Chia sẻ bài viết lên facebook

Quá trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc và sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam - Bài 1

Cập nhật: 09-03-2015 | 08:27:45

LTS: Chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, từ số báo này báo Bình Dương khởi đăng loạt bài về sự ra đời và trưởng thành của Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội.

Bài 1: Quá trình tìm đường cứu nước và đến với chủ nghĩa Mác - Lênin của Nguyễn Ái Quốc

Đầu thế kỷ XX, trong khi phong trào cách mạng Việt Nam tuy rất sôi nổi nhưng lại bế tắc về đường lối và tổ chức, người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước bắt đầu những năm tháng bôn ba nơi đất khách quê người. Từ lúc sinh ra và lớn lên Nguyễn Tất Thành sống trong cảnh đất nước lầm than, nhân dân cơ cực. Khi còn là một thiếu niên, Nguyễn Tất Thành đã hiểu và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào. Lúc trạc tuổi 13, khẩu hiệu: “Tự do, bình đẳng, bác ái” của cuộc cách mạng Pháp 1789 đã tác động đến nhận thức của Người, Người rất khâm phục các bậc tiền bối như Phan Châu Trinh, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Hoàng Hoa Thám… nhưng không đi theo con đường đấu tranh của các bậc tiền bối. Việc giải phóng đồng bào không phải là tìm xem nước nào giúp được mình mà điều quan trọng là phải đi ra nước ngoài nghe, tìm hiểu, xem xét nhân dân thế giới họ làm như thế nào rồi trở về giúp đồng bào mình.

Hành trang ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành ngoài ý chí và nghị lực, ước mơ, khát vọng và hoài bão lớn lao của tuổi trẻ, còn có mạch ngầm truyền thống chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, với một vốn Hán học khá tinh thông và trình độ hiểu biết ở bậc văn hóa tiểu học Pháp và hai bàn tay lao động.

Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội toàn quốc Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua (nước Pháp), tháng 12-1920 (Ảnh tư liệu)

Ngày 5-6-1911, trên bến Nhà Rồng, Nguyễn Ái Quốc đã qua 3 châu lục trên thế giới, hơn 30 quốc gia khác nhau. Trong thời gian này Người đã tìm tòi, khảo nghiệm các cuộc cách mạng lớn trên thế giới, làm nhiều nghề, học tiếng nước ngoài… Người đã tận mắt trông thấy những cảnh khổ cực chết chóc của người da đen dưới roi vọt của thực dân.

Ngày 18-6, thay mặt những người Việt Nam yêu nước, Nguyễn Ái Quốc gửi tới Hội nghị Vécxây bản yêu sách 8 điểm của nhân dân An Nam. Người Pháp đã coi đây là quả bom làm chấn động dư luận nước Pháp, còn người Việt Nam lại coi đó là tiếng sấm của mùa xuân.

Bước ngoặt quan trọng trên hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc về vấn đề dân tộc, giải phóng dân tộc và về đảng cách mạng được mở ra lần đầu tiên khi Người tiếp xúc với sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin đăng trên báo L’Humanite, số ra 2 ngày 16, 17-7-1920.

Người đã tìm thấy trong đó lời giải đáp về vấn đề dân tộc và thuộc địa, sự cần thiết phải có Đảng Cộng sản, nhiệm vụ chiến lược và sách lược của Đảng trong cuộc đấu tranh giải phóng. Trong 12 luận cương có 6 luận cương (thứ 2, 4, 5, 9, 10, 11) đề cấp đến các vấn đề của Đảng. Lênin chỉ ra rằng: Đảng Cộng sản, người đại diện tự giác của cuộc đấu tranh giai cấp vô sản nhằm lật ách thống trị của giai cấp tư sản, ngay cả trong vấn đề dân tộc, phải đặt lên hàng đầu không phải là những nguyên tắc trừu tượng hoặc hình thức mà thứ nhất là sự đánh giá đúng tình hình lịch sử cụ thể, mà trước hết là tình hình kinh tế. Thứ hai, là sự phân biệt rõ lợi ích của giai cấp bị áp bức, của những người lao động, của những người bị bóc lột, với các khái niệm chung về lợi ích của nhân dân nói chung. Thứ ba, là sự phân biệt thật rõ rệt những dân tộc bị áp bức, phụ thuộc, không được hưởng quyền bình đẳng với những dân tộc đi áp bức, bóc lột được hưởng đủ mọi quyền lợi, để lập lại sự lừa dối kiểu dân chủ tư sản đang che giấu việc tuyệt đại đa số nhân dân trên trái đất bị một số thiểu số nhỏ bé những nước tư bản tiên tiến rất mực giàu có, nô dịch về mặt thuộc địa và tài chính - sự nô dịch là đặc điểm của thời đại tư bản tài chính và chủ nghĩa đế quốc. Kết thúc sơ thảo, Lênin khẳng định: Không có sự cố gắng tự nguyện tiến tới sự liên minh và sự thống nhất của giai cấp vô sản, rồi sau nữa, của toàn thể quần chúng cần lao… thì không thể chiến thắng hoàn toàn chủ nghĩa tư bản. Luận cương của Lênin đã giải đáp đúng những vấn đề mà Nguyễn Ái Quốc đã trăn trở. Tiếp cận tư tưởng của Lênin về nhận thức lý luận đã làm chuyển biến thực tiễn hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc.

Tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp ở Tua cuối tháng 12-1920, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III - Quốc tế Cộng sản và tán thành tham gia Đảng Cộng sản Pháp. Từ giờ phút ấy, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên đã tham gia và sáng lập một đảng mác-xít ngay chính sào huyệt của kẻ đang thống trị, áp bức dân tộc mình.

Như vậy, đến thời điểm cuối năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã tìm được con đường cách mạng đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Đó là kết quả của quá trình tìm tòi, phân tích, học hỏi lâu dài và đầy gian lao của Nguyễn Ái Quốc, từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản - và đó cũng là con đường giải phóng dân tộc mà Người đã chọn cho dân tộc Việt Nam. Từ khi trở thành người cộng sản, Hồ Chí Minh tiếp tục nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần từng bước hình thành những tư tưởng lớn về cách mạng giải phóng dân tộc và về đảng kiểu mới của giai cấp công nhân theo quan điểm của Lênin. Người khẳng định con đường giải phóng dân tộc là con đường cách mạng vô sản. “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất” (1). Và đây chính là định hướng trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội mới ở nhiều nước thuộc địa và phụ thuộc.

Đến đây con đường cứu nước của dân tộc Việt Nam đã được xác định và Nguyễn Ái Quốc là người có công lao to lớn tìm ra con đường đó. (còn tiếp)

Ngày 5-6-1911, trên con tàu Amiral Tatouche Tréville, từ cảng Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Với một sự mẫn cảm đặc biệt, Nguyễn Tất Thành không đi sang nước Nhật, không tìm về châu Á mà Người sang nước Pháp, đến tận nơi nước đang cai trị mình, đến tận châu Âu, nơi đang có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, về văn hóa, về chính trị để xem người ta làm như thế nào rồi trở về cứu giúp đồng bào. Bác ra đi, hành trang chỉ là lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, quyết tâm tìm con đường cứu dân.

Sau thời gian ở Pháp, Nguyễn Tất Thành tiếp tục cuộc hành trình đi qua nhiều châu lục khác. Trên suốt chặng đường bôn ba, cuộc sống đầy gian khổ không làm Người chùn bước, trái lại, càng tôi luyện, hun đúc lòng yêu nước nồng nàn với mục tiêu kiên định: giải phóng dân tộc.

 

(Theo Đảng và Hồ Chí Minh-cuộc song hành lịch sử, NXB Lao Động 2013)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên