Chia sẻ bài viết lên facebook

Quá trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc và sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam- Bài 3

Cập nhật: 11-03-2015 | 08:28:42

Bài 3: Sự chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam

Về điều kiện chính trị xã hội, Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ: Châu Á trừ Nhật Bản phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa, nước Trung Hoa rộng lớn luôn luôn là “con bò sữa” đối với tư bản châu Âu và châu Mỹ, Ấn Độ bị đế quốc Anh cai trị và Đông Dương, 20 triệu dân Đông Dương bị bóc lột thậm tệ của một nhóm kẻ cướp thực dân. Từ đó Nguyễn Ái Quốc đã kết luận: “Sự đầu độc có hệ thống của bọn tư bản thực dân không thể làm tê liệt sức sống, càng không thể làm tê liệt tư tưởng cách mạng của người phương Đông… Đằng sau sự phục tùng tiêu cực. Người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm khi thời cơ đến… Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: chủ nghĩa xã hội chỉ còn làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi” (1).

 

“Bản án chế độ thực dân Pháp” - một tác phẩm chính luận do Nguyễn Ái Quốc viết bằng tiếng Pháp được xuất bản năm 1925 trên báo Imprékor của Quốc tế Cộng sản

 

“Bản án chế độ thực dân Pháp” (Le Procès de la Colonisation Française) là tác phẩm của Hồ Chủ tịch viết bằng tiếng Pháp trong khoảng những năm 1921-1925, đăng tải lần đầu tiên tại Paris (Pháp) trên báo Imprékor của Quốc tế Cộng sản.

Tác phẩm gồm 12 chương và phần phụ lục, với cách thành văn ngắn gọn, súc tích, cùng với những sự kiện đầy sức thuyết phục, tác phẩm tố cáo thực dân Pháp dùng mọi thủ đoạn khốc liệt bắt “dân bản xứ” phải đóng “thuế máu” cho chính quốc… để “phơi thây trên chính trường châu Âu”, đày đọa phụ nữ, trẻ em “thuộc địa”; các thống sứ, quan lại thực dân độc ác như một bầy thú dữ… Tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn ngay từ khi ra đời, thức tỉnh lương tri của những con người yêu tự do, bình đẳng, bác ái, hướng các dân tộc bị áp bức đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga và chủ nghĩa Mác - Lênin, thắp lên ngọn lửa đấu tranh cho độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội của dân tộc Việt Nam.

Năm 1946, ở Việt Nam, tác phẩm này đã được xuất bản bằng tiếng Pháp tại Hà Nội. Năm 1960, Nhà xuất bản Sự Thật lần đầu tiên đã xuất bản bằng tiếng Việt.

 

Về điều kiện lịch sử, Nguyễn Ái Quốc đã đề cập những cái tốt, cái hay trong học thuyết Khổng - Mạnh “Người ta không sợ ít, chỉ sợ không công bằng, tính công bằng sẽ xóa đi sự nghèo đói”. Từ những dẫn chứng lịch sử, Nguyễn Ái Quốc kết luận: Chế độ cộng sản dễ dàng thâm nhập vào châu Á nói chung và Đông Dương nói riêng.

Ngày 26-6-1921, Nguyễn Ái Quốc và một số chiến sĩ cách mạng ở các nước thuộc địa của Pháp lập ra Hội Liên hiệp thuộc địa ở Paris để đoàn kết lực lượng cách mạng chống đế quốc, thông qua tổ chức đó để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào các nước thuộc địa. Báo Người cùng khổ là cơ quan ngôn luận của hội. Nguyễn Ái Quốc là chủ nhiệm kiêm chủ bút. Báo ra đời và được gửi tới thuộc địa. Ngoài báo chí, Nguyễn Ái Quốc còn sử dụng những hình thức khác như diễn thuyết, viết kịch để truyền bá tư tưởng cách mạng của mình. Thông qua báo chí, kịch… Người đã chuẩn bị bước đầu về mặt tư tưởng cho sự vùng dậy của dân tộc trong tương lai, hướng đúng vào hai kẻ thù chính là đế quốc và phong kiến tay sai, đối tượng của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc phải đánh đổ.

Thông qua hoạt động tuyên truyền của Nguyễn Ái Quốc, chủ nghĩa Mác - Lênin và những tư tưởng cách mạng của Người đã làm chuyển biến lập trường cách mạng của các học giả nổi tiếng trong giới trí thức và các tầng lớp nhân dân như luật sư Phan Văn Trường, nhà báo Nguyễn An Ninh…

Nguyễn Ái Quốc ở Mátxcơva là thời kỳ kế tiếp quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về nước. Thời kỳ này Nguyễn Ái Quốc tập trung viết tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và những bài viết về Lênin, về nước Nga Xô Viết, về Trung Quốc, về An Nam như: Tình cảnh nông dân An Nam, Lênin và các dân tộc phương Đông, Cách mạng Nga và các dân tộc thuộc địa… đăng trên các báo, tạp chí nhằm định hướng cuộc vùng dậy tương lai của dân tộc theo Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và đề cập đến những vấn đề cơ bản của đường lối cách mạng Việt Nam; về Đảng Cộng sản, giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đoàn kết quốc tế.

Trong thời gian ở Xiêm và ở Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc dịch các tác phẩm của các nhà hoạt động cách mạng như: Nhân loại tiền sử, chủ nghĩa cộng sản A.B.C, Tuyên ngôn Đảng Cộng sản… Thông qua các tác phẩm, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục chỉ rõ con đường cách mạng của nhân dân ta phải đi theo con đường cách mạng vô sản. Trong thời kỳ này, Nguyễn Ái Quốc đã sử dụng phương tiện truyền thông: Đào tạo những người yêu nước trẻ tuổi đưa về nước tuyên truyền tổ chức vận động quần chúng làm cách mạng. Điều này không giống như một số nhà cách mạng trước đây chỉ biết “xúi giục dân đứng lên” nhưng không bày cách, phương pháp cho dân làm, rốt cuộc phong trào quần chúng bị đàn áp trong biển máu.

Nhờ sự truyền bá sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc mà chủ nghĩa Mác - Lênin đã từng bước được thâm nhập vào Việt Nam, đấu tranh với các trào lưu phi vô sản khác: Tư tưởng phong kiến, tư tưởng tiểu tư sản, giác ngộ lập trường cứu nước, giải phóng dân tộc theo hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, theo con đường cách mạng vô sản.

Chuẩn bị tiền đề về chính trị

Cùng với việc chuẩn bị tiền đề tư tưởng, Nguyễn Ái Quốc đã xúc tiến chuẩn bị tiền đề về chính trị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực chất việc chuẩn bị về chính trị là xác định đúng đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh đã sai lầm trong xác định đường lối nên kết cục tất cả đều đi đến thất bại.

Nguyễn Ái Quốc đã sớm khẳng định con đường cách mạng Việt Nam là con đường cách mạng vô sản. Người viết: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no… xóa bỏ những biên giới tư bản chủ nghĩa cho đến nay chỉ là những vách tường dài ngăn cản những người lao động trên thế giới hiểu nhau và yêu thương nhau” (2). Quan điểm này đã trở thành định hướng có ý nghĩa phổ biến trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới ở nhiều nước thuộc địa và phụ thuộc. Với chủ đích rõ ràng, Nguyễn Ái Quốc đã hướng cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta đến Quốc tế Cộng sản, tới Cách mạng Tháng Mười Nga. (Còn tiếp)

 (1): Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội năm 2000, tập 1, tr.28

(2): Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội năm 2000, tập 1, tr.461

(Theo “Đảng và Hồ Chí Minh - cuộc song hành lịch sử”, NXB Lao Động năm 2013)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên