Cần phòng bệnh cho trẻ

Cập nhật: 11-01-2018 | 08:12:04

Những ngày gần đây, thời tiết chuyển mùa nóng, lạnh đột ngột dễ gây ra các bệnh như hô hấp, tiêu hóa… ở trẻ em. Do đó, phụ huynh cần trang bị cho bản thân những biện pháp phòng tránh đúng cách để bảo vệ sức khỏe cho con em mình.

Chích ngừa đầy đủ để phòng tránh bệnh cho trẻ khi thời tiết giao mùa. Trong ảnh: Phụ huynh đưa trẻ đến chích ngừa tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh

 

 Trò chuyện với chị Nguyễn Thị Hiền (có con 2 tuổi, ở trọ tại phường Bình An, TX.Dĩ An), chị cho biết: “Khi thời tiết thất thường là con tôi thường hay bị hắt hơi, sổ mũi, viêm họng, vì vậy cháu chán ăn, hay quấy và tôi không biết làm thế nào để phòng cho trẻ ngay từ khi chuyển mùa”. Đó không chỉ là lo lắng của chị Hiền mà là của rất nhiều các bậc cha mẹ khác.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Nhưỡng, Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cha mẹ không nên xem nhẹ căn bệnh này và quan tâm đúng mức sức khỏe của trẻ, cần thiết phải cho trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa khi có triệu chứng như sốt cao, ho nặng tiếng. “Để phòng bệnh cho trẻ không chỉ khi thời tiết giao mùa, phụ huynh nên cho các bé bú sữa mẹ hoàn toàn, nhất là trong giai đoạn từ 12 đến 18 tháng tuổi, chích ngừa đầy đủ. Bổ sung nhiều chất dinh dưỡng phù hợp với mỗi độ tuổi nhằm tăng khả năng miễn dịch cho trẻ, giúp trẻ đối phó tốt hơn với những bệnh thường gặp. Khi bắt đầu chuyển mùa, cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ nhất là vùng cổ, tai, tay, chân. Nếu bật điều hòa cần chú ý đến nhiệt độ trong phòng. Tránh xa các nguồn bệnh, khi trẻ gặp phải các bệnh trên cần có sự chỉ định của bác sĩ để điều trị, tránh tình trạng tự ý mua thuốc chữa trị cho trẻ”, bác sĩ Nhưỡng chia sẻ.

Bác sĩ cảnh báo, thời tiết thay đổi liên tục, nóng lạnh đột ngột (sáng lạnh, trưa nóng, tối lạnh), đây là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn, vi rút hoạt động gây ra các bệnh lý như cảm cúm, viêm hô hấp, trong đó có cả bệnh tiêu hóa... Bởi nhiệt độ nóng lạnh thất thường khiến cho thức ăn rất dễ bị nhiễm khuẩn, vì vậy phụ huynh nên chủ động phòng tránh. Biểu hiện của bệnh liên quan đến đường tiêu hóa là phát bệnh đột ngột và phần lớn trẻ mắc bệnh thường là sốt cao (38 - 40 độ C) và có thể kèm theo các biểu hiện như sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, ho, đau rát họng. Trường hợp tiêu chảy kèm theo buồn nôn là bệnh lý đã nặng. Khi bị rối loạn tiêu hóa, các bác sĩ nhấn mạnh, không tự ý mua thuốc điều trị vì có thể gây nguy hiểm cho người bệnh với các biến chứng mất nước, thậm chí tử vong.

Bác sĩ Nhưỡng khuyến cáo phụ huynh nên cho trẻ ăn chín uống sôi, dùng nguồn nước sạch, rửa tay sạch khi chăm sóc bé, không cho trẻ tiếp xúc với người đang mắc bệnh tiêu chảy, không sử dụng thuốc kháng sinh khi không có chỉ định của bác sĩ; xây dựng thực đơn dinh dưỡng đa dạng, lành mạnh, phù hợp với các giai đoạn phát triển; theo dõi sát sao sự phát triển và thay đổi thể chất ở trẻ, khi thấy có bất kỳ dấu hiệu nào của rối loạn tiêu hóa, mẹ nên sớm đưa bé đến các bệnh viện, phòng khám nhi để được khám và nhận lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa…

 HUỲNH THỦY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên