Cần nâng cao nhận thức thay đổi hành vi trong điều trị, phòng chống HIV/AIDS

Cập nhật: 30-11-2011 | 00:00:00

Bình Dương được xem là địa phương thành công trong công tác phòng, chống HIV/AIDS được ghi nhận qua tỷ suất mắc trên 100.000 dân thấp trong cả nước cũng như việc can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm, chăm sóc và điều trị trong thời quan qua. Phóng viên Báo Bình Dương đã có buổi phỏng vấn bác sĩ Nguyễn Kiều Uyên, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS xoay quanh vấn đề này.

- Trong thời gian tới, công tác phòng chống HIV/AIDS cần có sự nỗ lực gì thêm, thưa bác sĩ?

- Tiếp tục thực hiện mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, phấn đấu khống chế tỷ lệ hiện nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư xuống dưới 0,3% ổn định tới 2015 và không tăng sau 2015; giảm tác hại của dịch HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Cụ thể như sau: Phấn đấu đến năm 2015 đạt 60% người dân hiểu biết đúng về dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS và phản đối những quan niệm sai lầm phổ biến về lây nhiễm HIV/AIDS nhằm giảm kỳ thị với cộng đồng người nhiễm. Khống chế tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy xuống dưới 25% và nhóm người bán dâm dưới 3% vào năm 2015.

Mở rộng và tăng cường chất lượng dịch vụ điều trị và chăm sóc HIV/AIDS cho người nhiễm HIV giảm số tử vong do AIDS hàng năm. Tăng cường sự sẵn có của thuốc ARV và khả năng tiếp cận thuốc ARV của các đối tượng đích cần điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV nghề nghiệp/lây truyền HIV từ mẹ sang con và người nhiễm HIV đủ tiêu chuẩn điều trị bằng thuốc ARV. Giảm tỷ lệ nhiễm HIV ở trẻ em và cải thiện tình trạng sức khỏe, tỷ lệ tử vong ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV.

Huy động mọi nguồn lực, sự đóng góp nguồn lực cho công tác phòng chống AIDS của Chính phủ, các nhà tài trợ quốc tế, nhà hảo tâm, các tổ chức doanh nghiệp trong nước.

- Sau hơn 20 năm đối phó với đại dịch HIV/AIDS, bên cạnh những thành công đã có trong điều trị và giảm tỷ lệ lây nhiễm, thì những thách thức mà ngành y phải đối phó với HIV/AIDS vẫn còn rất lớn, xin bác sĩ có thể nói rõ hơn về những thách thức này?

- Trung tâm Phòng, chống HIV tỉnh mới tách và đi vào hoạt động từ đầu tháng 7-2010, hiện tại còn làm việc tạm trong Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh còn khá là chật hẹp và còn thiếu nhiều trang thiết bị, phương tiện làm việc. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt nhân lực ở các tuyến là rào cản cho việc triển khai, mở rộng và nâng cao chất lượng chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Các chế độ đãi ngộ như ngành nghề, phụ cấp đặc thù, bên cạnh tỉnh có chế độ đãi ngộ riêng... vẫn chưa thu hút được cán bộ, nhất là bác sĩ về công tác trong hệ dự phòng nói chung, trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS nói riêng.

Đặc biệt là sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS còn khá phổ biến, nhất là ở vùng nông thôn đã làm cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS khó tiếp cận với người nhiễm HIV và những người dễ bị tổn thương. Do vậy công tác quản lý, tư vấn, chăm sóc... gặp rất nhiều khó khăn và làm hạn chế đến hiệu quả của chương trình.

Ngân sách của Trung ương và địa phương cấp hàng năm vẫn còn khiêm tốn cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS nói chung, cấp cho các ban ngành đoàn thể nói riêng còn ít. Tuy nhiên nhờ nguồn kinh phí hỗ trợ từ các dự án hợp tác quốc tế đóng góp một phần đáng kể cho hoạt động chương trình.

Do số lượng bệnh nhân HIV được điều trị ARV ngày một tăng nhanh tại BVĐK tỉnh đã góp phần thêm quá tải của bệnh viện. Tỉnh mới triển khai chương trình bao cao su và thu gom bơm kim tiêm (BKT) bẩn, chưa triển khai chương trình BKT và Methadone. Mạng lưới tuyên truyền viên đồng đẳng để triển khai chương trình còn rất hạn chế (12 NV của Life-gap).

Phương hướng hoạt động trong những năm tiếp theo: Tiếp tục triển khai, quán triệt Chỉ thị 54-CT/TW và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện trên toàn địa bàn tỉnh. Tập trung thực hiện thắng lợi “Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 của tỉnh Bình Dương” đã được phê duyệt. Triển khai và nhân rộng phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” trong giai đoạn 2008-2012. Cũng như duy trì và triển khai tốt các chương trình, dự án về phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách và tăng cường nguồn lực trong và ngoài nước nhằm thực hiện tốt các ưu tiên trong giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn 2020, cụ thể là: Tăng cường thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi, cùng phối hợp với các chương trình khác để giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV, nhất là ở các sở, ban ngành; đẩy mạnh các biện pháp can thiệp giảm thiểu tác hại tại các huyện trong tỉnh; tăng cường tư vấn, chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV/AIDS, nhất là tuyến cơ sở; huy động các nguồn lực để chăm sóc cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, đặc biệt là trẻ em; tăng cường năng lực quản lý, theo dõi, giám sát và đánh giá chương trình, nhất là tuyến tỉnh và huyện; Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh sớm xây dựng và đưa vào phục vụ với đủ nhân lực và các trang thiết bị cần thiết, đáp ứng theo yêu cầu (Dự thảo chuẩn của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh/TP) vào năm 2012.

- Xin cảm ơn bác sĩ.

T.Phương (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên