Cảnh báo tình trạng tội phạm cướp tài sản ngày càng trẻ hóa

Cập nhật: 06-07-2017 | 08:48:48

Mới đây, Công an (CA) TX.Dĩ An đã triệt xóa một số băng cướp “nhí”. Để có tiền tiêu xài và “nướng” vào game, ma túy, các đối tượng tập hợp nhau lại để trộm, cướp tài sản và bất chấp hậu quả...

 

 Thông qua các hoạt động vui chơi, tìm hiểu pháp luật trong học sinh sẽ góp phần phòng ngừa tình trạng trẻ hóa tội phạm. Trong ảnh: Phòng Tư pháp và Công an TX.Dĩ An phối hợp tuyên truyền pháp luật cho học sinh trong một buổi sinh hoạt ngoại khóa

 Lập băng nhóm đi cướp tài sản

Trong chuyên án do CA TX.Dĩ An triệt xóa, băng nhóm chuyên cướp tài sản của phụ nữ trên đường vắng, đối tượng cầm đầu là Phạm Ngọc Thiện (SN 2001, quê Cà Mau, tạm trú ở phường Đông Hòa). Mặc dù đang ở độ tuổi thành niên nhưng “dưới trướng” Thiện đã có nhiều đàn em quy tụ. Các đối tượng tham gia nhóm này đều có tuổi đời rất trẻ, không có nghề nghiệp và đều nghiện game, nghiện ma túy. Để có tiền tiêu xài, chúng rủ nhau tìm những phụ nữ trên các tuyến đường vắng có mang theo tài sản giá trị như ví tiền, điện thoại… để ra tay cướp tài sản.

Khi được hỏi lý do tại sao đi cướp tài sản, Lê Kim Phát (SN 2001, ngụ phường Đông Hòa, TX.Dĩ An), khai: “Thấy tụi nó kiếm được nhiều tiền mà không cần phải làm việc vất vả nên em cũng rất ham. Trong khi đó, em lại cần tiền để chơi ma túy với đánh bài. Sau khi bị bắt, em cảm thấy rất hối hận về những việc làm sai trái mình đã làm”.

Theo điều tra của CA TX.Dĩ An, Phát đã cùng với đồng bọn thực hiện trót lọt 9 vụ cướp tài sản. Trước khi vướng vào vòng lao lý, Phát được gia đình tạo điều kiện đi học nhưng lại không thích học. Thay vì ngồi trên ghế nhà trường, Phát ăn ở trong tiệm internet để luyện game. Chán game, Phát bị bạn bè lôi kéo vào con đường nghiện ngập rồi dẫn đến việc đi cướp tài sản. Còn Phạm Đức Tài (SN 1999, quê Sóc Trăng) cũng đã trực tiếp gây ra 8 vụ cướp. Tài khai mới lập gia đình, nhưng Tài lại phó mặc việc lo “cơm áo gạo tiền” cho vợ, còn mình thì la cà với bạn bè trong những cuộc vui ma túy, cờ bạc. Kết quả là Tài phải trả giá đắt cho việc này.

Trước đó, CA TX.Dĩ An cho biết vừa bắt giữ 6 nghi can để điều tra về hành vi “cướp tài sản”. Tất cả các đối tượng này đều sống lang thang. Theo điều tra, để có tiền tiêu xài và chơi game, cả nhóm lên kế hoạch dụ dỗ Đỗ Xuân N. (SN 1993, ngụ TP.HCM) từng là người yêu của Nguyễn Thị Tuyết Huyền lên TX.Dĩ An nhằm tổ chức dàn cảnh cướp tài sản. Khoảng 21 giờ cùng ngày, Huyền được phân công làm con mồi dẫn dụ anh N. đến trước cổng một khu nghĩa trang thuộc KP.Thống Nhất, phường Dĩ An để gặp Huyền. Tại đây, 5 đối tượng còn lại phục sẵn dàn cảnh ghen tuông và đánh anh N. ngất xỉu rồi cướp đi một xe máy hiệu Yamaha Luvias đem bán được 3 triệu đồng chia nhau tiêu xài.

Tượng tự, để có tiền tiêu xài, Nguyễn Thanh Thiện (SN 1998); Nguyễn Thanh Ngân (SN 2001) và Nguyễn Minh Thắng (SN 2000, cùng ngụ huyện Bàu Bàng) cùng nhau bàn kế hoạch cướp tài sản. Cả nhóm rủ nhau lên mạng tìm người rao bán điện thoại rồi vờ hỏi mua để ra tay cướp tài sản. Sau khi biết anh Đỗ Văn V. (ngụ TX.Thuận An) đang rao bán điện thoại iPhone 7, chúng rủ nhau giả vờ mua để cướp. Sau nhiều lần hẹn anh V. ra ngoài không được, chúng trực tiếp tới nhà anh V. để cướp. Kế hoạch không thành, Thiện, Ngân và Thắng phải trả giá cho hành vi sai trái của bản thân.

Cần sự quan tâm của gia đình và xã hội

Từ các vụ việc trên có thể thấy rằng tình trạng trẻ hóa tội phạm, nhất là tội phạm cướp tài sản là thực tế đáng báo động. Lý do mà các đối tượng đưa ra khi đi cướp đơn giản chỉ là thiếu tiền tiêu xài, cần tiền nên đi cướp... Mặc dù các đối tượng ý thức được hành vi là sai trái nhưng vì bốc đồng, bị rủ rê, xúi giục, muốn hưởng thụ và bất chấp hậu quả như thế nào. Theo các chuyên gia tâm lý, tâm lý của tuổi vị thành niên cũng là một nguyên nhân quan trọng. Tuổi này đang phát triển về tâm sinh lý và nhân cách, còn non nớt về nhận thức nên dễ bị tác động từ môi trường sống. Do đó, khi không được gia đình, nhà trường quan tâm giáo dục, dạy dỗ sẽ dẫn tới dễ bị lôi kéo, lợi dụng để phạm tội. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã khiến một bộ phận giới trẻ lâm vào tình trạng sống ảo, nhận thức lệch lạc về giá trị cuộc sống, bị lôi cuốn vào các trò chơi thiếu lành mạnh, bạo lực, nhận thức về hành vi pháp luật kém. Hậu quả là họ sẵn sàng làm mọi việc để có thể thỏa mãn các nhu cầu của bản thân, bất chấp nhu cầu đó có chính đáng hay không, việc làm của mình có phạm pháp hay không. Đây là một thực trạng đáng báo động đối với các gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Thiết nghĩ, để nhận biết và phòng ngừa tội phạm ở độ tuổi này, vai trò của gia đình, nhà trường, các tổ chức đoàn thể xã hội là yếu tố quan trọng. Đặc biệt, không nên quá nuông chiều về vật chất cũng như tinh thần; đồng thời cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật trong nhà trường, xã hội, đặc biệt đối với giới trẻ. Bên cạnh đó, các cơ quan an ninh, cơ quan bảo vệ pháp luật cần tiếp tục tăng cường hơn nữa các biện pháp nghiệp vụ trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, trấn áp tội phạm nhằm bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.

 NGUYỄN HẬU 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên