Cảnh sát PC&CC tỉnh Bình Dương: Hướng dẫn xử trí khi phát hiện sự cố cháy, nổ

Cập nhật: 04-05-2016 | 07:53:06

Đang là cao điểm mùa nắng hạn, nhiệt độ ngoài trời vào buổi trưa và chiều lên khá cao, nhiều người thường tránh nắng bằng cách vào các siêu thị, trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim hoặc tìm đến quán cà phê có máy lạnh để nghỉ ngơi… Dù đã được trang bị hệ thống phòng cháy và chữa cháy (PC&CC) theo quy định nhưng hiện nay, tại những nơi tập trung đông người nguy cơ cháy nổ do bất cẩn, sự cố kỹ thuật vẫn có thể xảy ra, trong đó có thể kể đến là sự quá tải của hệ thống “giải nhiệt” do phải làm việc liên tục, kéo dài, hết công suất. Để biết cách xử trí nếu không may có mặt nơi xảy ra sự cố, Cảnh sát PC&CC tỉnh Bình Dương có bài hướng dẫn kỹ năng tồn tại, thoát hiểm trong đám cháy nơi đông người.

Theo đó, khi phát hiện sự cố cháy, nổ, chúng ta phải hết sức bình tĩnh và biết cách xử trí trong các tình huống. Cụ thể, đối với đám cháy nhỏ, chúng ta cần nhanh chóng tìm kiếm các dụng cụ chữa cháy được trang bị tại chỗ như bình chữa cháy xách tay hoặc vật dụng thô sơ như cát, nước, chăn màn, bao bố nhúng nước…. trùm lên đám cháy để dập tắt, khống chế, không cho đám cháy phát triển lớn. Đối với đám cháy quá lớn, không thể dập tắt, cần bình tĩnh, nhanh chóng tìm cách thoát hiểm, tránh hoảng loạn, giẫm đạp lên nhau. Vì khi chúng ta di chuyển nhanh làm cho không khí có điều kiện “di chuyển” sẽ “dẫn đường” cho đám cháy phát triển.

Trong quá trình thoát hiểm có thể còn nhiều người đang sinh hoạt trong các phòng kín chưa hay biết, chúng ta cần thông báo cho mọi người xung quanh biết bằng phương pháp hô to, bấm chuông báo cháy, báo động hoặc gõ cửa các phòng, căn hộ xung quanh. Bên cạnh đó, sử dụng mọi phương tiện thông tin liên lạc nếu có. Chẳng hạn, thiết bị di động để gọi ngay cho lực lượng Cảnh sát PC&CC theo số 114 hoặc mã vùng +114.

Lưu ý, trong quá trình thoát nạn tuyệt đối không được sử dụng thang máy. Vì khi có cháy hệ thống điện lập tức bị cắt, chúng ta sẽ bị kẹt trong thang máy. Hãy di chuyển và tìm theo biển báo thoát hiểm “EXIT” được thiết kế sẵn trong tòa nhà. Lối thoát nạn mà chúng ta nên sử dụng đó chính là thang bộ.

huong-dan-su-dung-binh-chua-chay

Cán bộ Phòng Cảnh sát PC&CC số 1 (TP.Thủ Dầu Một) hướng dẫn đại diện một cơ sở kinh doanh tại TP.Thủ Dầu Một sử dụng phương tiện PCCC để dập tắt đám cháy khi vừa mới phát cháy

Xử trí khi lối thoát hiểm bị bao trùm bởi khói, khí độc

Chúng ta cần nhanh chóng tìm các thiết bị bảo hộ an toàn như mặt nạ phòng độc cá nhân (nếu có) hoặc sử dụng mọi vật chất xung quanh để tự bảo vệ mắt, cơ quan hô hấp, chống ngạt khói như khăn tay, mảnh vải, quần áo có chất liệu cotton... nhúng ướt rồi trùm lên mặt để tìm cách di chuyển đến nơi an toàn. Khi thực hiện di chuyển thoát nạn, chúng ta cần hạ thấp người để tránh khói khí độc và quan sát được lối di chuyển; đồng thời di chuyển sát theo mép tường, dùng tay sờ vào một bên tường để tìm đường thoát. Nếu cảm thấy nóng, tức bên ngoài có lửa cháy thì phải tìm hướng di chuyển khác.

Trong trường hợp bị cay mắt do khói không quan sát được, chúng ta cần dùng chân đưa ra trước để dò đường.

Xử trí trường hợp đang ở trong phòng, lối thoát hiểm bị bao trùm bởi lửa, khói khí độc không thể thoát nạn

Nếu phải mở cửa để thoát hiểm thì chúng ta nhớ phải kiểm tra cửa trước khi mở bằng cách chạm nhẹ vào cánh cửa hoặc nắm khóa để kiểm tra nhiệt độ bị ảnh hưởng do cháy, sau đó mở từ từ cánh cửa ra để quan sát. Nếu thấy nóng, lửa và khói thì không nên thoát theo đường đó và phải đóng chặt cửa lại để khói, khí độc không ùa vào.

Để ngăn không cho khói, khí độc, lửa tràn vào phòng hoặc đám cháy bên ngoài sẽ hút hết khí oxy trong phòng qua các khe cửa, chúng ta cần dùng mọi vật liệu xung quanh như giẻ, vải, màn cửa, gối… thấm ướt nước rồi chèn kín vào các khe cửa. Sau đó nhanh chóng tìm cách thoát ra chỗ thoáng như ban công, sân thượng… dùng các thiết bị thoát hiểm như thang dây, thang móc… để di chuyển xuống mặt đất hoặc xuống dưới tầng đang bị cháy rồi từ đó di chuyển đến nơi an toàn. Tuyệt đối không được nhảy qua cửa sổ, ban công nhà cao tầng xuống, trừ trường hợp tầng thấp và có đệm phía dưới và có người hướng dẫn.

Với trường hợp quá khẩn cấp, không có các thiết bị thoát hiểm, chúng ta có thể sử dụng cuộn vòi chữa cháy hoặc bện vải, quần áo lại thành sợi to, chắc chắn để có thể cột vào cấu kiện xây dựng, lan can nhà và đu từ từ xuống. Trường hợp không thể thoát ra ngoài, xuống dưới thì đứng ra ban công, cửa sổ nơi dễ nhìn thấy dùng những vật dụng có màu sắc thu hút vẫy, hô to để báo động cho lực lượng cứu hộ.

Khi phát hiện sự cố cháy, nổ, có người bị mắc kẹt trong đám cháy…, chúng ta cần gọi ngay cho Cảnh sát PC&CC số điện thoại 114 để được giúp đỡ.

DUY CHÍ 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên