Cao su và bài học phụ thuộc thị trường!

Cập nhật: 02-07-2014 | 10:10:49

Liên tiếp trong những ngày gần đây, thông tin nông dân nhiều nơi trong cả nước chặt bỏ vườn cao su để đầu tư phát triển cây trồng khác thực sự “gây sốc” đối với nhiều người. Phải chăng loại cây trồng này đã hết thời sau những năm tháng được mệnh danh là “vàng trắng”? Câu trả lời được các nhà kinh tế đưa ra khẳng định rằng, cao su vẫn là cây có giá trị kinh tế cao bởi thị trường luôn cần với số lượng mủ tiêu thụ khá lớn trên toàn thế giới. Vậy thì nguyên do nào giá mủ cao su sụt giảm thê thảm và chưa có điểm dừng trong suốt thời gian qua, đến nỗi người dân phải phá bỏ loại cây trồng này?

 Giá mủ xuống thấp, người trồng cao su điêu đứng bởi thu hoạch không đủ để duy trì vườn cây đã buộc họ phải chặt bỏ thay bằng cây trồng khác là thực tế đau lòng. Và, bài học được rút ra ngay tức thì đó là do thị trường mủ cao su của Việt Nam chủ yếu là Trung Quốc. Tiêu thụ mủ cao su, từ tiểu ngạch đến chính ngạch đều thông qua thị trường này. Lẽ đương nhiên khi thị trường Trung Quốc bị “ách tắc” bởi bất cứ lý do gì, mủ cao su ứ động, giá giảm sâu là điều không thể tránh khỏi. Khổ nỗi, với những doanh nghiệp cao su lớn, giàu tiềm lực để duy trì vườn cây nhằm chờ đợi tìm kiếm thị trường mới thay thế thì vẫn có thể tồn tại và phát triển. Nhưng với nông dân làm cao su tiểu điền, vốn liếng yếu không đủ sức chịu đựng “giông bão” khi thị trường “hắt hơi, sổ mũi” thì sự phá bỏ vườn cây gần như là điều tất yếu nếu không muốn kéo dài sự thua lỗ!

Nói chuyện cao su với bài học đau đớn khi quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, đồng thời cũng là bài học cho nhiều ngành hàng kinh tế khác, đặc biệt là nông sản. Nhiều loại rau quả khác của Việt Nam cũng phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc như thanh long, xoài, nhãn, chuối, dừa và dứa. Theo Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT), rau quả của Việt Nam xuất đi trên 40 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, Trung Quốc là thị trường lớn nhất, chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước.

Thực tế có nhiều loại rau quả của nông dân Việt Nam đi vào thị trường Trung Quốc chủ yếu bằng con đường tiểu ngạch, con đường mà các chuyên gia khuyến cáo là tiềm ẩn nhiều rủi ro, thường xuyên biến động về mặt giá cả ngay cả khi quan hệ hai nước trong giai đoạn “đầm ấm” nhất. Và, việc dưa hấu, thanh long, dứa của nông dân Việt ứ đọng tại các cửa khẩu phía bắc thời gian qua cần phải “khắc ghi” để tìm cách phá bỏ sự lệ thuộc vào thị trường này.

Xây dựng chiến lược tìm kiếm, mở rộng thị trường mới đối với tất cả các ngành hàng là việc phải làm. Trong bối cảnh hiện tại, khi có quá nhiều ngành hàng của Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc là điều “cực kỳ nguy hiểm” không chỉ riêng cho nền kinh tế. Phá bỏ sự phụ thuộc một thị trường, lời giải cho bài toán này hẳn nhiên mang tầm vĩ mô, đòi hỏi các bộ ngành liên quan, các tập đoàn kinh tế mạnh cùng chung tay vào cuộc một cách nhanh chóng nhất.

CẢNH HƯỞNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=428
Quay lên trên