Câu lạc bộ rau an toàn phường An Thạnh (TX.Thuận An): Vẫn băn khoăn chuyện đầu ra!

Cập nhật: 21-02-2014 | 00:00:00

Nhằm thay đổi phương thức sản xuất rau truyền thống sang hướng sản xuất rau an toàn (RAT), Câu lạc bộ (CLB) RAT của Hội Nông dân phường An Thạnh, TX.Thuận An được thành lập và thực hiện mô hình sản xuất bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGap.  

 Mô hình sản xuất dưa leo an toàn của gia đình ông Phạm Hữu Thọ

Chúng tôi đến thăm Câu lạc bộ sản xuất RAT của phường An Thạnh vào đúng thời điểm bà con nông dân đang tập trung sản xuất rau phục vụ thị trường sau tết. Ông Phạm Hữu Thọ (49 tuổi, khu phố Thạnh Lợi), Phó Chủ nhiệm CLB, cho biết: “Nhằm mục tiêu giải quyết các hạn chế trong sản xuất rau truyền thống, đáp ứng yêu cầu của thị trường, hướng tới một nền sản xuất an toàn, bền vững, lợi nhuận cao, CLB đã được thành lập cách đây 2 năm với mô hình sản xuất RAT như dưa leo, khổ qua, đậu que, đậu đũa, bầu, bí. Hiện nay, với diện tích 5,5 ha gồm 15 thành viên tham gia sản xuất, bình quân mỗi năm chúng tôi thu hoạch được 4 vụ/năm, mỗi vụ bình quân từ 30 - 40 triệu đồng, sau khi đã trừ hết chi phí”.

Chia sẻ thêm với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tuấn (khu phố Thạnh Lợi), Chủ nhiệm CLB RAT, cho biết: “Bây giờ nông dân ra đồng bên cạnh cái cuốc, cái cày còn phải mang cả giấy bút nữa. Bởi để sản xuất RAT bà con hội viên phải tuân thủ quy trình rất nghiêm ngặt, tất cả những tác động lên cây trồng như việc bón phân, phun thuốc đều phải được ghi chép lại một cách đầy đủ”.

Ông Võ Văn Tiến (khu phố Thạnh Bình), hội viên CLB, phấn khởi cho biết: “Trước đây làm rau theo phương pháp truyền thống, nếu thấy rau có sâu bệnh là phun thuốc, muốn rau xanh non lại bón đạm, không tuân theo một quy trình nào cả. Nhưng từ khi tham gia mô hình sản xuất rau an toàn, chúng tôi được tập huấn kỹ thuật chăm sóc phù hợp với đặc tính của từng loại rau, do vậy rau ít sâu bệnh hơn, việc sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật cũng hạn chế, thay vào đó là phân bón hữu cơ, thuốc sinh học, từ đó giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường”. Còn ông Nguyễn Văn Thạch (khu phố Thạnh Bình), cũng là một trong những hộ tham gia mô hình thì lại cho rằng: “Làm rau an toàn trước hết là để bảo đảm sức khỏe cho bản thân, cộng đồng. Hy vọng sản phẩm RAT của chúng tôi sẽ có thương hiệu và giá sẽ cao hơn”.

Được biết, chỉ trong thời gian ngắn, mô hình RAT đã có tác động rõ rệt và toàn diện tới tập quán canh tác của người trồng rau nơi đây và cải thiện đáng kể nhận thức của họ về an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Quốc Việt, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường, cho biết: “Nhờ vào sự hỗ trợ của Tỉnh hội, Trạm bảo vệ thực vật, Trạm khuyến nông về chuyển giao khoa học kỹ thuật và hỗ trợ vốn, phân bón nên sau một thời gian thực hiện, CLB sản xuất RAT đã thành công và đạt được hiệu quả cao trong sản xuất. Nhiều hộ nông dân khác trong phường thấy được hiệu quả kinh tế đã tham gia làm mô hình này. Đặc biệt, trong năm vừa qua, CLB sản xuất RAT của phường đã được Hội Nông dân tỉnh khen thưởng về hiệu quả sản xuất”.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng việc xây dựng những vùng sản xuất RAT là mục tiêu hướng tới của ngành nông nghiệp tỉnh. Để sản phẩm thực sự là địa chỉ tin cậy với người tiêu dùng và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, mỗi người dân vùng trồng rau cần lao động một cách nghiêm túc, thực sự hiểu được tầm quan trọng của mình để nâng cao hơn nữa chất lượng, phần nào làm thay đổi diện mạo sản xuất nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, an toàn và bền vững.

PHƯƠNG AN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên