Cẩn thận với bệnh nhiễm giun đũa chó

Cập nhật: 10-05-2017 | 18:22:13

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, một khi bị nhiễm giun đũa chó có thể gây ra rất nhiều bệnh. Bệnh lý do giun đũa chó xảy ra trên người lớn và cả trẻ em. Do đó, cần cẩn thận khi tiếp xúc với chó mèo, đặc biệt là đối với trẻ em...

 Nhiều người tiếp xúc với chó mèo trong thời gian dài khi đi khám mới phát hiện mình bị nhiễm giun đũa chó (Toxocara canis). Bác sĩ Minh Nguyệt cho biết, ấu trùng giun đũa chó mèo Toxocara canis xâm nhập vào thành ruột của con người và được chuyên chở theo đường máu đến gan, phổi, não và những cơ quan khác. Ở những cơ quan này, ấu trùng lang thang hàng tuần hoặc hàng tháng, hoặc nằm im, thành những vật lạ gây viêm và kích thích tạo u hạt. Tuy nhiên, do người là ký chủ ngẫu nhiên nên ký sinh trùng không bao giờ phát triển đến giai đoạn trưởng thành. Vì vậy, các chuyên gia không thể tìm thấy trứng trong phân của người nhiễm. Theo nhiều nghiên cứu gần đây với xét nghiệm miễn dịch ELISA, tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng này trong cộng đồng dân cư từ 0 - 13%. Người ta ước đoán, ở Việt Nam, tỷ lệ này nhiễm là 5%. Khi nhiễm, giun đũa chó mèo có thể gây ra rất nhiều bệnh. Với hội chứng ấu trùng di chuyển trong nội tạng, bệnh nhân có thể bị xuất huyết da (bầm, nổi mề đay, nổi cục u ở da, sưng phù), ho kéo dài...

Bệnh có thể gặp ở trẻ em và cả người lớn. Trẻ em có hành vi nguy cơ như tiếp xúc với chó mèo, tiếp xúc với đất; trẻ đi mẫu giáo hay nhà trẻ thích nghịch đất, ăn đất, ngậm liếm đồ chơi... Ở người lớn, bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, nhiều nhất là trong độ tuổi lao động. Bệnh do giun đũa chó, mèo gây ra có thể xuất hiện khắp mọi nơi trên thế giới, không phụ thuộc vào vùng nông thôn hay thành thị. Ngay cả những nước tiên tiến vẫn có khả năng nhiễm và thậm chí nhiễm nhiều hơn. Con người bị nhiễm giun chó mèo do nuốt phải trứng trưởng thành hoặc ăn thịt của vật chủ khác có chứa ấu trùng. Trên trẻ em từ 1 - 4 tuổi sẽ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn. Tập quán ăn đất thường được thấy ở những trẻ em bị nhiễm Toxocara canis. Sau khi tiêu hóa, ấu trùng tách ra khỏi trứng trưởng thành đi đến những cơ quan khác bằng con đường di chuyển trong cơ thể. Chúng cũng có thể chu du vài lần đến các mô, cuối cùng đóng kén thành ấu trùng và tạo u hạt, làm tăng bạch cầu eosin ở tất cả các cơ quan chính của cơ thể, trong đó bao gồm cả não và mắt.

Theo bác sĩ Minh Nguyệt, có 2 phương thức lây nhiễm: trên chó, mèo và trên người. Trên người, thường lây nhiễm gián tiếp bằng cách tiếp xúc tay với các vật bị nhiễm ấu trùng; gián tiếp qua cách ăn đất, phân hay các thực phẩm có trứng giun đũa chó nhiễm… Người nhiễm giun chó mèo có thể không có triệu chứng nếu nhiễm trùng nhẹ. Với hội chứng ấu trùng di chuyển nội tạng, bệnh nhân có thể bị triệu chứng trên da (bầm, nổi mề đay, nổi cục u ở da, sưng phù), ho kéo dài, mắc các biểu hiện thần kinh (đau đầu, động kinh, cử động bất thường, rối loạn hành vi, yếu liệt tay chân), đau khớp...

 Để phòng bệnh, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh lưu ý mọi người cần thực hiện các biện pháp sau: Hạn chế tối đa tiếp xúc các vật chủ nhạy cảm, các chó mèo bị nhiễm và môi trường nghi ngờ có bệnh; kiểm tra phân của những chó con hàng tuần và tẩy giun mỗi tháng cho đến khi phân trở nên âm tính; cấm chó chạy trong khu vực chơi trẻ con, công viên; kiểm soát chặt chẽ và buộc dây xích chó; rửa tay cho trẻ con sau khi chơi ở nơi có đất cát và vật nuôi.

CẨM LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên