Cẩn thận với thực phẩm chức năng

Cập nhật: 27-11-2013 | 00:00:00
Thói thường ai chẳng muốn mình và người thân mình được khỏe mạnh, nên cứ nghe có thuốc gì bổ, thực phẩm gì tốt thì tốn kém mấy cũng không tiếc. Đánh vào tâm lý này, các nhà kinh doanh đã sản xuất ra thực phẩm chức năng (TPCN) để bán cho người tiêu dùng (NTD) với những lời quảng cáo có cánh như đây là một loại “thần dược” chữa bá bệnh!

 Gồng mình sử dụng TPCN

Chưa bao giờ TPCN lại được bày bán tràn lan như hiện nay. Theo thống kê của Hiệp hội TPCN, năm 2000 chỉ có 60 sản phẩm TPCN nhập về thì nay trên thị trường đã có đến hơn 5.000 sản phẩm.    Đa dạng các dòng sản phẩm gắn mác TPCN

Từ vài sản phẩm ban đầu chủ yếu cho người già và trẻ em thì nay mặt hàng này đang “loạn” lên ở khắp mọi nơi, dành cho mọi lứa tuổi với những lời tâng bốc có cánh như “thần dược” chữa bách bệnh: tim, gan, huyết áp, tiểu đường, táo bón, gout, chậm lớn, còi xương, phát triển chiều cao, cân nặng… Từ chăm sóc sắc đẹp như: chống lão hóa, đẹp da, trị tàn nhang, nám má, giảm cân đến phục hồi sức khỏe như: tăng cường tuổi thọ, phục hồi sinh lý, cải thiện vòng một, tăng cường “bản lĩnh đàn ông” kiểu “một người uống, hai người vui”…

Đảo quanh một vòng các siêu thị, nhà thuốc, các cửa hàng tạp hóa và trên mạng, người ta dễ dàng nhận thấy sự đa dạng và phong phú của dòng sản phẩm gắn mác TPCN. Nhưng có lẽ chức năng của TPCN được lan truyền rộng và nhanh nhất là từ đội ngũ bán hàng đa cấp. Đội ngũ này len lỏi ở khắp nơi trong công sở, trong trường học, từ thành thị ra đến thôn quê.

Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, giáo viên một trường cao đẳng kể: Ở đâu cũng thấy quảng cáo TPCN, tivi thì ngày nào cũng ra rả nào là Sắc Ngọc Khang, Sáng hồng nhất nhất, Hoa Thiên, Bảo Xuân… báo chí thì nhan nhản nào là Viên uống đẹp da Tây Thi, Glow, Agel, Sữa ong chúa, Collagen, Đông trùng hạ thảo... Vậy mà đến trường giảng dạy cũng không thoát. Đồng nghiệp ngoài đi dạy còn bán thêm hàng đa cấp Vision, ngày nào họ cũng giới thiệu công dụng của các loại TPCN của hãng này, mình phần vì chịu không nổi, phần vì ngại nên cũng “bóp bụng” mua vài sản phẩm cho yên.

Vậy mà hôm nọ, thời tiết thay đổi vừa hắt hơi, nhảy mũi mấy cái đã có đứa học trò chạy lên quảng cáo một loại TPCN của hãng Amway. Mình kiên quyết bảo không có nhu cầu, thế mà đến tối đang lim dim nó lại gọi tiếp cứ “cô ơi, cô à cô uống thử loại này mà xem, tốt lắm! Cô không tin mai em chở cô lên tham dự buổi hội thảo về sản phẩm này cô thấy liền à”. Thiệt hết cách!”.

Bên cạnh sự phong phú và đa dạng về chủng loại thì những lời quảng cáo về các dòng TPCN này cũng khiến NTD dù còn hoang mang nhưng cũng không kém phần sốt ruột. Nào là sản phẩm siêu đạm, lấy lại tuổi xuân, không lo bệnh tật, bổ sung canxi, DHA, tăng trưởng chiều cao, cân nặng, phát triển trí thông minh… Trong khi ai lại chẳng muốn mình và người thân hội đủ tất cả những yếu tố trên. Thế là các công ty kinh doanh các mặt hàng TPCN cứ tha hồ mà thu lợi trong khi nhiều gia đình đang phải cố gồng mình để mua các loại TPCN này về sử dụng mà không biết chúng có thật sự tốt như lời quảng cáo hay không?

Lợi hại song hành

Chúng tôi gặp chị Trần Thị Tường Vy, ngụ tại phường Bình Chuẩn (TX.Thuận An) đang chăm chú lựa chọn loại TPCN bổ sung vitamine, giúp bé ăn ngon, tăng cân dành cho trẻ em tại một tiệm thuốc tây. Chị Vy cho biết: “Lúc bé vừa tròn 1 tuổi tôi đã chọn loại thực phẩm này cho bé dùng thêm. Dòng sản phẩm này thấy bảo không có hại gì lại rất tốt cho sức khỏe của trẻ”. Không biết tốt như thế nào nhưng khi cầm lên xem thử thì chúng tôi thấy giá cả của loại TPCN này khá cao, gần 200.000 đồng/hộp. Ngày nay việc nuôi con có phần đơn giản hơn rất nhiều vì sự tiện lợi và phong phú của các loại sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ. Thậm chí nhiều bà mẹ trẻ đã tin rằng, nhờ có những TPCN này mà con họ sẽ được khỏe mạnh, bụ bẫm.

Nhiều gia đình mỗi tháng đã phải tốn rất nhiều chi phí vào việc chăm sóc sức khỏe gia đình và con cái dựa vào các loại TPCN nhưng chưa hẳn đã tốt. Như trường hợp của gia đình chị L., khu phố Thống Nhất, TX.Dĩ An. Hai vợ chồng chị đều làm công ăn lương, thu nhập mỗi tháng của cả hai bình quân khoảng 15 triệu đồng. Nhưng chị L. than “nuôi con không đủ”. Mỗi ngày cậu con trai 5 tuổi của chị L. được chị cho nạp biết bao nhiêu thứ vào người, ngoài 3 bữa chính thì bé còn được uống 4 ly sữa Pediasure, thêm sữa chua, phô mai, nước trái cây, bánh kẹo và một số loại TPCN để bồi bổ, bảo vệ sức khỏe, hỗ trợ phát triển chiều cao và trí tuệ… Kết quả là bé bị béo phì và bác sĩ kết luận, nếu không giảm cân và chăm sóc cẩn thận bé sẽ rất dễ bị bệnh tim và bệnh tiểu đường.

Ông Nguyễn Tấn Hùng, Chánh Thanh tra Sở Y tế:

Thực tế, trong thời gian qua, đoàn thanh tra đến các cơ sở kinh doanh về TPCN, mỹ phẩm, dược phẩm… đã ghi nhận nhiều mặt hàng “sai tùm lum” từ mẫu mã, quảng cáo đến công dụng không đúng với lời giới thiệu. NTD khá “dễ tính” khi chọn TPCN bởi nhầm tưởng là một loại thuốc thay thế. Trong khi đó, nếu không đạt chất lượng sẽ đem lại hậu quả khó lường cho người dùng. Với hàng xách tay lại càng khó kiểm soát hơn khi sản phẩm được phân phối theo kiểu “cho biếu tặng” và không có hóa đơn, chứng từ gì cả. Ông cũng khuyến cáo NTD không nên tin vào những quảng cáo trên bao bì, phải là “NTD thông minh” trước một rừng sản phẩm của mặt hàng TPCN. Điều cuối cùng là việc xử phạt, chế tài còn nhẹ, nên chưa đủ mức răn đe những người làm ăn thiếu uy tín, không đàng hoàng gây thiệt hại cho NTD.

QUỲNH NHƯ (ghi)

Ông Trần Văn Thịnh, nhà ở Khu dân cư Minh Tuấn, phường Bình Hòa (TX.Thuận An) cho biết, ông bị cao huyết áp và tiểu đường gần chục năm nay. Vừa rồi, người con trai cả có mua biếu ông một hộp Đông trùng hạ thảo có giá hơn 2 triệu đồng. TPCN này được cho là quý hiếm với quảng cáo giúp người sử dụng ăn ngon ngủ khỏe, cơ thể tiêu tan nhức mỏi, ngăn ngừa bệnh tật, tăng cường chức năng phổi thận, đầu óc minh mẫn và đặc biệt giúp con người kéo dài tuổi thọ. Nhưng ông uống gần hết 1 hộp rồi mà đi khám bác sĩ định kỳ, sức khỏe của ông vẫn không tiến triển hơn chút nào mà lại còn thêm bệnh gout nữa.

Chính vì “TPCN không phải là thuốc, không dùng để thay thế thuốc chữa bệnh” nên không chịu sự quản lý của Bộ Y tế và thực tế giá của các loại này đang bị thả nổi. Theo Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cho biết, tại Việt Nam đang “bùng nổ” các công ty sản xuất, kinh doanh và phân phối các mặt hàng TPCN. Vì lợi nhuận, không ít công ty đã quảng cáo quá mức công dụng thật sự của TPCN khiến NTD hiểu lầm.

Bên cạnh đó, lợi dụng vào sự thiếu thông tin của nhiều NTD, không ít nhà sản xuất, kinh doanh đã đưa ra thị trường tiêu thụ những TPCN được “thổi” lên như những thần dược cho sức khỏe. Cũng có doanh nghiệp quảng cáo theo kiểu lập lờ để đánh lừa NTD. Đó là chưa kể hàng giả, hàng nhái cũng đang tràn ngập trên thị trường. Mới đây nhất, ngày 3-10- 2013, Công an TP.Hà Nội đã bắt giữ một cơ sở buôn bán TPCN với số lượng lớn gồm hàng ngàn sản phẩm gắn tem nhãn là các loại TPCN cao cấp, như sữa ong chúa, tảo, vi cá mập, tỏi đen, Collagen... của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia… nhưng thực chất là được nhập từ Trung Quốc.

Vì vậy, khi mua các loại TPCN NTD cần lưu ý chọn sản phẩm có thương hiệu uy tín, thực hiện đúng theo hướng dẫn sử dụng và bảo quản của nhà sản xuất. Các bác sĩ thường khuyên rằng: Về mặt y học, nếu muốn dùng TPCN thì tốt nhất nên có bữa ăn trong ngày xanh, sạch và đúng với sinh lý bình thường. Còn TPCN nào tốt hay không tốt thì chỉ có nhà sản xuất mới biết được. Chưa kể nhiều người có cơ địa bị dị ứng với thành phần nào đó của thuốc cũng có thể dẫn đến nguy hiểm đến tính mạng. Mong sao, NTD hết sức cân nhắc thật kỹ trước khi chọn mua những loại TPCN đang tràn lan, bát nháo trên thị trường hiện nay để tránh rơi vào tình trạng “tiền mất, tật mang”.

 NGỌC THANH

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên