Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lao động nữ: Vẫn còn nhiều hạn chế

Cập nhật: 14-11-2014 | 09:36:30

Thời gian qua, việc chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) cho nữ công nhân (CN) đã được các cấp công đoàn chú trọng thực hiện. Các chuỗi hoạt động dành cho nữ CN bao giờ cũng có các chương trình lồng ghép tuyên truyền tư vấn SKSS. Tuy nhiên, theo đánh giá, các hoạt động này còn quá ít so với nhu cầu cần được cập nhật kiến thức SKSS của nữ CN.

Một buổi truyền thông SKSS tại Công đoàn KCN Việt Nam – Singapore. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Vừa qua, tại hội nghị tổng kết 5 năm phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, Công đoàn Khu công nghiệp (KCN) Việt Nam - Singapore đã lồng ghép thêm chương trình tư vấn chăm sóc SKSS, tình yêu - hôn nhân - gia đình. Nội dung bác sĩ tư vấn không mới nhưng vẫn có nhiều nữ CN “ngẫn tò te” lắng nghe vì còn rất lạ lẫm.

Theo chia sẻ từ một số nữ CN, việc được các bác sĩ tư vấn về chăm sóc SKSS là rất bổ ích, giúp cho nữ CN biết cách bảo vệ mình. Ở một số công ty, thi thoảng cũng tổ chức tư vấn chăm sóc SKSS nhưng không phải lúc nào nữ CN cũng có cơ hội để lắng nghe, tìm hiểu vì không có đủ thời gian.

Bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Công đoàn KCN Việt Nam - Singapore cho biết, trong các hoạt động dành cho nữ CN vào các dịp 8-3, 20-10... công đoàn đều lồng ghép chương trình tư vấn chăm sóc SKSS cho nữ CN. Tuy nhiên, việc làm này cũng chỉ như “muối bỏ biển” bởi số lượng nữ CN được tư vấn không nhiều và chưa đến được chính xác đối tượng cần tuyên truyền là những nữ CN lao động phổ thông. Các đối tượng này đa phần chưa có nhiều ít kiến thức về SKSS và cũng có ít thời gian cập nhật kiến thức.

Theo số liệu thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh, hiện toàn tỉnh có trên 800.000 công nhân lao động (CNLĐ) đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, trong đó tỷ lệ lao động nữchiếm trên 70%. Phần lớn CNLĐ lại đến từ các tỉnh, thành khác đến sinh sống và làm việc. Cuộc sống xa gia đình, thiếu người quản lý, thiếu tình cảm… nên chuyện “góp gạo thổi cơm chung” khá phổ biến. Cùng với đó là cường độ lao động cao, tăng ca, CNLĐ ít có điều kiện đọc sách, báo để trang bị các kiến thức… khiến CNLĐ ít hiểu biết về SKSS, nhất là đối với nữ CN. Trong khi đó, số doanh nghiệp chủ động tổ chức các hoạt động chăm sóc SKSS cho CNLĐ còn rất hạn chế. Doanh nghiệp nếu có quan tâm thì cũng chỉ trông chờ vào các chương trình tư vấn, truyền thông của tỉnh và các đoàn thể ở địa phương… Và hệ lụy khá rõ, đó là việc mang thai ngoài ý muốn, lạm dụng thuốc tránh thai, nạo phá thai không an toàn, mắc các bệnh phụ khoa, vô sinh, làm mẹ đơn thân…

Bà Trương Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, nhằm nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho nữ CN, thời gian qua liên đoàn đã phối hợp với Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh và một số doanh nghiệp xây dựng mạng lưới dịch vụ chăm sóc SKSS thân thiện và khép kín cho CNLĐ ở một số doanh nghiệp. Điển hình tại CĐCS Công ty TNHH Hoya Lend VN (KCN VSIP II), ngoài việc khám sức khỏe định kỳ cho CNLĐ, CĐCS còn mời các bác sĩ và chuyên gia đến khám phụ khoa, tuyên truyền về chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho nữ CN. Hay tại CĐCS Công ty TNHH Liên doanh Chí Hùng (phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên) đã thành lập riêng câu lạc bộ, trong đó có cả cán bộ của Trung tâm Chăm sóc SKSS/KHHGĐ tỉnh và CNLĐ của công ty tham gia. Định kỳ hàng tháng các thành viên trong câu lạc bộ tổ chức các buổi ngoại khóa, giao lưu với CNLĐ trong công ty để cùng trao đổi, thảo luận về các chủ đề như bình đẳng giới, các biện pháp tránh thai, giữ gìn sức khỏe sau sinh…

Đồng thời, Liên đoàn Lao động tỉnh cũng tích cực kiểm tra, giám sát, đề nghị doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ; tập huấn, tuyên truyền về dân số, KHHGĐ, chăm SKSS cho nữ CN. Nội dung tuyên truyền tập trung vào vấn đề nâng cao kiến thức an toàn tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn, lạm dụng tình dục và các bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV; thiết lập góc nhỏ thông tin thân thiện tại các khu nhà trọ công nhân. Một số CĐCS, Ban nữ công đã tham gia với chủ sử dụng lao động cải thiện điều kiện, môi trường làm việc cho nữ CNLĐ; đưa nội dung chăm sóc SKSS, khám sức khỏe định kỳ, khám phụ khoa cho lao động nữ… vào thỏa ước lao động tập thể.

Tuy nhiên phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, bên cạnh sự nỗ lực của các tổ chức, cũng như sự quan tâm kịp thời của các cấp công đoàn, việc chăm sóc SKSS cho nữ CN vẫn còn nhiều hạn chế. Mặc dù đã có quy định trong doanh nghiệp phải có phòng khám y tế với đầy đủ trang thiết bị tối thiểu; đối với nữ CN phải được khám định kỳ phụ khoa, thai sản, lồng ghép trang bị kiến thức về chăm sóc SKSS, làm mẹ an toàn... tuy nhiên, một số nơi phòng y tế rất sơ sài, hiếm khi có những buổi truyền thông cho nữ CNLĐ về vấn đề chăm sóc SKSS/ KHHGÐ.

Vì vậy, chủ động xây dựng và triển khai tới các doanh nghiệp về công tác truyền thông, giáo dục vận động công nhân thực hiện, chấp hành tốt chính sách chăm sóc SKSS/KHHGÐ là nhiệm vụ cấp bách. Để làm tốt công tác này, cần đa dạng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, tạo điều kiện cho CNLĐ có cơ hội tiếp cận các thông tin, dịch vụ về chăm sóc SKSS/KHHGÐ. Có như vậy mới hạn chế những hệ lụy do thiếu hiểu biết về chăm sóc SKSS mang lại.

 THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên