Cảnh giác với trái cây “đội lốt”!

Cập nhật: 17-09-2014 | 08:09:40

Mỗi đêm, chỉ riêng tại chợ đầu mối Thủ Đức (TP.HCM) đã có hàng trăm tấn trái cây Trung Quốc nhập chợ, sau đó phân phối đi các chợ nhỏ và các tỉnh, thành. Tuy nhiên, có một điều lạ là cho dù số lượng trái cây Trung Quốc nhập về chợ lớn như vậy, nhưng trên thị trường bán lẻ, người tiêu dùng chỉ thấy bày bán toàn trái cây Mỹ, Nhật, châu Âu. Vậy trái cây Trung Quốc đi đâu? Xin trả lời ngay rằng, các loại trái cây đang bày bán trên thị trường có xuất xứ từ Trung Quốc đã được tiểu thương “hô biến” thành trái cây Mỹ, Nhật, New Zealand.

 Trái cây Trung Quốc giá rẻ một thời được người tiêu dùng ưa chuộng nay đã không còn chỗ đứng trên thị trường, bị người tiêu dùng tẩy chay vì chứa nhiều chất độc hại. Tuy vậy, nhìn vào con số thống kê của ngành chức năng, lượng trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn không giảm, mà ngược lại còn có xu hướng tăng ở một số chủng loại. Đơn cử như táo, cam, nho có xuất xứ từ Trung Quốc luôn chiếm từ 60 - 80% tổng lượng nhập khẩu. Năm 2013, táo là mặt hàng trái cây nhập khẩu có số lượng lớn nhất với hơn 72.000 tấn, trong đó 53.000 tấn có xuất xứ từ Trung Quốc, chiếm 75% tổng lượng táo nhập khẩu. Mặt hàng cam có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm 88% tổng lượng cam nhập về. Còn trong 8 tháng đầu năm 2014, lượng táo nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tới 57% tổng lượng táo nhập khẩu. Mặt hàng nho Trung Quốc chiếm xấp xỉ 50% tổng lượng nho nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm.

Chỉ cần nhìn vào số lượng nhập khẩu các chủng loại trái cây nói trên đã dễ dàng nhận thấy, đa số trái cây nhập khẩu được bày bán trên thị trường hiện nay đều là hàng Trung Quốc. Trong khi đó, hầu hết người tiêu dùng khi được hỏi đều trả lời rằng họ không muốn mua trái cây Trung Quốc vì có chứa chất độc hại. Đứng ở góc độ kinh doanh, đây là điều hoàn toàn trái ngược với quy luật cung cầu của thị trường. Sở dĩ trái cây Trung Quốc vẫn được tiêu thụ mạnh là do nhà nhập khẩu và cả tiểu thương đã lợi dụng sự cả tin của người tiêu dùng để “treo đầu dê, bán thịt chó”! Đây là hành vi lừa đảo, xâm hại đến quyền lợi của người tiêu dùng, đi ngược lại những quy định của pháp luật và cần nghiêm trị.

Với thông tin “trái cây Trung Quốc để 5 tháng không hư” đủ cho thấy nồng độ của chất bảo quản tồn dư trong các loại trái cây có xuất xứ từ Trung Quốc. Do vậy, nếu không muốn đưa thêm những chất bảo quản độc hại vào cơ thể thì hãy là người tiêu dùng thông minh khi chọn mua các loại trái cây đang bày bán trên thị trường. Sử dụng trái cây Việt Nam vẫn là cách khôn ngoan nhất mà người tiêu dùng nên lựa chọn. Bên cạnh việc giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm làm ra, sử dụng trái cây Việt Nam người tiêu dùng còn trực tiếp thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam” và cũng là cách để thể hiện lòng yêu nước.

 LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên