Câu chuyện thành công của một nông dân nhiều sáng tạo

Cập nhật: 26-05-2012 | 00:00:00

Sau chặng đường dài dưới cái nắng gay gắt, cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến được nhà ông Nguyễn Văn Long, xã Lai Uyên, Bến Cát. Không khí bắt đầu dễ chịu hơn khi chúng tôi đi vào con đường giữa vườn cao su xanh mát rộng 25 ha của ông. Cuối con đường là cánh cổng của ngôi nhà, nói đúng hơn là một ngôi biệt thự. Cơ ngơi này đã nói lên sự thành công của chủ nhân và khi nghe câu chuyện lập thân, lập nghiệp của ông càng khiến chúng tôi phải nể phục.

Mê... sáng tạo!

Năm 1990, ở tuổi 35, ông Nguyễn Văn Long từ Tiền Giang đến xã Lai Uyên lập nghiệp, vốn liếng không nhiều nhưng giàu nghị lực và một tinh thần lao động bền bỉ mà ít người có được. Thời gian này, những người đến đây lập nghiệp chỉ sau một thời gian ngắn đã phải bỏ đi nơi khác vì đời sống gặp nhiều khó khăn, việc canh tác lại không mấy hiệu quả. Ông Long là một trong số ít người bám trụ lại với mảnh đất này, mảnh đất hoang hóa, chứa đầy miểng bom, miểng đạn do chiến tranh để lại.

 Kiến thức về cơ khí đã giúp ông cải tiến các công cụ lao động phục vụ sản xuất

Ngoài phẩm chất cần cù, chịu khó thì điều quý nhất đã giúp ông Long thành công chính là tinh thần sáng tạo luôn thường trực trong ông. Cái ý nghĩ phải áp dụng kỹ thuật vào lao động sản xuất luôn thôi thúc ông, không phải chỉ để mang lại hiệu quả trong sản xuất mà đó chính là niềm đam mê thật sự, một niềm vui lớn lao khi cải tiến được một công cụ lao động dù chỉ là rất nhỏ. Kiến thức về cơ khí mà ông đã từng được học chính là nền tảng giúp ông biến những ý tưởng sáng tạo của mình thành hiện thực. Tất cả các khâu sản xuất đều được ông cơ giới hóa từ việc bơm nước, xịt thuốc, làm cỏ, bón phân, dẫy luống... chỉ những khâu nào không sử dụng máy móc được thì ông mới chấp nhận lao động chân tay. Ngay từ khi đến đây, chúng tôi đã nhìn thấy những chiếc máy hàn, máy cắt, dụng cụ sửa máy... chất đầy trong nhà kho của ông. Vì say mê tìm tòi và tin tưởng vào khoa học nên ông không bỏ qua bất kỳ buổi tập huấn nào do địa phương tổ chức. Trong trồng trọt, chăn nuôi lúc đầu ông còn mua cây con giống nhưng về sau ông đã tự áp dụng được các phương pháp chiết ghép cây giống, lai tạo con giống. Ông cũng không ngại khó đi khắp nơi mang về những cây con giống mới để nuôi trồng thử nghiệm. Có thời gian trong nước nhập khẩu 14 giống xoài Thái Lan thì trong vườn nhà ông đều có đủ.

Vào năm 1995, trước yêu cầu tưởng chừng như nhỏ nhặt cũng khiến một người hay tìm tòi sáng tạo như ông phải suy nghĩ nhiều. Đó là một chiếc máy thổi lá. Cây cao su có đặc điểm rụng lá vào thời gian gần tết, lớp lá dày có thể gây cháy bất cứ lúc nào nhưng ông không sao tìm được nhân công để gom rác. Trước thực tế đó, ông đã bắt đầu tìm tòi chế tạo và cuối cùng đã cho ra đời chiếc máy thổi lá, với chiếc máy này ông đã tiết kiệm được rất nhiều nhân công cho công việc gom rác hàng chục ha cao su của mình. Năm 1997, ông thực hiện việc bón phân làm nhiều lần hơn để cây dễ hấp thụ chất dinh dưỡng nhưng như thế lại phải cần nhiều nhân công và với óc sáng tạo của mình ông lại cho ra đời chiếc máy rải phân. Năm 2010, ông lại tiếp tục chế ra máy phun xịt thuốc cho cây cao su từ chiếc máy rửa xe. Máy rửa xe được đặt trên xe máy cày, một béc phun thuốc được gắn với một cây sào dài có người cầm để phun. Chiếc máy này cho kết quả tốt, tuy nhiên nó lại không hiệu quả với vườn cao su khai thác có tán lá cao và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người lao động. Năm sau, ông đã khắc phục hạn chế này để hoàn chỉnh thành chiếc máy phun thuốc cao áp. Chiếc máy này đã đạt giải nhì trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Dương năm 2011. Máy phun thuốc của ông sử dụng quạt cao áp để đánh tan thuốc tạo thành dung dịch thuốc phun mịn, dạng sương mù, giúp thuốc bám vào lá, thân cây nhiều hơn. Được biết, so với một chiếc máy phun xịt thuốc nhập từ nước ngoài thì máy phun thuốc của ông tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng mà hiệu quả không thua kém.

Góp ích cho đời

Ông Long cho biết từ khi mọi người biết đến cái máy phun xịt thuốc tự chế của ông thì nhà ông luôn có khách và hàng ngày ông nhận hàng chục cuộc điện thoại. Có người là thợ cơ khí, người là nông dân và dù bận bịu nhiều nhưng ông đều sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết của mình với họ. Ông vui vẻ cho biết đang được Sở Khoa học - Công nghệ hướng dẫn làm thủ tục công nhận quyền sở hữu trí tuệ với máy phun thuốc của mình nhưng ai có nhu cầu ông sẵn sàng hướng dẫn chứ không kinh doanh mua bán gì. Bởi vì chế tạo, cải tiến được một công cụ đã là một niềm vui, một quà tặng lớn đối với ông rồi.

 Ông Nguyễn Văn Long trò chuyện cùng phóng viên báo Bình Dương

Ông Long cho biết cách làm của ông là lấy ngắn nuôi dài, làm từng chút một, như cách nói rặt nông dân của ông là “liệu cơm gắp mắm”. Ý của ông là tùy vào vốn liếng và khả năng của mình mà tính toán làm ăn. Với cách làm này, từ vài ha đất trồng cây ăn trái ban đầu với điệp khúc được mùa mất giá, đến nay ông đã phát triển thành trang trại với 25 ha cao su và hơn 30 cặp nhím giống cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Không chỉ là nông dân sản xuất giỏi, ông còn là thành viên tích cực trong các hoạt động hội, đoàn thể ở địa phương trong các vai trò như Ủy viên UBMTTQVN huyện; Ủy viên BCH Hội Nông dân xã; Chủ tịch Hội Khuyến học trường cấp 2, 3 Lai Uyên. Hàng năm, cá nhân ông ủng hộ hàng chục triệu đồng cho các hoạt động của hội khuyến học.

Ông Nguyễn Văn Long là điển hình của nông dân trong thời đại mới. Người nông dân không chỉ cần cù, chịu thương chịu khó mà còn giàu ý tưởng sáng tạo, nhiều sáng kiến cải tiến để ứng dụng vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển ngày càng cao, bền vững của kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Đ.LÊ – NGỌC NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên