Cầu treo dân sinh và sức nặng một lời hứa!

Cập nhật: 22-11-2014 | 07:58:59

Câu chuyện cô giáo và học sinh vùng cao phía bắc phải chui vào túi nylon để qua suối mỗi khi tới trường lại một lần nữa làm “nóng” nghị trường Quốc hội. Câu hỏi được đặt ra đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng là đến bao giờ tình cảnh trên không còn tái diễn? Bao giờ người dân vùng trung du, miền núi được qua sông, qua suối bằng những cây cầu treo dân sinh vững chãi, không còn đánh đu tính mạng với những phương tiện tự chế mất an toàn?

Quả là một câu hỏi không dễ trả lời. Cái khó không nằm ở nội hàm ngữ nghĩa mà cái chính là mốc thời gian cần phải “chốt lại” và một vấn đề hóc búa đó là tiền đâu để xây dựng. Rất may, với một bộ trưởng dám nói, dám làm, được mệnh danh là “bộ trưởng hành động”, ông Đinh La Thăng đã không làm những ai quan tâm đến những chiếc cầu treo mơ ước phải thất vọng. Không hứa suông, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng khái trước nghị trường rằng, 186 chiếc cầu treo ở những vị trí cấp thiết đã được ứng trước vốn của năm 2015 và đã khởi công xây dựng, đến tháng 6-2015 sẽ hoàn thành.

Không dừng lại ở cột mốc thời gian của 186 cây cầu đã khởi công, Bộ trưởng Thăng tiếp tục đưa ra lời hứa, 3 năm nữa, người dân nông thôn, miền núi khắp cả nước sẽ chấm dứt tình trạng “chui túi nylon, đu dây” qua sông, qua suối để mưu sinh hàng ngày. Để xóa bỏ vĩnh viễn tình trạng trên, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ phải xây dựng 7.811 cây cầu treo dân sinh với tổng vốn dự kiến lên đến 12.000 tỷ đồng.

Mốc thời gian đã rõ, số lượng cầu cũng đã rõ. Vấn đề là lấy đâu ra nguồn vốn 12.000 tỷ đồng? Không để đại biểu phải băn khoăn về nguồn vốn đầu tư khá lớn này trong tình cảnh nguồn thu ngân sách gặp khó khăn, ông Thăng đưa ra cách giải quyết rất rõ ràng và dứt khoát. Để có 12.000 tỷ đồng thực hiện đề án, ông đề nghị các địa phương phải chắt chiu, góp vốn xây dựng. Riêng Bộ Giao thông - Vân tải sẽ tìm nguồn vốn từ Ngân hàng Thế giới, từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản và huy động các doanh nghiệp bằng việc mở chương trình “nhịp cầu thân ái”.

Trách nhiệm của bộ chủ quản phải tìm mọi cách để có nguồn vốn là lẽ đương nhiên. Nhưng đòi hỏi các địa phương “phải chắt chiu, góp vốn” liệu có thực hiện được và có nên chăng? Người viết tin rằng, các địa phương cũng sẽ chung sức, bởi lẽ lo cho sinh mạng người dân địa phương mình thì chính quyền các địa phương cũng phải có trách nhiệm chứ không thể cứ mãi trông chờ vào cấp trên!

Không chỉ là lời hứa mà Bộ trưởng Thăng còn khẳng định “đã không hứa thì thôi, hứa rồi thì phải làm”. Vâng, phải làm dù khó khăn đang chờ, bởi đó là vấn đề liên quan đến sinh mạng con người, không thể hứa suông, phải không ông Thăng?

CẢNH HƯỞNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên