Cẩn thận với các bệnh thường gặp khi thời tiết thay đổi

Cập nhật: 18-02-2017 | 07:57:16

Thời tiết năm nay có sự thay đổi khác thường so với mọi năm. Dù đã bước vào tháng 2 nhưng không khí vẫn còn se lạnh khi về đêm và sáng sớm, nắng gắt vào buổi trưa. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của nhiều người, đặc biệt là đối tượng trẻ nhỏ, người lớn tuổi…

Người cao tuổi nên chú ý giữ gìn sức khỏe khi thời tiết thay đổi thất thường. Trong ảnh: Bác sĩ thăm khám bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Những tháng đầu năm 2017, thời tiết có sự thay đổi thất thường. Về đêm và sáng sớm khí hậu se lạnh nhưng buổi trưa và về chiều thì lại nắng nóng oi bức đã tạo ra sự thay đổi về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm… gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Điều này đã làm tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt đối với những người sức khỏe yếu như người cao tuổi, trẻ nhỏ, người có sức đề kháng giảm không thích nghi kịp thời nên dễ bị nhiễm bệnh. Bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tỉnh cho biết, sự thay đổi thất thường của thời tiết là điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát như bệnh tay chân miệng, sởi, bệnh sốt xuất huyết, Zika, cúm mùa, cúm gia cầm... Đây cũng là thời điểm người lao động ở các tỉnh, thành về quê ăn tết quay trở lại Bình Dương làm việc, có thể mang mầm bệnh theo gây bùng phát và lây lan nhanh trong cộng đồng.

Để ứng phó trong điều kiện thời tiết khí hậu thất thường như hiện nay, bác sĩ Bạch Tuyết khuyến cáo mọi người cần chú ý thực hiện một số biện pháp phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe cho người thân và bản thân. Điều đầu tiên là cần giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh: ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời. Khi làm việc ngoài trời, ra ngoài vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Phòng ngủ bảo đảm đủ ấm, che chắn, kín gió. Đối với những người cao tuổi bị bệnh tăng huyết áp cần hết sức tránh lạnh đột ngột, nhất là lúc ngủ dậy vào sáng sớm bởi đột quỵ, nhồi máu cơ tim dễ xảy ra khi cơ thể bị lạnh đột ngột. Vì vậy, khi tỉnh giấc nên nằm yên, thở đều khoảng 5 phút, sau đó mới bỏ chăn ra và ngồi dậy từ từ, mặc ấm ngay và hạn chế ra ngoài khi thời tiết còn lạnh. Bên cạnh đó, mọi người cần chú ý tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, thủy đậu… Hạn chế đến những chỗ đông người. Về chế độ dinh dưỡng, cần ăn uống đủ chất, cân đối các nhóm thức ăn, bảo đảm dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Bảo đảm an toàn thực phẩm, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm/ sản phẩm từ gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm.

Ngoài những biện pháp trên, cần tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch cho trẻ, tiêm vắc xin cúm cho người cao tuổi. Bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình. Bảo đảm vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Người cao tuổi cần tắm rửa bằng nước ấm, tắm xong phải lau khô người và nhanh chóng mặc quần áo thật ấm. Những ngày nhiệt độ giảm xuống thấp nên hạn chế tắm, chỉ nên lau người và rửa tay, chân bằng nước ấm. Bác sĩ Bạch Tuyết lưu ý thêm, khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh, đặc biệt, người cao tuổi có các biểu hiện như ho, đau tức ngực, sốt, đau đầu, chóng mặt, đau khớp cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. Tuyệt đối không tự làm bác sĩ hoặc tự tra cứu biện pháp chữa bệnh trên mạng internet để trị bệnh. Sử dụng thuốc cho người cao tuổi cần tuân thủ chỉ định của thầy thuốc để tránh các tác dụng không mong muốn và lưu ý tương tác thuốc giữa các bệnh kết hợp ở người cao tuổi. 

 “Với thời tiết như hiện nay, đối tượng là trẻ nhỏ dễ mắc một số bệnh liên quan tiêu hóa, đường hô hấp như bệnh tay chân miệng, tiêu chảy, thủy đậu, cúm... Đối với người cao tuổi, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn là “thủ phạm” làm tăng mắc bệnh truyền nhiễm đường hô hấp và có thể nặng lên thêm các bệnh về xương khớp, viêm dạ dày, cao huyết áp, đái tháo đường, tim mạch. Đặc biệt, thời tiết thất thường nên người cao tuổi dễ gặp các biến chứng nguy hiểm của bệnh cao huyết áp, tim mạch là rối loạn nhịp tim, đột quỵ và nhồi máu cơ tim”.

(Bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tỉnh)

HỒNG THUẬN 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên