Ứng dụng, chuyển giao công nghệ tại doanh nghiệp:

Cần linh hoạt về chính sách

Cập nhật: 16-05-2017 | 07:28:59

Tính đến hết quý I-2017, toàn tỉnh có khoảng 28.000 doanh nghiệp (DN) đã được thành lập và đi vào hoạt động. Việc chuyển giao công nghệ (CGCN) trong DN thời gian qua cũng còn nhiều khó khăn, nhất là đối với các DN vừa và nhỏ, do khó khăn về nguồn vốn, vướng mắc ở chính sách.

Ứng dụng, CGCN trong DN còn hạn chế

Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN), ngoài những DN lớn, có công nghệ sản xuất hiện đại, sản phẩm tạo ra có hàm lượng công nghệ cao, hiện nay các DN vừa và nhỏ vẫn ứng dụng công nghệ và thiết bị lạc hậu trong sản xuất; các công đoạn sản xuất sử dụng lao động thủ công còn chiếm phần lớn.

Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở KHCN cho biết, do có nhiều thành phần đầu tư vào công nghiệp với ngành nghề đa dạng nên cơ cấu công nghệ của các DN công nghiệp rất đa dạng về xuất xứ và trình độ, đan xen trong từng DN, từng lĩnh vực và từng chuyên ngành sản xuất. Do đó, việc ứng dụng, CGCN công nghiệp tại các DN chủ yếu tập trung ở DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN trong các khu công nghiệp.

Với việc tháo gỡ nút thắt chính sách sẽ tạo điền kiện cho việc ứng dụng, CGCN không chỉ cho DN trong nước mà còn cho DN nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Trong ảnh: Sản xuất sản phẩm gỗ tại Công ty Cổ phần Công nghiệp gỗ Kaiser Việt Nam (Khu công nghiệp Mỹ Phước I, TX.Bến Cát) Ảnh: HOÀNG PHẠM

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Số lượng nhà cung cấp chi tiết, linh kiện đơn giản sản xuất chưa nhiều, phần lớn các DN này sản xuất chủ yếu để xuất khẩu theo hình thức gia công theo đơn đặt hàng hoặc sản xuất cho các công ty mẹ, việc nội địa hóa mới chỉ dừng lại ở những sản phẩm phụ. Kết quả nghiên cứu của Viện Kinh tế TP.Hồ Chí Minh phục vụ cho việc xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ của tỉnh cho thấy, trình độ công nghệ của ngành công nghiệp phụ trợ vẫn chưa cao, như ngành dệt may mức áp dụng công nghệ tiên tiến chỉ đạt 38,33%, ngành cơ khí 42,23%, ngành điện tử - tin học 46,9%, ngành chế biến gỗ 40%, ngành da giày 53,19%.

Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh cũng cho biết, việc ứng dụng công nghệ của DN trong nước tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu ở mức độ trung bình. Đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài có trình độ công nghệ cao, tập trung vào các ngành cơ khí, sơn… Hiện nay, một số DN đang hoạt động trong lĩnh vực dệt, nhuộm cũng đang đầu tư các công nghệ hiện đại như nhuộm khô, dây chuyền tự động dệt…

Ngoài ra, hiện nay thị trường KHCN trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung bước đầu hình thành nhưng chưa phát triển. Trong khi đó, sản phẩm của nghiên cứu khoa học có hàm lượng chất xám chưa cao, hạn chế trong việc thương mại hóa sản phẩm sau khi có kết quả nghiên cứu, nhất là các kết quả nghiên cứu có sử dụng ngân sách Nhà nước; việc gắn kết nghiên cứu, ứng dụng với sản xuất, kinh doanh cũng chưa rộng rãi.

Ông Cường cho biết thêm, một khó khăn hiện nay nữa là dịch vụ trong lĩnh vực KHCN như đại diện sở hữu trí tuệ, thẩm định, đánh giá công nghệ, tư vấn xây dựng hợp đồng CGCN… chưa phát triển mạnh. Đối với nhân lực cho KHCN ở các ngành kinh tế mũi nhọn, có tính quyết định, đem lại giá trị cao như công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, điện tử, viễn thông, công nghệ tự động… vẫn còn thiếu và yếu.

Cần linh hoạt trong chính sách

Theo các chuyên gia, mặc dù các cơ chế, chính sách liên quan đến CGCN của Việt Nam có nhiều điểm mới nhưng trình độ công nghệ của nhiều DN trong nước vẫn lạc hậu, tốc độ đổi mới công nghệ ở Việt Nam vẫn thấp. Thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân về chính sách.

Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật không đồng bộ, còn có sự chồng chéo giữa các bộ, ngành, gây khó khăn cho DN. Chẳng hạn, theo các quy định về CGCN thì hồ sơ dự án đầu tư, DN phải giải trình về công nghệ, đưa ra các phương án lựa chọn công nghệ, phân tích để lựa chọn ra phương án công nghệ tối ưu và phải nêu rõ quy trình công nghệ, sản phẩm từ công nghệ đó đạt tiêu chuẩn gì. Tuy nhiên, hiện nay Luật Đầu tư mới lại không có yêu cầu cụ thể này.

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Trưởng Ban quản lý Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore cho biết, theo Luật Đầu tư năm 2014 thì hoạt động CGCN là một trong những hoạt động được hỗ trợ, ưu đãi đầu tư. Qua quá trình quản lý tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore cho thấy, các DN CGCN chủ yếu là DN có vốn đầu tư nước ngoài tập trung vào những ngành công nghệ cao, công nghệ mới, nếu việc hỗ trợ hoạt động CGCN được thuận lợi thì các DN mới tiến hành thực hiện. Bên cạnh đó, sau khi thẩm định và được cấp giấy chứng nhận là DN KHCN thì cơ quan thuế địa phương mới cho hưởng ưu đãi. Tuy nhiên, giấy chứng nhận chỉ có thời hạn 5 năm và DN cũng mất nhiều thời gian để hoàn tất. Do đó, các cơ quan quản lý KHCN ở địa phương cần có biện pháp để rút ngắn quy trình trước khi trình Bộ KHCN.

Tại buổi làm việc của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tại Bình Dương vừa qua về tình hình ứng dụng, CGCN trên địa bàn tỉnh và lấy ý kiến Dự thảo Luật CGCN, tỉnh Bình Dương đã đóng góp một số ý kiến về Dự thảo Luật CGCN nhằm tháo gỡ nút thắt trong việc CGCN của DN. Cụ thể, tỉnh đã đề nghị bổ sung công nghệ tiên tiến sản xuất gốm sứ dân dụng, gốm sứ kỹ thuật chất lượng cao vào Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao các ngành nghề trọng điểm và sản phẩm công nghiệp chủ lực của địa phương; đối tượng công nghệ được chuyển giao cho DN Nhà nước có gắn với quyền sở hữu trí tuệ được định giá thương hiệu; mở rộng lĩnh vực hoạt động trong chứng nhận DN KHCN để tạo điều kiện phát triển DN KHCN…

Một vấn đề cũng cần nói đến là việc thành lập và sử dụng Quỹ phát triển KHCN của DN. Theo Nghị định 95/2014/NĐ-CP ban hành ngày 17-10-2014 của Chính phủ quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KHCN, hàng năm DN được trích tối đa 10%/thu nhập tính thuế thu nhập DN để thành lập Quỹ phát triển KHCN của DN. Đây có thể nói là điều kiện để DN đẩy mạnh ứng dụng, CGCN nhằm phát triển DN, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh... Tuy nhiên, theo các DN, việc trích lập, sử dụng quỹ còn quá nhiều điều khoản ràng buộc với các thông tư, văn bản hướng dẫn, dẫn đến sự chồng chéo, không rõ ràng và chưa sát với thực tế. Cụ thể như, sau 5 năm lập quỹ, nếu DN không sử dụng hết sẽ bị truy thu, thậm chí phạt lãi suất phát sinh; khi muốn sử dụng quỹ thì phải làm hồ sơ, lập hội đồng, thẩm định đánh giá tính khả thi của đề tài từ khâu đầu đến khâu cuối…

HOÀNG PHẠM

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên