Cảnh giác loại virus cúm mới

Cập nhật: 04-05-2013 | 00:00:00

Trung Quốc là quốc gia đầu tiên ghi nhận có sự lây nhiễm cúm A (H7N9) từ gia cầm sang người. Tại nước ta, may mắn là ở thời điểm này vẫn chưa phát hiện ca bệnh cúm A (H7N9) trên người cũng như gia cầm. Tuy nhiên, chúng ta cần trang bị một số kiến thức tối thiểu để phòng ngừa, bởi không có gì để khẳng định rằng cúm A (H7N9) sẽ không trở thành đại dịch, trong khi ngay cả đội ngũ cán bộ y tế cũng còn nhiều người rất mơ hồ đối với dịch bệnh này.

Nhiều phân nhóm

Điều đầu tiên, chúng ta cần biết về nhóm virus cúm A/H7. Đây là nhóm virus cúm thường lưu hành ở chim và gồm nhiều phân nhóm, trong đó có H7N9. Từ năm 1996 đến 2012, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đã có các ca nhiễm phân nhóm khác của virus cúm A/H7 (H7N2, H7N3 và H7N7) ở người ghi nhận tại Hà Lan, Ý, Canada, Mỹ, Mêhicô và Vương quốc Anh. Tuy nhiên, ngoài một trường hợp tử vong ở Hà Lan, các ca nhiễm chủ yếu chỉ gây triệu chứng đau mắt đỏ và viêm đường hô hấp trên nhẹ. Riêng phân nhóm H7N9 thì thế giới chưa ghi nhận nhiễm ở người cho tới lúc có những báo cáo gần đây từ Trung Quốc.

 Một bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ở nước ta gần đây đã ghi nhận có các ca nhiễm virus cúm gia cầm (H1N1 và H5N1) trên người và cũng có những ca tử vong. Cả H7N9, H1N1 và H5N1 đều là virus cúm A, song chúng hoàn toàn khác biệt. H7N9 và H5N1 được coi là virus gây bệnh cúm ở động vật và đôi khi gây bệnh cho người. H1N1 thì có thể phân chia thành những loại thường gây bệnh cho người và những loại thường gây bệnh ở động vật.

Lo ngại khả năng tái tổ hợp

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, virus cúm A H5N1 và H7N9 gây tử vong cao trong khi H1N1 lây lan nhanh nhưng không gây tử vong cao, nếu các chủng virus này tái tổ hợp sẽ tạo ra một loại virus mới vừa có đặc tính lây lan nhanh lại gây tử vong cao thì cực kỳ nguy hiểm. PGS-TS Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nhận định H7N9 xuất hiện ở Trung Quốc cùng lúc với việc H5N1 trở lại trên người cộng thêm sự lưu hành của cúm thường H1N1 là rất đáng lo ngại về khả năng tái tổ hợp giữa H1N1, H7N9, H5N1.

“Nếu điều này xảy ra thì con người phải đối diện với một loại virus mới nguy hiểm gấp bội, lây lan nhanh như dịch SARS”, ông Huấn phân tích.

Phòng ngừa là chính

Các chuyên gia y tế dự phòng khuyên công chúng phòng ngừa nhiễm cúm A (H7N9) bằng cách: rửa tay trước, trong và sau khi chuẩn bị thực phẩm; trước khi ăn; sau khi đi vệ sinh; sau khi tiếp xúc với động vật hoặc chất thải của động vật; trước và sau khi chăm sóc cho người thân bị ốm…; Che miệng và mũi bằng khẩu trang y tế khi hắt hơi hoặc ho; bỏ giấy ăn vào thùng rác ngay sau khi dùng; không nên ăn thịt động vật bệnh hoặc chết vì mắc bệnh...; Khi đến các khu chợ bán động vật, cần tránh tiếp xúc trực tiếp với động vật sống.

 

TS-BS LÊ TRUNG ĐỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên