Cần xác định công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm là trách nhiệm của toàn xã hội

Cập nhật: 01-06-2018 | 08:55:54

Đó là phát biểu của Thiếu tướng Lê Tấn Tảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an tại Hội thảo tuyên truyền pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm do Tổng cục Cảnh sát tổ chức tại Bình Dương.


Lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh kịp thời phát hiện xử lý một trường hợp đổ chất thải trái phép.
Ảnh: PX15

Môi trường đối mặt với nhiều nguy cơ ô nhiễm

Trong những năm qua, cùng với sự hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng toàn diện và sâu rộng, nền kinh tế nước ta đã đạt được những thành tựu nổi bật và ngày càng khẳng định được vị thế trên trường quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những những kết quả đạt được, chúng ta đang phải đối mặt với thực trạng ô nhiễm, hủy hoại tài nguyên và mất an toàn thực phẩm. Thực tế cho thấy, môi trường tự nhiên nước ta ngày càng xấu đi gây ảnh hưởng tiêu cực, nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống cộng đồng; môi trường nước, không khí bị ô nhiễm ở diện rộng, có nơi ở mức độ trầm trọng.

Tại Bình Dương, thời gian qua, bên cạnh những thành tựu đạt được, trong quá trình phát triển công nghiệp, hội nhập và đổi mới, Bình Dương đã đối mặt với nhiều khó khăn, bất cập, nhất là tình hình, diễn biến phức tạp trên các lĩnh vực về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm và các nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, không khí, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của tỉnh và đời sống của nhân dân. Từ đó đặt ra nhiều thách thức và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự (ANTT).

Trên lĩnh vực công nghiệp, thời gian qua một số nhà đầu tư trong và ngoài nước đã lợi dụng kẽ hở pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của Việt Nam, đã không chú trọng việc đầu tư phát triển hệ thống xử lý nước thải, cố tình vi phạm, thủ đoạn tinh vi, lén lút xả thải trực tiếp ra môi trường… gây ô nhiễm nguồn nước.

Một số doanh nghiệp hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản còn chưa chú trọng bảo vệ môi trường; không có biện pháp hoàn nguyên môi trường, chống xói mòn, rửa trôi, làm ảnh hưởng tới hệ sinh thái và sự đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, một số cá nhân, tổ chức vẫn khai thác khoáng sản trái phép, vi phạm các quy định về bảo vệ tài nguyên, môi trường. Nhiều doanh nghiệp không bố trí đầu tư trong các khu, cụm công nghiệp mà bố trí dọc trên các tuyến sông, suối; đặc biệt là các doanh nghiệp có ngành nghề phát sinh lượng nước thải lớn, chỉ số ô nhiễm cao như sản xuất giấy, dệt nhuộm, thuộc da, chế biến mủ cao su… Hệ thống xử lý đã cũ, không bảo đảm công suất nguồn nước thải phát sinh, một số không có hệ thống xử lý nên việc thu gom nước thải chưa triệt để, nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn thải ra sông, suối gây ô nhiễm.

Tại hội thảo, đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết hiện toàn tỉnh có tổng lượng chất thải rắn phát sinh trên 6.461 tấn/ngày. Trong tỉnh hiện có 45 đơn vị được cơ quan thẩm quyền cấp phép tham gia thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải các loại trên địa bàn tỉnh; trong đó có 14 đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Thực tế việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải công nghiệp và sinh hoạt chỉ đạt khoảng 80% lượng chất thải phát sinh trong ngày, từ đó lượng chất thải rắn phát sinh không được thu gom xử lý trên địa bàn tỉnh hiện nay là khá lớn và đang tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Do đó, một số chủ nguồn thải mang chất thải phát sinh đi chôn, lấp, đổ, đốt trái quy định hoặc chuyển giao cho đơn vị không có chức năng xử lý.

Bất an về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm

Theo cáo báo tại hội thảo, tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời gian qua có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại; hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch theo đường tiểu ngạch vẫn còn tồn tại. Mặt khác, tình hình sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp.

Tại Bình Dương hiện có khoảng 300 trang trại chăn nuôi tập trung và nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng chỉ có 47 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đủ điều kiện hoạt động. Thực tế cho thấy tình trạng sử dụng chất ngoài danh mục cho phép trong chăn nuôi, sản xuất, bảo quản thực phẩm đã tác động không nhỏ đến sức khỏe người tiêu dùng, gây tâm lý hoang mang trong dư luận. Hầu hết đối tượng vi phạm là tiểu thương và những người trực tiếp sản xuất, chăn nuôi các sản phẩm nông thủy sản.

Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết thêm: “Trước tình hình trên, với tinh thần chủ động và quyết tâm đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm về môi trường, bảo đảm ANTT trên địa bàn tỉnh, Đảng ủy, Ban giám đốc Công an tỉnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh triển khai thực nhiều kế hoạch chuyên đề, mở các đợt tấn công, trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm. Trong đó, tập trung vào các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, các ngành nghề, đối tượng có nguy cơ vi phạm cao. Cụ thể, đã tổ chức nhiều đợt cao điểm kiểm tra các doanh nghiệp xả thải chưa qua xử lý dọc các tuyến sông, suối. Phối hợp ngành chức năng các địa bàn giáp ranh tăng cường kiểm tra, xử lý các đối tượng khai thác cát, sỏi trái phép trên các tuyến sông giáp ranh. Tổng điều tra, khảo sát, kiểm tra xử lý tình hình khai thác khoáng sản trái phép khu vực hồ Dầu Tiếng; các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép; phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Kết quả, trong năm 2017 lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh đã phát hiện 476 cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật. Xử lý 420 vụ với tổng số tiền phạt trên 22,3 tỷ đồng; tịch thu tang vật, phương tiện giá trị trên 6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát môi trường toàn tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương chủ động nắm tình hình, trao đổi thông tin và kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tình hình vi phạm về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm từng bước được kiềm chế, góp phần giữ vững ANTT trên địa bàn tỉnh”.

Phát biểu tại Hội thảo tuyên truyền pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, Thiếu tướng Lê Tấn Tảo đề cập đến nhiều nội dung; trong đó có đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Bình Dương cần chấp hành nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên, bảo đảm an toàn thực phẩm. Xác định công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mà là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Chú trọng nghiên cứu, ứng dụng, đầu tư công nghệ trong xử lý ô nhiễm; sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng; ứng dụng và phát triển công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; tham gia các dịch vụ thu gom, tái chế, xử lý chất thải nguy hại và các dịch vụ khác nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường, mất an toàn thực phẩm, góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ hội nhập.

Chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền và lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng Cảnh sát môi trường nói riêng trong công tác phòng ngừa, phát hiện, lên án và đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.

 

TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên