Cần hiểu rõ “luật chơi” trong xây dựng chuỗi cung ứng xuất khẩu nông sản

Cập nhật: 16-03-2020 | 08:35:45

Hiện nay, với việc áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, ngành nông nghiệp của tỉnh đã tạo được những bước chuyển tích cực, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, muốn xuất khẩu nông sản bền vững cần xác định tiêu chí thị trường, đẩy mạnh phát triển các đơn vị chế biến


Sản xuất tại Công ty Red River Foods Việt Nam (Khu công nghiệp Tân Bình)

Hiểu rõ tiêu chí thị trường

Những năm qua, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng giá trị và phát triển bền vững, ngành nông nghiệp Bình Dương chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đầu tư trên quy mô lớn, sản xuất nông nghiệp tập trung. Thời gian qua ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa quả đã được các doanh nghiệp, cá nhân của Bình Dương áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, organic… trên các loại cây trồng có giá trị.

Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá, tuy quy mô phát triển, sản lượng của vườn cây ăn quả và nông sản theo quy trình công nghệ cao của Bình Dương đã có những bước phát triển nhanh, nhưng thực tế vẫn còn gặp phải những vấn đề chung của cả nước, đó là: Thị trường tiêu thụ chưa ổn định, các sản phẩm có thương hiệu chưa nhiều, chưa có công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Ngoài ra, hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản vẫn còn hạn chế... Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh kết nối đưa sản phẩm nông sản của tỉnh vào hệ thống sản xuất, chế biến, kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Theo quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Bình Dương, đến năm 2025 diện tích trồng trọt ứng dụng công nghệ cao là 30% (tương ứng 50.000 ha) và chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao là 30% số trang trại. Để thực hiện mục tiêu này, hiện nay tỉnh đang triển khai nhiều chính sách, chương trình, kế hoạch thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

Ông Phạm Quốc Liêm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I, cho biết thời gan qua doanh nghiệp đã nỗ lực để đưa sản phẩm chuối ra thị trường các nước. “Sau khi thu hoạch, chuối được sơ chế, phân loại, đóng gói xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia… Để đến được với các thị trường này, sản phẩm chuối của công ty phải tuân theo quy trình nghiêm ngặt từ chọn đất trồng đến quy trình chăm sóc và cả kích cỡ sản phẩm”, ông Liêm cho biết. Tại vùng chuyên canh cây có múi lớn của tỉnh như Bắc Tân Uyên, công tác xúc tiến thị trường được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện song theo ông Đoàn Minh Chiến, chủ trang trại Đoàn Minh Chiến thì dù hiện nay trang trại của ông có xuất sang nước ngoài nhưng chỉ nghe bên trung gian “ báo lại” là như thế. Ông chưa hình thành được chuỗi cung ứng trực tiếp với nước ngoài…

Với vai trò “thủ lĩnh thị trường” cho bà con nông dân, ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc Hợp tác xã Kim Long (huyện Phú Giáo) là người đau đáu với thị trường, luôn khát khao đem nông sản Bình Dương vươn xa, không chỉ sản phẩm dưa lưới của hợp tác xã mà còn các sản phẩm cây có múi của địa phương. Và thị trường ông nhắm đến là xuất khẩu hàng hóa chính ngạch sang Trung Quốc. Ông Nguyễn Hồng Quyết khẳng định: “Đánh giá một cách khách quan, các quy định của Trung Quốc về truy xuất nguồn gốc, bao bì, tem nhãn hàng hóa... đối với nông sản, thủy sản nhập khẩu đều là những yêu cầu cơ bản và được phép áp dụng theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đều đã và đang áp dụng các biện pháp tương tự để kiểm soát chất lượng nông thủy sản nhập khẩu, qua đó bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Việc Trung Quốc thực thi đầy đủ và nghiêm túc các quy định này trước mắt có thể ảnh hưởng tới một số nông thủy sản của Việt Nam hiện đang được xuất khẩu sang Trung Quốc theo hình thức “trao đổi cư dân biên giới”, nhưng về lâu dài sẽ góp phần tạo động lực để các địa phương và người nông dân nước ta tổ chức lại sản xuất theo hướng coi trọng tối đa các quyền cơ bản của người tiêu dùng Việt Nam cũng như quốc tế, trong đó có quyền được an toàn và quyền được thông tin đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa mà họ mua”.

Tăng cường chế biến

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp” mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm nhìn phát triển công nghiệp chế biến nông sản của Việt Nam. Nhấn mạnh khâu chế biến để tăng giá trị nông sản, Thủ tướng cho rằng đẩy mạnh xuất khẩu nông sản tươi cũng rất cần thiết, nhưng chế biến sâu là hướng đi quan trọng để chúng ta chủ động với thị trường toàn cầu, hay giải quyết tình trạng “được mùa rớt giá”.

Từ năm 2011, Bình Dương đã triển khai chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa gắn với công nghiệp chế biến. Việc tìm đầu ra cho nông sản, nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản, đặc biệt là trái cây đặc sản, hướng đến xuất khẩu luôn là mục tiêu quan trọng của tỉnh để thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp phát triển. Trong đó, tỉnh đẩy mạnh việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản công nghệ cao.

Chia sẻ kinh nghiệm về việc chế biến nông sản đáp ứng thị trường tiêu thụ khó tính như châu Âu, châu Mỹ, Ông Robert Hoeve, Giám đốc Công ty Red River Foods Việt Nam (Khu công nghiệp Tân Bình), chuyên chế biến hạt điều cho biết: “Chúng tôi xây dựng nhà máy với tiêu chuẩn cao nhất, không chỉ tuân thủ các quy chuẩn xây dựng mà còn tuân thủ theo tiêu chuẩn nhà máy của Mỹ và các vùng có tiêu chí cao hơn như châu Âu. Nếu các bạn có dịp đi thăm các nhà máy ở Mỹ hay châu Âu bạn sẽ thấy nhà máy chúng tôi có thể cạnh tranh được với họ. Ở Mỹ, họ nghĩ với tiêu chuẩn nhà máy thế này ở Việt Nam thì đã là cao rồi, nhưng tôi nghĩ nếu bạn kinh doanh ở Việt Nam với nỗ lực cao cùng với một đội ngũ tốt thì bạn có thể đạt được kết quả, chất lượng từ nhà máy tương tự như ở Mỹ, châu Âu. Nhà máy chúng tôi đạt được chứng nhận BRC, tiêu chuẩn cao từ châu Âu, nhà máy cũng tuân theo tiêu chuẩn SMECTA (một tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội đối với người lao động). Kế đến công ty đang chuẩn bị để đạt chứng nhận KOSHER, một tiêu chuẩn liên quan đến quy tắc chế độ ăn uống của người Do Thái (ví dụ như không có thịt lợn trong sản phẩm điều)”, ông Robert Hoeve nói.

Cũng là người tâm huyết với nông sản Việt, canh cánh việc làm sao nông sản sạch Việt vươn ra thị trường quốc tế, tạo giá trị gia tăng cao, mới đây ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit Organic cũng đã nỗ lực tìm kiếm, triển khai dự án nông pháp canh tác hữu cơ mới (Organic), nuôi trồng nấm đông cô được trồng tự nhiên đáp ứng nhu cầu thị trường ăn tươi, sấy khô và xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị cho đặc sản Việt Nam.

Kỳ vọng, cùng với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu dùng thì việc đẩy mạnh chuỗi cung ứng thị trường, đẩy mạnh chế biến xuất khẩu sẽ tạo bước đi bền vững cho ngành nông nghiệp Bình Dương.

Từ năm 2011, Bình Dương đã và đang triển khai chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa gắn với công nghiệp chế biến. Việc tìm đầu ra cho nông sản, nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản, đặc biệt là trái cây đặc sản, hướng đến xuất khẩu luôn là mục tiêu quan trọng của tỉnh để thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp phát triển. Hiện nay tỉnh đẩy mạnh việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản công nghệ cao.

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên