phố đối tác của Bình Dương tham gia tại hội nghị hoàn toàn có thể giới thiệu mô hình, ý tưởng hay, những bài học thành công cũng như vướng mắc mà họ đã từng gặp phải để giúp tỉnh tránh vết xe đổ. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta có thể áp dụng một cách máy móc những kinh nghiệm hay mô hình của các đô thị khác một cách chủ quan, duy ý chí. Bao trùm lên tất cả, Bình Dương cần kiến tạo được mô hình riêng của mình và tỉnh cần tìm ra được các đơn vị đủ mạnh về tiềm lực tài chính, công nghệ và mạng lưới đối tác trong nước và quốc tế để giao phó nhiệm vụ tích hợp, triển khai các dự án thành phần dựa trên những gì đúc rút, học hỏi được từ các đô thị đối tác cũng như phát huy tối đa khung kiến trúc được xây dựng theo đặc thù của Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng.

- Việc được Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF) lựa chọn vào danh sách 21 thành phố có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới, trong thời gian tới Bình Dương sẽ phải làm những gì để xứng đáng với vị thế mới này, thưa tiến sĩ? Tiến sĩ có thể hình dung đô thị Bình Dương trong tương lai sẽ như thế nào?

- Đương nhiên Bình Dương sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để xứng đáng với vị thế mới của mình, từng bước hiện thực hóa quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong toàn tỉnh nhằm xây dựng Bình Dương thông minh, hiện đại trên mọi phương diện; trước mắt là đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp, du khách và người dân, sau nữa là phấn đấu trở thành một điển hình xây dựng đô thị thông minh để các tỉnh, thành trong cả nước cũng như các thành phố bạn bè trong WTA và trên thế giới tham khảo kinh nghiệm. Tôi tin rằng, trước khi bước sang thập kỷ mới, nếu vào cuộc một cách căn cơ, có trọng tâm, trọng điểm, có sự chung tay của giới chuyên môn và các doanh nghiệp giàu năng lực, giàu tâm huyết, Bình Dương hoàn toàn có thể thay đổi triệt để diện mạo của mình, thể hiện được sự kết nối hiệu quả, đồng bộ giữa các trụ cột của TPTM.

Theo tôi, khi TPTM Bình Dương thành hiện thực, cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của mình một cách hiệu lực, hiệu quả hơn. Các lãnh đạo tỉnh sẽ luôn nắm bắt được mọi tình huống khẩn cấp, tất cả những gì diễn ra ở địa phương và có thể chỉ đạo, điều hành, nắm bắt tiến độ công việc mọi lúc, mọi nơi. Từng lĩnh vực riêng lẻ như giao thông, an ninh - an toàn, môi trường, giáo dục, y tế… của tỉnh sẽ được kết nối đồng bộ và phát huy được tối đa hiệu quả đầu tư theo từng giai đoạn. Trong khi đó, các doanh nghiệp sẽ yên tâm đầu tư, kinh doanh ở Bình Dương do môi trường minh bạch, thông thoáng, hiệu quả cao. Còn du khách đến với Bình Dương và muốn quay lại nhiều lần để tận hưởng những tiện ích tuyệt vời ở một đô thị thông minh kiểu mẫu.

Khi đó, nhân tài và những người giỏi chuyên môn sẽ mong muốn đến công tác ở Bình Dương và cống hiến lâu dài để mang lại lợi ích cho đất nước, cho tỉnh, cho gia đình và bản thân. Người dân nói chung sẽ hạnh phúc và thực sự hài lòng khi mọi dịch vụ công và rất nhiều tiện ích được mang đến cho họ bằng những ứng dụng, những công cụ trực quan sinh động nhất, phản ánh đúng tinh thần Nhà nước của dân, do dân và vì dân…

- Xin cảm ơn tiến sĩ!

PHÙNG HIẾU (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên