Cần thực hiện nhiều giải pháp

Cập nhật: 26-03-2012 | 00:00:00

Nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, bên cạnh những cơ sở hiện có, ngành y tế đã và đang tiến hành xây dựng thêm nhiều cơ sở y tế từ tuyến tỉnh đến huyện, thị. Do đó, vấn đề bảo đảm nguồn nhân lực y tế luôn được tỉnh cũng như ngành y tế quan tâm...    Khuyến khích học sinh tỉnh nhà thi vào các trường y dược và trở về phục vụ địa phương sau khi ra trường

Tiềm lực y tế

Theo bác sĩ Lục Duy Lạc, Giám đốc Sở Y tế, trong thời gian qua, được sự quan tâm của tỉnh, sở đã triển khai xây dựng các cơ sở y tế rất thuận lợi, cơ bản bảo đảm phục vụ cho nhu cầu của nhân dân tỉnh nhà. Hiện nay, hầu hết các đơn vị y tế công lập tuyến tỉnh đều được đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ như Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh và các trung tâm trực thuộc tuyến tỉnh. Nhằm đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ sức khỏe nhân dân, được sự quan tâm của UBND tỉnh, ngành y tế đã và đang phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh tiến hành các bước đầu tư xây dựng mới các BV chuyên khoa nhi, tâm thần, lao và bệnh phổi, ung bướu, BVĐK tỉnh 1.500 giường, BV Điều dưỡng phục hồi chức năng, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS...

Cùng với việc đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất tuyến tỉnh, hầu hết các BVĐK tuyến huyện cũng được xây dựng kiên cố và đầu tư trang thiết bị theo quy định của Bộ Y tế. Vừa qua, ngành y tế đã xây dựng “Đề án phát triển Trung tâm Y tế huyện, thị giai đoạn 2011-2015” đã được UBND tỉnh phê duyệt, hiện đang triển khai thực hiện. Theo đó, đến năm 2015, 100% Trung tâm Y tế huyện, thị được xây dựng và trang bị trang thiết bị theo quy định của bộ. Riêng hệ thống cơ sở y tế tuyến xã, hiện có 89/91 xã, phường đã xây dựng cơ sở y tế kiên cố, đã và đang đầu tư trang thiết bị theo chuẩn quốc gia. Riêng 2 phường mới thành lập sẽ được đầu tư xây dựng trong thời gian tới.

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, vấn đề con người cũng được tỉnh và ngành y quan tâm chú ý. Tính đến nay, đội ngũ cán bộ y tế từ tỉnh đến cơ sở có 5.073 người, trong đó: y tế công lập 3.012 người; y tế ngoài công lập, y tế doanh nghiệp có 1.538 người; Bộ Y tế trong các công ty cao su và lực lượng vũ trang có 523 người. Theo đánh giá của bác sĩ Lục Duy Lạc, trước tình hình kinh tế - xã hội, dân số phát triển nhanh của tỉnh nhà, nguồn nhân lực ngành y tế hiện nay vẫn chưa đáp ứng theo quy định của Bộ Y tế, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ, dược sĩ.

Giải pháp bảo đảm nguồn nhân lực y tế

Vừa qua, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt “Đề án bảo đảm nguồn nhân lực y tế tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011- 2015, định hướng đến năm 2020”. Theo đó, mục tiêu đến năm 2015, phải đạt 6,8 bác sĩ/10.000 dân; 1,2 dược sĩ/10.000 dân; 37 cán bộ y tế/10.000 dân. Đến năm 2020, phải đạt 7,5 bác sĩ/10.000 dân; 1,7 dược sĩ/10.000 dân, 42 cán bộ y tế/10.000 dân. Cũng theo đề án trên, hàng năm ngành y tế phải đào tạo được 61 cán bộ sau đại học cho hệ điều trị và dự phòng...

Cùng với việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, ngành y tế nói riêng, tỉnh Bình Dương nói chung đang có chính sách thu hút nguồn nhân lực từ các địa phương khác đến công tác lâu dài trong ngành y. Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành “Quy định về chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương”, trong đó có ngành y. Theo đó, người lao động có chuyên môn y tế được tuyển dụng mới tùy theo trình độ, được đào tạo trong nước hay nước ngoài sẽ được cấp một lần từ 20 - 40 triệu đồng, nếu tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc sẽ được cấp thêm từ 3 - 6 triệu đồng. Đối với cán bộ thu hút từ các tỉnh, thành khác, cũng tùy theo trình độ sẽ được cấp một lần từ 6 - 30 triệu đồng. Ngoài ra, ngành y tế còn thực hiện nhiều chế độ khác nhằm bảo đảm nguồn nhân lực, như: chế độ thu hút đối với viên chức y tế về công tác ở các xã thuộc vùng khó khăn; hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học; hỗ trợ cho cán bộ, viên chức chuyên môn y tế công tác tại các cơ sở y tế công lập; hỗ trợ cho viên chức y tế học đường... 

Nói về giải pháp nhằm bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y, bác sĩ Lục Duy Lạc, cho rằng: “Nhằm bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành trong thời gian tới, giải pháp có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đó là đào tạo. Để thực hiện tốt công tác đào tạo, ngành sẽ tăng cường công tác hướng nghiệp nhằm khuyến khích học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông thi vào các trường đại học đào tạo bác sĩ, dược sĩ, cử nhân y tế cộng đồng, bác sĩ răng hàm mặt, cử nhân điều dưỡng, cử nhân hộ sinh; tạo điều kiện thuận lợi để những y sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh trung học được học liên thông đại học và trở về địa phương phục vụ ngành. Bên cạnh đó, cử các bác sĩ, dược sĩ tham gia các lớp đào tạo sau đại học nhằm cải thiện chất lượng chuyên môn...

Dự kiến, trong giai đoạn 2011-2015, sẽ mở 3 lớp chuyên khoa sau đại học cho lãnh đạo các đơn vị, các khoa phòng, tuyến tỉnh, huyện. Song song đó, đẩy mạnh công tác đào tạo liên tục, dựa trên quy hoạch cán bộ, hỗ trợ cán bộ đi học sau đại học, tuyển chọn những cán bộ y tế có năng lực chuyên môn, có phẩm chất chính trị đạo đức để đào tạo thành cán bộ quản lý hoặc chuyên khoa đầu ngành của tỉnh. Chọn những cán bộ đại học có hướng phát triển về chuyên môn quản lý cho đào tạo sớm hơn để trở thành đội ngũ cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn, năng lực quản lý tốt cho ngành, đủ sức đảm nhiệm công tác trong thời kỳ mới. Ngoài ra, ngành cũng sẽ tổ chức cho cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài đối với những chuyên ngành mà hiện tại ở Bình Dương chưa có, khi các cán bộ này về nước sẽ trở thành những chuyên gia trong công tác đào tạo tại địa phương và giữ vai trò đầu ngành về kỹ thuật. Phấn đấu đến 2015, đào tạo 10 chỉ tiêu bác sĩ chuyên về lĩnh vực điều trị tại nước ngoài, phục vụ các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa...

CẨM LÝ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên