Cảnh giác với trẻ em trước trò chơi game bạo lực tại các khu vui chơi

Cập nhật: 28-07-2015 | 08:59:21

Tại một số điểm vui chơi dành cho trẻ em đã xuất hiện các loại trò chơi game bạo lực như bắn súng, đánh nhau... rất đáng báo động. Phụ huynh cần hết sức cảnh giác khi cho con em mình đến giải trí tại các khu vui chơi.


Trẻ em đang chơi game bạo lực

Trẻ em thích game bạo lực

Chỉ với 35.000 đồng, các em nhỏ đã có 1 vé tha hồ chọn lựa game mà mình yêu thích. Ghi nhận của chúng tôi tại các khu vui chơi, ngoài việc được trang bị những trò chơi lành mạnh như: Tô tượng, hát karaoke, xếp hình… thì ở đó cũng xuất hiện thêm nhiều máy bắn súng, boxing, các game đánh nhau, chém giết được cài sẵn trong máy tính. Tuy nhiên, các em lại bị cuốn hút rất lớn bởi các trò chơi bạo lực mới xuất hiện.

Tại khu vui chơi ở một siêu thị, hàng ngày nơi đây đón tiếp rất đông khách, trong đó đa phần là các em trong độ tuổi thiếu nhi, thiếu niên. Qua quan sát, có một số em được ba mẹ đưa đến đây nhưng chơi một mình, không có sự giám sát của phụ huynh. Khi được hỏi: Con đi cùng ai? Bé Bảo Duy (6 tuổi, ở TP.TDM) thản nhiên trả lời: “Con đi cùng ông ngoại nhưng ông ngoại về rồi”.

Tiếp tục quan sát, bên cạnh tôi là một bé gái đang la rất lớn “bắn chết nó đi”, bé trai ngồi bên cạnh cũng gân cổ lên “ ha ha, chảy máu rồi, sắp “toi” rồi mà”. Tiếng bụp uỵch vang lên của các nhân vật game đang máu me đầy mình với nhiều thương tích, trong khi đó những em nhỏ bên cạnh cũng phát âm ra những lời nói đầy dữ tợn, tục tằn oằn mình theo những màn hình có nhân vật đang chém giết, sát phạt lẫn nhau. “Nhiều bạn nữ cũng thích game này lắm cô ạ, chém nhau sướng lắm, chơi một lần là mê luôn”, bé My (8 tuổi) cho biết.

Theo một số nhân viên phụ trách tại các khu vui chơi, trong dịp hè này, lượng trẻ em gửi tại các khu vui chơi tăng hơn bình thường, nhất là trong các ngày thứ bảy, chủ nhật. Các em được cha mẹ đưa vào đây để vui chơi. Rất hiếm mới thấy phụ huynh đến chơi cùng với con. Nếu có chỉ chơi một lúc, rồi cũng quay ra ngoài đi mua sắm. Có một số phụ huynh thường hay bận việc nên đưa con vào đây, khi nào xong công việc thì quay lại đón. Đây cũng là “lỗ hổng” để trẻ em tha hồ chọn những trò chơi mang tính bạo lực.

Phụ huynh cần cảnh giác

ThS.BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP.HCM cho biết, trò chơi mang tính bạo lực ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách ở trẻ em nếu như trẻ không được người lớn hướng dẫn để biết hành động nào đúng, hành động nào sai. “Nguy hiểm nhất vào thời buổi này là trò chơi ảo. Trẻ chỉ ngồi trước máy tính, người lớn nhiều khi không biết trẻ đang chơi gì. Nhưng khi đã nghiện game, với những hình ảnh bạo lực liên tục tác động lên thế giới ảo, nó sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với trẻ. Chúng ta đều biết nghiện game rất nguy hiểm và nghiện game bạo lực càng nguy hiểm hơn, nhất là khi trẻ bắt đầu thay đổi tính nết, dễ bị kích động hay gây hấn… Đó là lúc cha mẹ cần xem lại các trò chơi của trẻ”, ThS.BS Nguyễn Ngọc Quang nói.

Có thể thấy rằng, hiện tượng game bạo lực tại các khu vui chơi đã không còn hiếm trên địa bàn tỉnh, nhất là trong dịp hè này, thời gian các em chơi game là không ít. Chính vì vậy, hiện nay có rất nhiều trẻ vị thành niên đã mắc phải bệnh trầm cảm, nhiều em cảm thấy mình bị lạc lõng và bị bỏ rơi nên lao vào con đường nghiện game bạo lực, các trò chơi điện tử với mục đích tìm cảm giác lạ và niềm vui mới.

Việc nghiện game bạo lực tỏ ra ngày càng nguy hiểm. Những thái độ, phát ngôn của trẻ cho thấy tác hại của nó là không lường hết được, những hành động bạo lực đã trở nên trơ lì, khó kiểm soát. Trong thực tế đã có học sinh bị đột tử và tâm thần, một số học sinh học hành sa sút cũng vì game… bạo lực. Do vậy, các phụ huynh cần cảnh giác cao độ.

HUỲNH THỦY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên