Cần hiến định sự kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan Nhà nước trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp

Cập nhật: 05-11-2013 | 00:00:00

  Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Huỳnh Ngọc Đáng

Tôi nhận thấy Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã có nhiều cố gắng trong việc tiếp thu nhiều ý kiến của nhân dân đóng góp vào Dự thảo Hiến pháp. Những ý kiến giải trình nhìn chung là thẳng thắn và thỏa đáng. Các nội dung tiếp thu điều chỉnh, bổ sung vào Dự thảo Hiến pháp nhìn chung là hợp lý, đã trân trọng tiếp thu những tâm huyết và trí tuệ của nhân dân.

Nhiều ý kiến phát biểu trước tôi đã đề cập đến những nội dung mà tôi dự định sẽ phát biểu góp ý. Do vậy tôi xin phép không nhắc lại những nội dung đó mà xin phép đi thẳng vào một số vấn đề khác mà theo tôi Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nên lưu ý.

1. Về khoản 3, điều 2 của chương 1:

Dự thảo Hiến pháp ghi rằng: “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Đây là nội dung quan trọng, quy định bản chất và cơ chế thực hiện quyền lực Nhà nước của thể chế chính trị ở nước ta. Ngay từ khi được trình bày trong bản Dự thảo Hiến pháp đầu tiên, nội dung này đã được đông đảo nhân sĩ, trí thức Việt Nam cả trong và ngoài nước hoan nghênh vì tính chất tiến bộ của nó. Mọi người đều thấy rằng quyền lực Nhà nước cần phải thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Dự thảo Hiến pháp bản mới nhất cũng đã quy định nội dung đó và cụ thể nguyên lý này trong nhiều điều khoản liên quan ở các chương quy định về Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và các cơ quan tư pháp. Mặt khác, trong thực tiễn nhiều năm qua ở nước ta, sự thống nhất, có sự phân công, phối hợp của quyền lực Nhà nước đã được thể hiện khá tốt trong vận hành thường xuyên của thể chế. Cho nên tôi nhất trí hoàn toàn với dự thảo và rất yên tâm về nội dung này.

Vấn đề lại tập trung ở từ kiểm soát trong nguyên lý này. Nội dung kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp là điểm mới, tiến bộ rõ của Dự thảo Hiến pháp. Chính điểm mới tiến bộ này tạo nên hiệu ứng lên tiếng đồng tình ủng hộ của dư luận xã hội thời gian qua. Sự kiểm soát lẫn nhau trong thực hiện quyền lực Nhà nước là điều cần thiết và tất yếu. Bởi vì tự trong bản chất của quyền lực, nhất là quyền lực Nhà nước cho dù đã có sự thống nhất cao, có sự phân công rõ ràng, có quan hệ phối hợp chặt chẽ thì nguy cơ lạm quyền, tiếm quyền vẫn luôn có thể xảy ra nếu như cơ chế kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước không được triển khai nghiêm túc, chặt chẽ. Do vậy mà tôi cũng như nhiều vị đại biểu Quốc hội khác, rất tán thành bổ sung hai chữ kiểm soát trong nguyên lý về quyền lực Nhà nước ở khoản 3, điều 2 của Dự thảo Hiến pháp. Tuy nhiên, lại có sự khập khễnh trong các nội dung liên quan. Vấn đề kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan Nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp chưa được thể hiện rõ nét trong các chương, điều. Chỉ trong chương 5 về  Quốc hội, ở khoản 2, điều 70 có quy định về quyền giám sát tối cao của Quốc hội, thực chất đây là quy định về quyền kiểm soát quyền lực của Quốc hội là cơ quan lập pháp đối với các cơ quan hành pháp và tư pháp. Còn quyền lập pháp và cơ quan Nhà nước về lập pháp có được kiểm soát bởi hành pháp hoặc tư pháp hay không; cũng như có cơ chế nào để tư pháp kiểm soát việc thực hiện quyền lực Nhà nước của các cơ quan hành pháp và lập pháp hay không thì chưa có những quy định cụ thể. Trong chương 7, ở điều 94, ta quy định Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội thì đã mặc nhiên nói rằng không có sự kiểm soát của hành pháp với lập pháp.

Điểm qua các nội dung trên để thấy rằng nội dung tiến bộ về kiểm soát quyền lực đã đề ra ở điều 2, chương 1 chưa được quy định cụ thể ở các chương điều khác sau đó. Sự khập khễnh này không đáng có. Vậy thì nên xử lý vấn đề này như thế nào?

Phương án tốt nhất là tích cực bổ sung các quy định cụ thể về sự kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan Nhà nước trong các chương điều về Chủ tịch nước, Chính phủ, tòa án… Nhưng liệu rằng với thời gian còn lại ta có thể làm tốt được công việc không dễ dàng vì khá phức tạp và chưa qua tổng kết thực tiễn này hay không. Đây đúng là một thách thức với Ủy ban Dự thảo và sửa đổi Hiến pháp.

Hay là ta chọn phương án khác, đơn giản, dễ dàng hơn là cất lại, xóa hai chữ kiểm soát trong khoản 3, điều 2 này? Lẽ nào một nội dung mới, tiến bộ, được đại đa số nhân dân đồng tình lại có thể được xử lý như thế. Câu trả lời xin chờ ở Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

2. Chung quanh điều 83, chương 5:

Ở khoản 2, điều 83, chương 5 về Quốc hội, Dự thảo ghi: “Quốc hội họp mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường. Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập kỳ họp Quốc hội”.

Ngay từ Hiến pháp 1946 đã ghi Quốc hội họp mỗi năm hai kỳ. Hoàn cảnh lịch sử lúc đó là phù hợp. Thật ra trong thời kỳ đó có năm Quốc hội khóa I họp mỗi năm cũng không đủ 2 kỳ, do tình hình ác liệt của cuộc kháng chiến chống Pháp. Sau này các Hiến pháp kế tiếp cũng chưa có điều kiện sửa đổi nội dung này do nhiều lý do khác nhau. Hiện nay, nội dung điều, khoản này không còn phù hợp.

Tại sao Quốc hội lại chỉ họp mỗi năm 2 kỳ, với mỗi kỳ dài trên dưới 30 ngày (riêng kỳ họp thứ 6 khóa này đến 40 ngày) muốn họp thêm phải có các thủ tục quy định khá chặt chẽ. Nếu Quốc hội họp nhiều kỳ, mỗi kỳ chừng 10 ngày thì có gì là khó khăn hay kém hiệu quả hơn? Tôi thấy ngược lại, có khi tốt hơn vì hợp lý hơn với tâm sinh lý đại biểu, sẽ tác động tốt đến năng suất làm việc của đại biểu trong kỳ họp. Sắp tới đây, khi tòa nhà Quốc hội hoàn thành đưa vào sử dụng thì điều kiện họp nhiều kỳ càng thuận tiện hơn, công suất cơ sở vật chất được tận dụng cao hơn. Hơn nữa Quốc hội khóa XIII và chắc là Quốc hội các khóa tới sẽ luôn trong tinh thần đổi mới phương thức hoạt động thì việc họp nhiều kỳ ngắn ngày trong năm của Quốc hội là rất thích hợp, nhất là trong tình hình ta còn nhiều đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm, phải đảm đương các công việc khác ở cơ quan và địa phương; với các vị này, ở Hà Nội dự suốt kỳ họp dài ngày thì không thể nhưng vắng nhiều ngày họp Quốc hội thì không đành. Mặt khác, tại sao Hiến pháp, theo nguyên lý là chỉ quy định những điều khái quát và quan trọng nhất, lại quy định đến cả số kỳ họp Quốc hội trong năm mà không để cho Luật Tổ chức Quốc hội sẽ sửa đổi bổ sung sau này, sẽ quy định. Do vậy tôi mạnh dạn đề nghị, nên lược bỏ khoản 2 của điều 83 trong Dự thảo Hiến pháp. Kính xin Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lưu ý ghi nhận cho.

3. Chung quanh khoản 1 của điều 73:

Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội.

Tôi cho rằng nội dung này nên cần xem xét thêm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực hay là cơ quan quyền lực của Quốc hội? Đây là câu hỏi cần thận trọng khi trả lời và nên trả lời câu hỏi này theo sát với nhu cầu thực tiễn. Trong những năm gần đây, vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất quan trọng, tất yếu sẽ cơ cấu lại cơ quan này cho phù hợp cả về thành phần cấu tạo và chức năng nhiệm vụ. Cho nên có một số ý kiến cho rằng nên xem đây là cơ quan quyền lực, không phải là cơ quan thường trực. Nếu xác định là cơ quan quyền lực trong thực tiễn thì nên ghi rõ vào Hiến pháp và sửa đổi lại các quy định về chức năng quyền hạn và nhiệm vụ. Còn nếu xác định vẫn chỉ là và, chỉ nên là cơ quan thường trực thì cũng vẫn phải chỉnh sửa lại các quy định về chức năng quyền hạn và nhiệm vụ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phù hợp. Là cơ quan thường trực thì không thể có các quyền hạn lớn như quy định trong dự thảo, nhất là quyền lãnh đạo công tác của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội.

4. Về cơ quan bảo vệ Hiến pháp:

Dự thảo lần này đã rút lại các điều khoản về Hội đồng Hiến pháp. Tôi đồng ý với giải trình của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp về việc không thành lập Hội đồng Hiến pháp và tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành. Tuy nhiên, tôi lại thấy rằng nếu chỉ đơn giản xử lý vấn đề này bằng việc loại bỏ điều, khoản quy định về Hội đồng Hiến pháp trong dự thảo thì ta chưa làm hết trách nhiệm với dân. Bởi vì, về mặt kỹ thuật lập pháp, mọi Hiến pháp đều cần bao gồm trong nội dung của nó cơ chế bảo vệ Hiến pháp, trong đó quy định rõ, giao trách nhiệm cho ai, tổ chức nào phải đảm đương trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp. Theo tôi, không nên để trong Hiến pháp có khoảng trống về cơ chế bảo vệ Hiến pháp. Nếu ta không đồng ý thành lập Hội đồng Hiến pháp thì phải ghi rõ giao trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhất là Ủy ban Pháp luật và các cơ quan Nhà nước khác trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp. Do vậy tôi đề nghị bổ sung ở cuối điều 119 như sau: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các hội đồng và ủy ban của Quốc hội và các cơ quan Nhà nước khác có trách nhiệm tổ chức bảo vệ Hiến pháp.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên