Cẩn thận với chứng tăng huyết áp thai kỳ

Cập nhật: 12-04-2014 | 00:00:00

Tăng huyết áp (HA) là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ mang thai và là nguyên nhân chính gây ra các biến chứng, trong đó nguy hiểm nhất là tiền sản giật. Tuy nhiên, những phụ nữ bị tăng HA đều có thể mang thai và sinh con bình thường nếu họ được kiểm soát HA và được theo dõi sức khỏe chặt chẽ…

Thầy thuốc ưu tú - bác sĩ Đào Thị Mỹ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, cho biết tăng HA thai kỳ là một trong những triệu chứng của hội chứng tiền sản giật, xuất hiện trong thai kỳ.  

 Phụ nữ mang thai cần bảo đảm việc khám thai định kỳ. Trong ảnh: Các thai phụ đang chờ khám thai tại Trung tâm CSSKSS tỉnh Ảnh: HỒNG THUẬN

Tăng HA thai kỳ là tăng HA xuất hiện từ tuần thứ 20 của thai kỳ và mất đi chậm nhất là 6 tuần sau đẻ, có thể kèm theo đạm niệu (có đạm trong nước tiểu) hoặc phù, hoặc cả hai. Bệnh được gọi là tiền sản giật hoặc sản giật nếu như sản phụ lên cơn co giật và kết thúc bằng hôn mê. Đối với những thai phụ không biết trước con số HA của mình, nếu HA đo được lúc nghỉ ngơi ít nhất 15 phút và đo 2 lần cách nhau 2 giờ mà con số HA từ 140/90 trở lên, được gọi là tăng HA. Đối với những thai phụ biết trước con số HA, nếu HA tâm thu tăng thêm 30mmHg và HA tâm trương tăng thêm 15mmHg thì được coi là tăng HA. Tăng HA có thể có trước lúc mang thai hoặc có sẵn và nặng thêm khi mang thai, hoặc chỉ xuất hiện trong thai kỳ nếu đi kèm với phù và đạm niệu tạo nên một bệnh cảnh đặc biệt trong sản khoa đó là hội chứng tiền sản giật - sản giật. Vì thế, các bác sĩ khuyên rằng, phụ nữ mang thai cần thăm khám thai kỳ thường xuyên để phòng tăng HA.

Tăng HA thai kỳ thường xuất hiện  vào khoảng thời gian nửa sau thai kỳ và khỏi hoàn toàn khi hết thời kỳ hậu sản. Biến chứng nguy hiểm nhất của tăng HA thai nghén là tiền sản giật và sản giật. Tiền sản giật có thể gặp ở những phụ nữ mang thai con so nhỏ tuổi hoặc con so lớn tuổi. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể xuất hiện sớm hơn, trong những trường hợp đa thai và thai trứng. Bệnh đái tháo đường, yếu tố di truyền, yếu tố dinh dưỡng… cũng là những yếu tố nguy cơ. Bệnh sẽ khỏi nhanh chóng sau khi sinh, HA sẽ giảm dần tới ổn định. Tiền sản giật có thể dẫn đến các nguy cơ: Thai nhi chậm phát triển trong buồng tử cung, đẻ non và tổn thương nhiều cơ quan khác. Nghiêm trọng hơn là để lại hậu quả lâu dài trên hệ tim mạch của trẻ.

Tiền sản giật có thể dự phòng hoặc giảm bớt biến chứng nếu khám thai tốt. Cần tuân thủ việc điều trị đái tháo đường nghiêm ngặt hoặc các bệnh nội khoa khác đang có sẵn. Sản phụ có thể nghỉ ngơi tại nhà nếu bệnh nhẹ, tự đếm cử động thai, tự theo dõi các dấu hiệu trở nặng như: phù tăng, lên cân nhanh, nhức đầu nặng, mắt nhìn mờ, đau vùng gan, buồn nôn, nôn nhiều. Cần nhập viện ngay khi có một trong các dấu hiệu trên bởi thực tế tiền sản giật biến thành sản giật bất cứ lúc nào. Nếu xảy ra sản giật, sản phụ có thể rơi vào hôn mê, phù não, xuất huyết não, phù phổi cấp, suy tim, nhau bong non gây tử vong cho mẹ và con.

Các bác sĩ khuyến cáo, những phụ nữ mang thai kèm theo rối loạn tăng HA phải được theo dõi chặt chẽ do gia tăng nguy cơ các biến chứng thai kỳ. Những phụ nữ bị tăng HA đều có thể mang thai và sinh con bình thường nếu họ được kiểm soát HA và được theo dõi sức khỏe thai kỳ chặt chẽ. Vì thế, khi mang thai các bà mẹ trẻ nên thăm khám thai định kỳ và thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ để được tư vấn, phát hiện và điều trị bệnh kịp thời cũng như ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.

HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=326
Quay lên trên