Câu chuyện của “Ký ức chiến tranh”...

Cập nhật: 22-12-2017 | 08:17:17

...Cũng vào dịp này của mùa xuân năm trước, trong một lần về làm phim tại Ngã ba Đồng Lộc - Hà Tĩnh, tôi tình cờ đọc được cuốn hồi ký mang tên “Ký ức chiến tranh” của cựu chiến binh Vương Khả Sơn - người lính một thời trận mạc can trường của Trung đoàn 271. Hơn 200 trang viết kể về những câu chuyện thời binh lửa đầy ám ảnh, lay động tâm hồn độc giả. Gấp lại trang sách, tôi dặn lòng, sẽ có một ngày gặp người cựu binh này mới thỏa tấm lòng. Thế rồi thật bất ngờ, không hẹn mà chúng tôi đã gặp nhau tại Bình Dương - Vương Khả Sơn trở lại chiến trường xưa và thăm trung đoàn đang đóng quân tại huyện Phú Giáo.

 Cựu chiến binh Vương Khả Sơn

 Thật khó hình dung, người đang đối diện với tôi - năm xưa là một chiến binh rất dũng cảm. Ông Sơn ngoài đời trông nho nhã, dáng người nhỏ, da trắng, bộ quân phục màu xanh lấp lánh huy chương nhưng đôi mắt thì toát lên ánh nhìn như thắp lửa đầy tự tin trò chuyện. Nay đã bước qua tuổi 60, ông vẫn còn phong độ lắm. Phẩm chất người lính bao giờ cũng tỏa sáng. Sau chiến tranh trở về, giữa bộn bề khó khăn ông vẫn tiếp tục con đường bút nghiên thi vào khoa văn Đại học Sư phạm Vinh. Ra trường với tấm bằng tốt nghiệp loại ưu, từ đó trở thành thầy giáo cấp 3 ở quê nhà. Đời lính đã anh dũng, đời thường lại anh hùng! Gặp nhau lần đầu vội vã nhưng tôi thầm thán phục và rất kính trọng ông.

Năm 1972, giữa chiến trường ác liệt, có một chiến sĩ thuộc đơn vị của ông, trước lúc hy sinh trong ba lô có một cuốn sổ ghi những vần thơ: Từ buổi con lên đường, xa mẹ/ Theo anh em sang Lào rồi dấn bước vào Trung/ Non cao, núi biếc chập chùng/ Sớm nắng biển chiều mưa nguồn gian khổ/ Tuổi đôi mươi cuộc đời như hoa nở/ Vì hòa bình đâu ngại bước gian nguy… Những câu thơ như xoáy vào gan ruột người lính ngày ấy. Nó lay thức tâm can, gợi lên nỗi nhớ nhà da diết, nhớ quê hương đến nao lòng. Ông Sơn nhớ lại, hồi đó không ai dám đọc những vần thơ này vì sợ “dao động” lập trường. Nhưng đó mới là hiện thực khốc liệt của chiến tranh.

Có cuốn sách nào viết về chiến tranh mà không buồn! Hẳn độc giả đã từng tiếp cận “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh - tiểu thuyết được đánh giá viết về chiến tranh cảm động nhất mọi thời đại. Tờ The New York Times còn gọi “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh là “phiên bản Việt” của tiểu thuyết “Phía Tây không có gì lạ” đã vang danh từ lâu. Vương Khả Sơn nói rằng chiến tranh nay đã lùi xa. Lịch sử là sự thật. Ông viết về chiến tranh mà không tô hồng hào quang chiến thắng. Bởi bộ mặt thật của chiến tranh là khốc liệt, chết chóc và đổ máu. Lột tả “khuôn mặt thật” của chiến tranh để thấy cái giá của độc lập, tự do như hôm nay. Giá trị của sự thật là lý do để cuốn sách của ông được tái bản đến lần thứ năm, được độc giả cả nước nồng nhiệt đón nhận.

Cũng như bao người con đất Việt những năm tháng cả nước sục sôi đánh Mỹ, dồn tất cả sinh lực cho cuộc chiến cuối cùng để giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước, Vương Khả Sơn đã lên đường nhập ngũ khi chưa đầy tuổi 18. Cuộc đời người lính của ông đã đi dọc chiều dài đất nước, từ mảnh đất Hà Tĩnh quê hương đến Quảng Bình rồi vượt Trường Sơn sang nước bạn Lào, Campuchia rồi trở về miền Đông, Tây Ninh, Sông Bé - Bình Dương. Hơn 40 năm ngày đất nước thống nhất, những hình ảnh dữ dội, khốc liệt mà không kém phần nhân văn đẹp đẽ, đầy chất tráng ca của cuộc chiến vẫn in đậm trong ký ức của ông. Đọc những dòng hồi ký ông viết, có thể thấy toát lên tất cả là một hiện thực sống động như bản thân cuộc chiến tranh mà ông và đồng đội đã trải qua. Ông đã miêu tả một cách chi tiết và đầy đủ về những cuộc hành quân vượt đèo cao, sông sâu, núi cả, những trận đánh giáp mặt quân thù, những tình huống bất ngờ và hết sức nghiệt ngã của cuộc chiến… Tất cả được tái hiện rõ rệt như một cuốn phim tài liệu, trong đó cận cảnh và rõ nét nhất vẫn là những trận mưa bom bão đạn của kẻ thù và những gương mặt đồng đội hy sinh vô cùng anh dũng. Đọc hồi ký, mọi người có thể thấy được tinh thần không sợ hy sinh gian khổ, sẵn sàng đón nhận cái chết vì quê hương đất nước của cả một thế hệ trong đó có ông…

 Bìa cuốn sách “Ký ức chiến tranh”

Đời trận mạc, nghiệp văn chương, lịch sử dân tộc hào hùng đó là những chất liệu thôi thúc Vương Khả Sơn viết nên cuốn hồi ký “Ký ức chiến tranh”. “Hơn 40 năm! ...Với lịch sử, chỉ là một khoảnh khắc, nhưng với cuộc đời của mỗi con người thì đó là thời gian rất dài, đủ để cho một thế hệ được sinh ra và trưởng thành. Từ thời khắc lịch sử 30-4- 1975 đến nay, đất nước ta đã có một thế hệ như thế. Lớp người ấy khả dĩ đã làm nên những điều kỳ diệu nhằm góp phần thay đổi bộ mặt đất nước trong thời kỳ mới. Nhưng, với quá khứ thì họ khó có thể có được những cảm nhận đầy đủ về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc vĩ đại nhưng vô cùng tàn khốc mà cha ông họ đã phải gánh chịu và đi qua. Với chúng tôi - những người đã một thời cầm súng đánh giặc - thời gian ấy là một độ lùi cần thiết để mỗi người có được suy ngẫm về những gì mình từng nếm trải. Đủ để quên đi những điều phải quên và đọng lại những gì cần nhớ. Năm tháng qua đi. Bão táp thời gian có thể làm lu mờ mọi thứ. Nhưng cuộc chiến dài nhất và khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh của nhân loại ở thế kỷ XX thì đã để lại trong chúng tôi bao nghĩ suy”, ông Sơn tâm sự với chúng tôi như thế, khi ông chấp bút viết cuốn hồi ký trên.

Dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam năm nào cũng vậy, đất miền Đông, Sông Bé - Bình Dương trở thành nơi hội tụ của các cựu chiến binh khắp mọi miền Tổ quốc. Thời gian cứ lặng lẽ trôi, các cựu chiến binh năm xưa nay tóc đã bạc, họ trở lại thăm chiến trường xưa với biết bao ký ức của một thời đạn bom, của quãng đời đẹp nhất… Chiến tranh đang dần đi qua, nhưng nói như ông Sơn, dù sao, những giá trị tinh thần đích thực, khách quan, giàu ý nghĩa nhân văn, lịch sử, tính thời đại và minh triết của nó thì vẫn luôn hồi quang, thức tỉnh tâm hồn, nhân cách và lẽ sống cho chúng ta hôm nay cùng các thế hệ mai sau.

 KIẾN GIANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên