Cẩn trọng khi vay vốn tín dụng “đen”

Cập nhật: 28-07-2017 | 08:46:41

So với lãi suất khi vay ngân hàng, lãi suất tín dụng “đen” thường cao hơn hàng chục lần, phổ biến trên 100%/năm. Nhưng vì nhu cầu cấp bách hoặc không thể vay được ngân hàng, nhiều người đã phải chấp nhận tìm đến dịch vụ này.

 

 

 Tờ rơi quảng cáo cho vay tín dụng “đen” được dán khắp nơi (Ảnh chụp tại một tuyến đường ở TP.Thủ Dầu Một). Ảnh: NHÂN QUANG

 Nắm bắt được nhu cầu cần vốn của một bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, nên hoạt động cho vay tín dụng “đen” đang ngày càng nở rộ. Các tờ rơi quảng cáo được dán khắp nơi, từ trụ điện, tường rào đến các cột rút tiền ATM… kèm theo số điện thoại để liên hệ.

Lãi suất cao ngất ngưởng

Theo số điện thoại được dán tại các trụ điện trên đường Lê Hồng Phong, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, phóng viên đã liên lạc với một đầu mối tín dụng “đen”. Trả lời chúng tôi là giọng một người đàn ông. Người này yêu cầu phải trả lời một loạt những câu hỏi như tên gì, ở đâu, có những giấy tờ gì và muốn vay bao nhiêu?

Người đàn ông này thông báo, bên ông ta cho vay với hai hình thức: Thứ nhất là tính lãi suất hàng ngày, cứ một triệu đồng mỗi ngày đóng 7.000 đồng; thứ hai là tính lãi suất hàng tháng, mỗi tháng đóng 7 - 9% trên tổng số tiền vay. Người vay phải có chứng minh và hộ khẩu thường trú tại Bình Dương. Trường hợp không có hộ khẩu thì chỉ cần có cà-vẹt xe và chứng minh nhân dân cũng có thể được vay. Lãi suất trong trường hợp này có thể cao hơn, vì mức rủi ro lớn hơn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, khi liên hệ với một số tờ rơi quảng cáo khác thì mỗi một nơi lại đưa ra một lãi suất khác nhau và tùy vào độ tin cậy hoặc thân quen mà người cho vay có thể quy định mức lãi suất. Tuy nhiên, mức lãi suất cũng dao động từ 5% trở lên. Bạn Trần Thành Công, sinh viên một trường đại học trên địa bàn tỉnh, cho biết có lần quá kẹt tiền nên bạn đã đưa xe máy đến một dịch vụ cho vay trên đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một để vay. Sau khi định giá chiếc xe, bên cho vay quyết định cho bạn vay 10 triệu đồng với lãi suất 6%/tháng. Bên cho vay yêu cầu để lại giấy tờ xe và chứng minh nhân dân. Sau một tháng, bạn phải đến trả lãi 600.000 đồng. Đến tháng thứ 2, vì không có tiền trả bạn buộc phải đến làm thủ tục bán lại chiếc xe cho bên vay với giá khá rẻ…

Theo tính toán của giám đốc một chi nhánh ngân hàng thương mại tại Bình Dương, với mức lãi suất vay tiền mặt từ 3.000 đến 10.000 đồng/triệu đồng/ ngày người vay tín dụng “đen” phải chịu mức lãi suất cao ngất ngưởng, có thể lên tới gần 300%/ năm, gấp nhiều lần mức lãi suất theo quy định là 20%/năm.

Bên cho vay cũng dò xét kỹ

Tưởng rằng với lời lẽ quảng cáo nhiều người nghĩ rằng việc vay tín dụng “đen” rất dễ dàng, nhưng trên thực tế lại khác, chỉ những khách hàng từng vay hình thức này mới có thể giao dịch suôn sẻ. Những người mới vay lần đầu phải tuân thủ những bước kiểm duyệt rất nghiêm ngặt. Nếu vay tiêu dùng qua ngân hàng thương mại, khách hàng phải có tài sản bảo đảm và những giấy tờ cần thiết; kể cả với những khoản vay tín dụng không có tài sản bảo đảm, người vay cũng phải chứng minh thu nhập hàng tháng hoặc cung cấp hợp đồng lao động.

Đối với vay qua công ty tài chính, tuy không cần tài sản bảo đảm hay chứng minh thu nhập nhưng khách hàng cũng phải có chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu và số tiền vay thường bị giới hạn. Còn với vay tín dụng “đen”, người cho vay buộc phải có hộ khẩu thường trú tại Bình Dương và trước khi giải ngân, người cho vay thường tự mình hoặc cử người khác dò la thông tin của người vay.

Ông L., một người làm dịch vụ cho vay tín dụng “đen” trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, cho biết hàng ngày ông phải tiếp hàng trăm cuộc điện thoại của khách, tuy nhiên chỉ có một hoặc hai người có đủ điều kiện được vay. Nhiều người có hộ khẩu Bình Dương nhưng qua xác minh nhiều người lại không có thu nhập ổn định. “Họ không có thu nhập thì lấy gì để trả tiền cho mình và khi khách không thể trả tiền thì rất dễ xảy ra những mâu thuẫn. Do vậy, trước khi quyết định cho vay, tôi phải xác minh rất kỹ”, ông L. nói.

Theo luật sư Trần Thái Bình, Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh, đối với trường hợp cho vay nếu vượt quá quy định của pháp luật có thể bị xử lý hình sự. Cụ thể, tại Điều 163 Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi bổ sung năm 2009, quy định về Tội cho vay nặng lãi: Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên, có tính chất chuyên bóc lột thì bị phạt tiền từ một lần đến 10 lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm; phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một đến 5 lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

 Nhiều người mất nhà vì vay vốn tín dụng “đen”

Đối với những người có nhu cầu vay với số tiền lớn, để chắc ăn, bên cho vay thường yêu cầu bên vay phải ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất để làm tin thì mới cho vay. Theo thỏa thuận miệng giữa 2 bên, khi nào bên vay trả xong tiền thì sẽ ra phòng công chứng hủy hợp đồng. Tuy nhiên, khi bên vay không có khả năng thanh toán tiền gốc và lãi suất “trên trời” đúng thời hạn thì bên cho vay đơn phương khởi kiện ra tòa để đòi đất theo như thỏa thuận đã ký trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Giấy trắng, mực đen. Kết quả là có nhiều trường hợp phải ngậm ngùi dọn nhà để trả cho bên cho vay. Đây là một thực tế đã và đang xảy ra, cảnh báo người dân cần hết sức thận trọng khi vay tín dụng “đen”

 NHÂN QUANG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên