Cần có sự hợp tác tốt giữa thầy thuốc và thai phụ

Cập nhật: 03-07-2012 | 00:00:00
Thời gian gần đây, các ca tai biến sản khoa (TBSK) xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trong nước gây nên nhiều ca tử vong mẹ con nên được xã hội và dư luận quan tâm. Theo bác sĩ Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) tỉnh, TBSK có thể phòng ngừa được...  Các thai phụ nên đi khám thai thường xuyên để chuẩn bị cho một kỳ sinh nở tốt đẹp

Thực trạng

Theo các tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay trên thế giới có khoảng 585.000 ca tử vong mẹ mỗi năm. Trên 95% số ca tử vong mẹ xảy ra ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Nguyên nhân chính của tử vong mẹ được xác định là do: chảy máu sau sinh, nhiễm khuẩn, sản giật, vỡ tử cung. Riêng ở nước ta, theo thống kê, nguyên nhân chính gây tử vong mẹ là do: chảy máu (35%), nhiễm khuẩn (21,9%), sản giật (8,6%)...

Ngày xưa, ông bà ta thường nói “đi sinh như đi biển”, có thể gặp sóng gió nhấn chìm tàu lúc nào chẳng biết được. Ngày nay, tỷ suất tử vong mẹ do thai sản trung bình trên thế giới là 400/100.000 trẻ sinh sống. Tỷ suất này ở Việt Nam là 120/100.000 trẻ sinh sống. Điều đó có nghĩa là, ở nước ta, cứ 100.000 đứa trẻ được sinh ra còn sống thì có đến 120 bà mẹ bị tử vong.

Trong mạng lưới CSSKSS của tỉnh, TBSK luôn là vấn đề được ngành y tế chú trọng và quan tâm. Bác sĩ Phạm Ngọc Thủy cho biết, Bình Dương là một trong những tỉnh, thành đầu tiên thành lập Ban nghiên cứu tử vong mẹ - con (nay là Ban thẩm định tử vong mẹ) do lãnh đạo Sở Y tế chủ trì và Trung tâm CSSKSS tỉnh là đơn vị thường trực thực hiện cho mạng lưới. Chính nhờ hoạt động này được triển khai sớm và duy trì từ năm 2001 đến nay nên công tác phòng ngừa TBSK và tử vong mẹ trên địa bàn tỉnh hàng năm đều được theo dõi chặt chẽ. Theo số liệu thống kê, tỷ suất tử vong mẹ năm 2000 trong toàn tỉnh là 15,52/100.000 ca trẻ đẻ sống; năm 2003 là 40,85; năm 2006 là 22,38 và năm 2011 là 5,06/100.000. Trong 6 tháng đầu năm 2012, toàn tỉnh có 127 (8,03o/oo) ca TBSK, trong đó TBSK xảy ra ở hệ thống y tế tư nhân là 99 ca. Tỷ lệ này tăng khá cao so với cùng kỳ (do 6 tháng đầu năm nay, Trung tâm CSSKSS tỉnh cập nhật thêm số liệu từ mạng lưới y tế tư nhân). Nguyên nhân được xác định là do: băng huyết sau sinh 97 ca, sản giật 5 ca, nhiễm trùng 25 ca. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 3 trường hợp tử vong mẹ, trong đó có 1 trường hợp tử vong do TBSK. Tỷ suất tử vong mẹ là 18,95/100.000 ca trẻ đẻ sống. Cũng theo bác sĩ Ngọc Thủy, tỷ suất tử vong mẹ có giảm so với cùng kỳ, nhưng TBSK có chiều hướng gia tăng, nhất là ở khu vực các bệnh viện và phòng khám đa khoa, nhà bảo sanh tư nhân. Hiện nay, số lượng bệnh viện tư, phòng khám tư nhân ở Bình Dương chiếm tỷ lệ khá cao so với các tỉnh, thành khác trong cả nước. Toàn tỉnh hiện có: 2 bệnh viện tư nhân chuyên sản, 6 bệnh viện đa khoa tư nhân có thực hiện dịch vụ sản khoa và 43 phòng khám đa khoa tư nhân thực hiện dịch vụ khám điều trị sản khoa.

Để phòng ngừa TBSK

Để hạn chế và phòng ngừa TBSK, các phụ nữ đang chuẩn bị làm mẹ, các bà mẹ đang mang thai nên quan tâm và theo dõi sức khỏe thường xuyên. Theo BS. Phạm Ngọc Thủy, để có được một ca sinh nở tốt đẹp không chỉ phụ thuộc vào quá trình chuyển dạ, mà ngay từ lúc vị thành niên, người con gái phải biết chăm sóc mình, không để mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, phải được ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Khi lập gia đình, chị em phải có bước chuẩn bị cho hôn nhân, tham gia học lớp tiền hôn nhân, hiểu biết về cuộc sống vợ chồng và cuộc sống làm mẹ trong tương lai. Chị em phải biết mang thai lúc nào là thích hợp. Trước khi mang thai, chị em phải đi khám sức khỏe. Lúc mang thai rồi, thai phụ phải đi khám thai định kỳ, làm đầy đủ các xét nghiệm, tránh những chất gây độc hại, dị dạng cho thai nhi. Tổ chức Y tế Thế giới đã chứng minh, việc khám thai định kỳ sẽ làm giảm tỷ lệ tai biến trong quá trình chuyển dạ.

Đối với các bà mẹ đang mang thai, BS. Phạm Ngọc Thủy khuyến cáo, nên tuân thủ lịch khám thai theo định kỳ, không nên chỉ có siêu âm thôi, vì siêu âm không thể phát hiện hết các dị tật của thai nhi cũng như tình trạng sức khỏe của bà mẹ, nên nó là cần nhưng chưa đủ. Đối với những thai kỳ có nguy cơ cao, như: mẹ đa sản, đa thai, đa ối, con to hoặc mang thai ở lứa tuổi còn quá trẻ (trẻ vị thành niên), tăng cân quá nhiều trong một thai kỳ, mắc các bệnh lý nội khoa (tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch...), tiền sử đẻ khó, sanh mổ lần có thai trước... thai phụ cần đi khám thai theo định kỳ hướng dẫn của bệnh viện và các trung tâm chuyên khoa lớn để được bác sĩ chuyên khoa sản tư vấn, hướng dẫn đầy đủ, cũng như khám và theo dõi cho đúng tuyến và chọn nơi sinh, phương pháp sinh cho thật an toàn. Cũng theo BS. Phạm Ngọc Thủy, đối với những thai kỳ bình thường chọn phương pháp sinh thường tự nhiên vẫn luôn tốt hơn. Chỉ can thiệp mổ lấy thai khi thai kỳ có nguy cơ cao, như ngôi thai bất thường hoặc người mẹ có những bệnh lý đi kèm. Ngoài ra, người nhà và sản phụ cần hợp tác tốt đối với y bác sĩ khi đến sinh đẻ, tuân thủ theo hướng dẫn của nữ hộ sinh, bác sĩ - những người đang chịu trách nhiệm trước một ca đẻ.

Đối với các đơn vị, cơ sở y tế thực hiện nhiệm vụ chuyên môn về lĩnh vực sản phụ khoa, BS. Phạm Ngọc Thủy khuyến cáo: Tăng cường chăm sóc trước sinh: Tuyên truyền, giáo dục vận động để các bà mẹ có thai được quản lý thai sớm, khám thai ít nhất một lần trong mỗi giai đoạn (3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối) của thai kỳ; phát hiện sớm các nguy cơ và tai biến có thể xảy ra trong quá trình mang thai để xử trí hoặc chuyển tuyến kịp thời; tiêm phòng uốn ván đủ số mũi theo quy định; cung cấp viên sắt và axit folic; truyền thông, tư vấn cho các bà mẹ những kiến thức và thực hành chăm sóc thai nghén, lựa chọn nơi sinh phù hợp, dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý để cả mẹ và con đều khỏe mạnh. Tăng cường công tác chăm sóc trong khi sinh: Thực hiện nghiêm chế độ vô khuẩn, theo dõi chặt chẽ trong suốt quá trình chuyển dạ, nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu nguy cơ cao. Thực hiện theo dõi chuyển dạ bằng biểu đồ chuyển dạ; đỡ đẻ đúng kỹ thuật, can thiệp thủ thuật, phẫu thuật đúng chỉ định; cấp cứu, chuyển tuyến kịp thời hoặc mời y tế tuyến trên xuống hỗ trợ tại chỗ trong những trường hợp cần thiết. Tăng cường chăm sóc sau sinh: Thực hiện quy trình xử lý tích cực giai đoạn 3 của chuyển dạ; theo dõi tích cực trong 6 giờ đầu nhằm phát hiện sớm những bất thường của cả mẹ và con để xử lý kịp thời. thực hiện tốt việc chăm sóc và theo dõi sản phụ ngày đầu và tuần đầu sau sinh.

BS. Phạm Ngọc Thủy cho rằng, một thai kỳ bao giờ cũng có nguy cơ thấp hay cao, vì thế thầy thuốc và thai phụ cần có sự hợp tác, hỗ trợ tốt để thai kỳ được diễn ra và kết thúc một cách tốt đẹp, mẹ tròn con vuông. Từ đó, mới có thể giảm được tỷ lệ tử vong cho cả mẹ - con và cho ra đời những em bé thông minh, khỏe mạnh.

Theo thống kê của Vụ Bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), tỷ lệ tử vong mẹ/100.000 trẻ đẻ sống ở Việt Nam hiện đang ở mức 69 ca/100.000 trẻ đẻ sống. So với năm 2002, tỷ lệ này đã giảm mạnh (năm 2002 là 165 ca tử vong mẹ/100.000 trẻ đẻ sống). Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang là nước có tỷ lệ tử vong mẹ thuộc hàng cao nhất thế giới. Nhiều chuyên gia đánh giá rằng, do địa hình hiểm trở, y tế cơ sở thiếu thốn, tập quán người vùng cao còn lạc hậu, bà con muốn sinh con ngoài rừng, sinh tại nhà đã khiến tỷ lệ TBSK nhiều vùng ở mức cao. Bà Lưu Thị Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em cho hay, từ năm 2009 đến nay, ngân sách chi cho 9 nội dung, trong đó có nội dung làm mẹ an toàn và chăm sóc sức khỏe sinh sản chỉ vỏn vẹn chỉ vài trăm triệu đồng/địa phương/năm. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, sự bất hợp lý, thậm chí lạc hậu trong bố trí nhân lực, phân công ca kíp của ngành y tế, sự yếu kém của y tế cơ sở mới là yếu tố chính dẫn đến tai biến, nhất là TBSK.

Các nguyên nhân chính gây tử vọng mẹ gồm có xuất huyết - băng huyết, tiền sản giật, vỡ tử cung và nhiễm trùng. Bộ Y tế cho rằng, 53% các trường hợp TBSK là có thể phòng ngừa được.

HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên