Cây giữ chủ quyền, cây vào di sản

Cập nhật: 20-01-2015 | 10:05:11

Ở Trường Sa có những loài cây trở thành biểu tượng bất diệt cho tinh thần bất khuất, kiên cường của người lính hải quân nơi đảo xa. Những cây phong ba, cây bàng quả vuông, cây mù u… không chỉ che cho bộ đội, ngụy trang chiến hào mà còn đi vào di sản quốc gia, trở thành những cây có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, quốc phòng - an ninh.

Sức sống bất diệt của các cây phong ba, cây bàng vuông, mù u, dừa… cũng tượng trưng cho tinh thần bất khuất, kiên cường của người lính hải quân ở Trường Sa. Trong ảnh: Phút thư giãn của các chiến sĩ dưới tán cây bàng vuông trên đảo
Nam Yết. Ảnh: K.VINH

“Lá chắn” cho Trường Sa

Những ngày đi khắp các đảo nổi ở Trường Sa thăm, chúc tết và tặng quà các chiến sĩ, chúng tôi cảm thấy rất ấn tượng trước những “lá chắn” cho Trường Sa như cây phong ba, bàng quả vuông, mù u, dừa… Giữa cái hào sảng, kiêu hùng của biển khơi, mỗi câu chuyện về từng loại cây đều có những tình tiết mới lạ. Câu chuyện đầu tiên chúng tôi được nghe chính là về loài cây phong ba, loại cây đặc trưng mà hiện nay hầu như đảo nổi nào ở Trường Sa cũng có.

Cây bàng vuông 8 thân được công nhận Cây di sản trên đảo Nam Yết, quần đảo Trường Sa. Ảnh: K.VINH

Những ngày đầu giải phóng, Trường Sa chỉ toàn cát, sỏi đá và lớp phân chim mỏng, rất ít cây cỏ sống được. Chúng tôi nghe kể lại rằng, gần như tất cả đảo ở đây không có một bóng cây lớn nào. Mãi đến năm 1978, một buổi sớm trên đường tuần tra, tốp chiến sĩ trẻ phát hiện rìa mép đảo có một bụi cây lúp xúp, lá như lá mít, có khía trắng, thân mềm, vững vàng trước gió và những đợt sóng vỗ bờ. Ở đảo bốn bề là sóng biển, việc gặp được một ngọn cây đã là mừng nên các chiến sĩ đã đem về trồng và theo dõi. Như một sự diệu kỳ, mầm xanh ấy vươn cao trong cát bỏng, sỏi đá và nước biển mặn.

Thấy loại cây xanh này có sức sống mãnh liệt, chịu được nắng gió, các chiến sĩ đã tỉa ra trồng quanh nhà ở, sát mép đảo... Qua những đợt thay đổi thời tiết khắc nghiệt, bão giông giữa ngàn khơi, loài cây này vẫn sinh trưởng tốt, được nhân rộng ra khắp các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Do có sức sống dẻo dai, chịu đựng sóng gió, thời tiết khắc nghiệt mà bộ đội Trường Sa gọi là cây phong ba, hay còn gọi thêm một cái tên trìu mến khác là cây bão táp.

Một câu chuyện khác là “sự tích” về cây bàng quả vuông.Trước đây, do điều kiện vận chuyển còn chưa thuận lợi, chưa chuyên chở được đất trồng trọt từ đất liền ra đảo nên rất ít cây có thể sống được ở đảo. Trong một ngày các chiến sĩ trên đường tuần tra phát hiện bên mép sóng xô bờ có vài hạt lạ bồng bềnh theo nước biển. Không biết quả trôi đến từ đâu nhưng thấy quả có hình vuông, to khỏe bằng nắm tay người lớn nên các anh mang về vùi vào dưới lớp phân chim trộn lẫn cát biển, ngày đêm chăm sóc. Bẵng đi một thời gian, những chồi non bắt đầu nhú lên, lá to khỏe, ngắm kỹ thì rất giống cây bàng ở đất liền nhưng lại có quả vuông nên từ đó, cây được đặt tên là cây bàng quả vuông. Giờ thì khắp các đảo nổi của quần đảo Trường Sa đã có hàng ngàn cây bàng quả vuông được nhân giống rộng rãi, cùng cây phong ba, mù u, dừa… trở thành những “lá chắn” xanh cho Trường Sa.

Biểu tượng bất diệt

Trung tá Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng ban Tuyên huấn Lữ đoàn 146 bảo vệ Trường Sa, cho biết: “Nói những cây bàng quả vuông, cây phong ba, mù u… là “lá chắn” xanh cho các đảo quả là không sai. Giữa biển khơi các loài cây này sinh trưởng mạnh mẽ, xanh tốt cùng bộ đội ngày đêm canh giữ đất trời Tổ quốc. Ngoài tác dụng cải tạo đất, tạo cảnh quan môi trường cho đảo, các cây xanh kể trên còn được dùng để ngụy trang, che chắn công sự như một trợ thủ đắc lực giúp bộ đội ta giữ vững chủ quyền biển đảo”.

Chúng tôi được trung úy Nguyễn Hoàng Thịnh dắt đi khắp đảo Song Tử Tây với tâm trạng nô nức, đầy tự hào. Song Tử Tây được xem là một trong những đảo có nhiều cây phong ba nhất, có cây đã hơn 35 năm tuổi. Anh Thịnh giới thiệu: “Đảo chúng tôi có hàng chục cây phong ba loại lớn. Mỗi cây đều được gắn liền với một tên người anh hùng hải quân như Phan Vinh, Văn Lanh, Vũ Phi Trừ… Mỗi cây phong ba được anh em bộ đội trên đảo coi là một người bạn, người chiến sĩ bởi nó dẻo dai, vững chãi giữa giông bão, sự khắc nghiệt của gió biển”.

Trên đảo Sơn Ca, chúng tôi lại được chứng kiến cảnh các chiến sĩ quây quần đọc sách, chơi đùa dưới bóng cây mù u cổ thụ. Đây là loài cây đặc trưng ở vùng Tây Nam bộ nhưng nay nó được trồng ở Trường Sa, lại sống rất khỏe và hơn 30 năm tuổi. Nhiều người cho rằng, cây mù u này đã theo chân một chiến sĩ quê ở miền Tây Nam bộ ra với đảo. Cây mù u không chỉ rợp bóng mát cho bộ đội thực hiện công tác huấn luyện phòng thủ, tiếp nối truyền thống yêu nước của cha anh, mà còn tạo ra không gian văn hóa tinh thần cho bộ đội ta trên đảo.

Bây giờ thì cây phong ba, bàng quả vuông hay mù u không chỉ đơn thuần là những cây xanh hay là biểu tượng của Trường Sa nữa. Vừa qua, Hội đồng cây di sản Việt Nam đã quyết định chọn cây phong ba cổ thụ ở đảo Song Tử Tây, cây bàng quả vuông ở đảo Nam Yết và 2 cây mù u ở đảo Sơn Ca, đảo Sinh Tồn trở thành các cây di sản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cần được bảo tồn. Theo đánh giá của Hội đồng cây di sản Việt Nam, cả bốn cây nêu trên đều có độ tuổi trên 30 năm và có những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, sinh học và cảnh quan môi trường.

Trường Sa những ngày biển động, cơn cuồng nộ của đất trời hoành hành dữ dội trên các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết… Nhưng điều đọng lại mãi trong tôi chính là màu xanh ngắt của những tán cây phong ba, cây bàng quả vuông, mù u kiêu hãnh vươn mình trong gió bão mịt mù. Sự dẻo dai, sức sống bất diệt của những cây xanh được xem là biểu tượng của Trường Sa cũng tượng trưng cho tinh thần “Kiên cường bám trụ, khí phách kiên trung, vững vàng tay súng, bất chấp gian khổ” của bộ đội ta ở giữa ngàn khơi, đang ngày đêm canh giữ đất trời Tổ quốc.

LÝ KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên