Cần giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng

Cập nhật: 08-05-2015 | 10:07:57

Khi con mắc bệnh tự kỷ, ba mẹ chắc hẳn sẽ rất phiền muộn và tốn nhiều công sức hơn để chăm sóc con. Cần được phát hiện sớm, đưa các em đi điều trị và học ở trường chuyên biệt để sớm hòa nhập cộng đồng là điều mà các chuyên gia thường khuyên…

 Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của trẻ tự kỷ 

Trong ngày hội dành cho trẻ tự kỷ các tỉnh, thành phía Nam vừa được tổ chức, rất nhiều phụ huynh cho biết họ vui mừng vì có những tổ chức, trường chuyên biệt có các hoạt động dành cho trẻ tự kỷ. Đây còn là cơ hội để các ông bố, bà mẹ giao lưu, học hỏi cách nuôi dạy con sao cho hiệu quả. Chị Trần Thị Mỹ Hạnh ở Bình Dương có con bị tự kỷ phải đưa con đến TP.Hồ Chí Minh học ở trường chuyên biệt. Theo chị Hạnh, nhận biết con mình có những biểu hiện khác các trẻ bình thường từ khi mới 4 tháng tuổi, chị đưa con đi khám nhiều nơi thì bác sĩ kết luận bé bị tự kỷ. “Nuôi dạy cháu rất khó và không dám lơi lỏng chút nào. Sau khi đưa con nhập học ở một trường chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ, cô giáo hướng dẫn bài bản thì vợ chồng tôi mới yên tâm đi làm, cháu cũng tiến bộ nhiều hơn”, chị Hạnh chia sẻ.

Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng và Trợ giúp trẻ khuyết tật (38 Tú Xương, Q.3, TP.HCM) BS.Nguyễn Xuân Thắng, cho biết trung tâm có hơn 200 trẻ của các tỉnh, thành đến học thường xuyên, trong đó có khoảng 70 em bị chứng tự kỷ. Ở đây, giáo viên có chuyên môn về y khoa, tâm lý để giúp các em trong học tập cũng như học các nghề thủ công, tổ chức cuộc sống với các sinh hoạt, vui chơi, luyện tập phù hợp. Bác sĩ Thắng cũng nói thêm về chứng tự kỷ để phụ huynh có thể nhận biết sớm về chứng bệnh của con em mình. Theo bác sĩ Thắng, tự kỷ là một dạng rối loạn thần kinh não, gây nên các vấn đề bất thường về nhận thức, giao tiếp và các hành vi cư xử của trẻ. Hiện chưa có phương thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng nếu được phát hiện sớm và có những can thiệp hữu dụng, chúng ta vẫn có thể giúp trẻ tự kỷ phát triển chức năng tốt hơn và cải thiện được cuộc sống của trẻ về sau.

Gần đây, một số trung tâm cũng như nhiều người có tấm lòng vàng đã mở ra để đón nhận trẻ tự kỷ. Võ sư Nguyễn Thị Thanh Loan (TP.HCM) là một người như thế. Cô nhận các trẻ tự kỷ để dạy võ, tiếng Anh và nhiều kỹ năng khác. Theo cô, xã hội cần quan tâm hơn đến trẻ tự kỷ bởi số trẻ mắc chứng bệnh này ngày càng nhiều. Ba mẹ các trẻ tự kỷ cũng cần kiên nhẫn hơn với con, học hỏi về kinh nghiệm nuôi dạy con sao cho tốt để trẻ sớm hòa nhập với cộng đồng.

Một thực tế cho thấy, nhiều trẻ tự kỷ cũng có biệt tài hơn người. Trong ngày hội dành cho trẻ tự kỷ vừa qua, người viết cũng chứng kiến được sản phẩm của các em từ dệt may đến các đồ lưu niệm rất đẹp. Và, để trẻ tự kỷ được sống một cuộc sống bình thường không gì hữu ích hơn là dạy văn hóa và dạy nghề đúng hướng, phù hợp để trẻ thấy mình là người bình thường như bao trẻ đồng trang lứa khác.

Xuất phát từ tình yêu trẻ thơ, đặc biệt là trẻ em bất hạnh, thời gian qua, tại Bình Dương, trường Tiểu học chuyên biệt Trí Tâm (phường Chánh Nghĩa, TP.TDM) cũng đã làm nên những điều kỳ diệu. Học sinh trường chuyên biệt Trí Tâm là các em tự kỷ, chậm phát triển, có khó khăn về ngôn ngữ. Sự tiến bộ từng ngày của các em là mục tiêu và cũng là niềm hạnh phúc lớn của cả tập thể giáo viên ở trường. “Mỗi chiều, sau khi các em được phụ huynh đón về, thầy cô trong trường ngồi lại để chia sẻ về những tình huống dở khóc dở cười mà họ gặp phải. Đó là những vết cắn, vết cào của học sinh, thậm chí có cô còn bị đấm chảy cả máu mũi…”, Hiệu trưởng nhà trường, cô Bồ Kim Khánh kể. Khó khăn là vậy, song bằng tình yêu và sự thông cảm, họ kiên nhẫn “chịu trận” vì biết rằng nếu phản ứng, các cháu sẽ càng trở nên hung hăng, khó dạy bảo hơn.


QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên