Cấp bách ngăn chặn dịch tả heo châu Phi

Cập nhật: 15-05-2019 | 08:19:59

Trước việc 2 tỉnh lân cận là Đồng Nai, Bình Phước đã xảy ra dịch tả heo châu Phi, các cơ sở chăn nuôi heo, chốt kiểm soát động vật trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa bàn giáp ranh, đã và đang thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng ngừa.

Bắc Tân Uyên: Chốt chặn 24/24 giờ

Ông Thái Minh Hoàng, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Bắc Tân Uyên, cho biết là địa bàn giáp 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Phước, công tác chốt chặn, ngăn ngừa bệnh dịch tả heo châu Phi đã được lãnh đạo huyện chỉ đạo quyết liệt. Tại điểm Chốt kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời cầu Thủ Biên (ấp 1, xã Thường Tân), lực lượng chức năng túc trực 24/24 giờ để kiểm tra, ngăn chặn các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không đúng quy định từ Đồng Nai và các tỉnh lân cận vào địa bàn huyện.

Lực lượng chức năng xử lý một trường hợp vận chuyển thịt heo trái phép tại điểm kiểm dịch ở phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên. Ảnh: TIỂU MY

Để đối phó với dịch tả heo châu Phi, hàng ngày anh Đặng Hữu Đức, ngụ xã Phước Sang, huyện Phú Giáo phải phun xịt, rải vôi từ 4 - 5 lần, tùy thời điểm. Ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Hiện đàn heo trong toàn huyện có trên 66.500 con. Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã triển khai đến UBND các xã, thị trấn thống nhất địa điểm chôn lấp khi dịch bệnh xảy ra, công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh. Đến nay 10 xã, thị trấn trong huyện đều có địa điểm chôn lấp. Các ngành chức năng cũng phối hợp với Đài Truyền thanh huyện tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch, Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND ngày 17-5-2018 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Đơn vị cũng đã dự trù những diễn biến xấu có thể xảy ra trên địa bàn; chuẩn bị đầy đủ hóa chất, vật tư các loại để xử lý kịp thời nếu xảy ra dịch...

TX.Tân Uyên: Giám sát chặt nơi buôn bán, giết mổ heo

Thông tin từ Trạm Chăn nuôi và Thú y TX.Tân Uyên cho biết trạm đã rà soát, thống kê tổng đàn heo cụ thể theo số trại, số hộ chăn nuôi của địa phương để có số liệu ước tính chính xác kinh phí hành động ứng phó, xử lý tiêu hủy và kiểm soát kịp thời khi dịch tả heo châu Phi xảy ra. Hiện trạm đã ký hợp đồng với Công ty xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương để xử lý, tiêu hủy trong trường hợp xảy ra dịch bệnh.

Ông Trần Thanh Phong, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y TX.Tân Uyên, cho hay những ngày qua đơn vị đã phối hợp với Đài truyền thanh thị xã và các xã, phường tăng cường tuyên truyền để người dân biết về tính nguy hiểm của bệnh dịch tả heo châu Phi và không tham gia vào hoạt động, vận chuyển, buôn bán heo, sản phẩm heo không rõ nguồn gốc. Cùng với đó, đơn vị đã phối hợp với Đội kiểm tra liên ngành thị xã, Tổ kiểm tra liên ngành xã, phường tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; kịp thời tiêu hủy heo, sản phẩm heo vận chuyển trái phép.

Ngành thú y địa phương đã chỉ đạo cán bộ thú y giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ và sau mỗi ca giết mổ heo. Cùng với đó, Trạm Chăn nuôi và Thú y kiến nghị UBND thị xã chỉ đạo các xã, phường phối hợp với trạm dự trù nơi tiêu hủy, chôn, đốt heo và sản phẩm heo khi cần thiết. Trạm còn xây dựng phương án đóng cửa chợ, cơ sở giết mổ, nơi buôn bán heo, các sản phẩm của heo và xử lý kịp thời khi phát hiện bệnh dịch tả heo châu Phi...

TX.Dĩ An: Kiểm soát chặt nguồn gốc gia súc

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống bệnh dịch và có những phương án khi bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra, ngay từ tháng 3-2019, Trạm Chăn nuôi và Thú y TX.Dĩ An đã triển khai Kế hoạch số 26/ KH-TCNTY nhằm ngăn chặn không cho bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhập vào địa bàn thị xã.

Bên cạnh đó, trạm đã thực hiện phân công nhiệm vụ ban thú y và các cộng tác viên tại các phường nắm sát tình hình dịch bệnh và báo cáo thường xuyên cho trạm; khi heo có dấu hiệu chết bất thường hoặc có đặc điểm của bệnh dịch tả heo châu Phi thì báo ngay cho trạm để có hướng xử lý kịp thời; cùng với đó tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc gia súc nhập vào các lò giết mổ…

Thời điểm này, cán bộ thú y thị xã được phân công ca kiểm dịch tại các lò giết mổ heo từ 7 giờ 30 phút sáng đến 11 giờ trưa; kiểm soát giết mổ từ 12 giờ 30 phút đến 14 giờ chiều, sau đó thực hiện kiểm dịch nhập mới vào từ 14 giờ 30 phút chiếu đến 21 giờ tối… Hiện trên địa bàn thị xã có 3 lò giết mổ gia súc.

Ông Phạm Văn Hảo, chủ lò giết mổ ở phường Tân Bình, cho hay để phòng ngừa dịch bệnh và thực hiện vệ sinh khu giết mổ, khu tập kết, hàng ngày ông thường xuyên vệ sinh tiêu độc, rửa đàn heo khi được tập kết vào cơ sở và phương tiện vận chuyển. Cơ sở thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy trình kiểm tra của Trạm Chăn nuôi và Thú y.

Theo báo cáo, từ tháng 4 đến 10-5-2019, có 19.890 heo thịt từ Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và trong tỉnh nhập vào lò giết mổ tập trung ở TX.Dĩ An. Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã đã báo cáo Chi cục Chăn nuôi, Thú ý và Thủy sản tỉnh hàng ngày số lượng heo và nguồn gốc từ những tỉnh đang có dịch tả heo châu Phi nhập vào lò. Trạm cũng tăng cường nắm tình hình, xử lý dứt điểm những điểm giết mổ heo trái phép, không có nguồn gốc.

Phú Giáo: Phòng ngừa dịch bệnh còn gặp khó

Ngồi đếm xe chở heo từ Bình Phước chạy trên tuyến đường Bờ Kênh, xã Phước Sang qua trại heo nhà mình, anh Đặng Hữu Đức, ngụ xã Phước Sang, cho biết mỗi ngày có hàng chục lượt xe chở heo từ Bình Phước đi qua đường này. Với tình hình này, rất mong các cấp, các ngành vào cuộc quyết liệt để bảo vệ đàn heo cho người dân. Anh Đức còn cho chúng tôi xem lại dữ liệu camera quan sát được đặt tại trang trại, chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ ghi nhận có 4 xe chở heo từ Bình Phước chạy qua tuyến đường Bờ Kênh, ngang qua trại heo nhà anh.

Ông Trần Minh Đức, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Giáo, cho hay dù đã chủ động trong công tác phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi nhưng hiện nay, đường ĐT741 qua địa bàn huyện đã bỏ hết các chốt kiểm dịch động vật đối với phương tiện vận chuyển đi qua tuyến đường này đã gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động kiểm soát dịch bệnh từ các xe chở động vật đi qua địa bàn. Trạm đã kiến nghị Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh và tham mưu UBND huyện cho hoạt động lại chốt kiểm dịch động vật cầu Phước Hòa và lập các chốt kiểm dịch tạm thời trên đường ĐT741 đi qua địa bàn huyện để kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua địa bàn huyện.

Mặc dù vậy, việc lập chốt chỉ giải quyết được một phần những xe qua đường ĐT741, trong khi tại huyện Phú Giáo hiện có 8 cửa ngõ giáp ranh 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Phước. Bên cạnh đó, trạm đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo lực lượng liên ngành của Ban chỉ đạo 389 huyện tăng cường tuần tra, kiểm soát xe chở động vật ra vào các cửa ngõ nói trên...

Rạng sáng 14-5, Đội kiểm tra liên ngành tỉnh đã kiểm tra, xử lý 15 trường hợp vận chuyển thịt heo từ Đồng Nai sang Bình Dương không đúng quy định (không dấu kiểm soát giết mổ, không giấy chứng nhận kiểm dịch, phương tiện vận chuyển không bảo đảm) tại chốt tạm thời ở phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên. Lực lượng đã tiêu hủy 1.650kg thịt heo, xử phạt hành chính 4 trường hợp với số tiền 6 triệu đồng.
MY PHAN
Nguy cơ xảy ra dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh rất cao
Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, cho biết nguy cơ xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh hiện rất cao. Nguyên nhân là do Bình Dương có số lượng đàn heo lớn, có Quốc lộ 13 đi qua với nhiều phương tiện vận chuyển hàng hóa, động vật từ các tỉnh Tây nguyên, Bình Phước, đồng thời giáp ranh Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh - nơi có hoạt động thương mại, chăn nuôi, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ heo và sản phẩm của heo lớn.
Bên cạnh đó, tại một số địa phương trong tỉnh vẫn còn tình trạng người dân chăn nuôi heo trong khu vực không được quy hoạch, sử dụng thức ăn thừa từ các bếp ăn công nghiệp, các quán ăn để chăn nuôi heo. Đây là một trong những nguồn lây nhiễm mầm bệnh lớn. Cùng với đó, hiện các thương lái có nhu cầu “bán chạy” heo từ các tỉnh đã xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi và các tỉnh có nguy cơ dịch bệnh cao vào Bình Dương. Đồng thời, nơi phát hiện xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi ở tỉnh Bình Phước là địa bàn giáp ranh với huyện Phú Giáo của Bình Dương.
TIỂU MY (ghi)

TIỂU MY - PHƯƠNG AN - HOÀI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên