Chất cấm trong mâm cơm  

Cập nhật: 24-11-2015 | 07:03:52

Ngày 20-11, Sở Công thương Bình Dương đã ra quyết định phạt hành chính một chủ cơ sở mua bán thịt heo ở phường An Phú, TX.Thuận An về các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh như không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật có trong danh mục thuộc diện phải kiểm dịch, nhưng không có giấy kiểm dịch theo quy định. Chủ cơ sở này còn phải chịu chi phí tiêu hủy gần 5 tấn thịt heo; chủ xe tải vận chuyển số thịt heo trên cũng bị xử phạt 3,5 triệu đồng.

 Trước đó, lực lượng kiểm tra liên ngành tỉnh đã bắt quả tang một xe tải chở hơn 4,5 tấn thịt heo bốc mùi hôi thối. Hầu hết số thịt là heo bệnh chết được chủ hàng thu gom từ các lò mổ ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai mang về bán tại các chợ tự phát. Đây là một trong số ít vụ việc bị phát hiện kịp thời. Nếu trót lọt, những miếng thịt heo “quá đát” kia sẽ được bán ra và nghiễm nhiên xuất hiện trong mâm cơm của nhiều gia đình.

Đây cũng có thể coi là một cách mà người bán hàng “đầu độc” người mua hàng vì khó có thể biết được hậu quả sẽ như thế nào nếu như những miếng thịt đã bốc mùi hôi thối kia qua bàn tay “phù phép” của người bán thì trở thành những miếng thịt tươi và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng hàng ngày. Rõ ràng đây là cái sai của người bán, còn cái sai của người chăn nuôi thì sao? Thì đây: Thời gian qua cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt vụ việc dùng chất cấm trong chăn nuôi. Có một con số vừa được công bố tại hội nghị an toàn thực phẩm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cho thấy từ đầu năm đến nay thanh tra bộ này phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) kiểm tra 15 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn cả nước thì phát hiện 7 doanh nghiệp sử dụng chất cấm. Đó là chưa kể đến nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ dùng chất cấm để trộn vào thực phẩm cho vật nuôi…

Từ thực tế hiện nay khiến nhiều người giật mình với thực trạng vì lợi nhuận mà người ta không màng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Để hạn chế tình trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có thông báo sẽ thưởng tiền cho những ai cung cấp thông tin về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; thậm chí nhiều chuyên gia đề nghị sửa quy định, bổ sung tội mới trong Bộ luật Hình sự để dễ dàng xử lý hình sự người sản xuất, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi… Nhưng cái cần trước nhất là cái tâm của người chăn nuôi, thương lái: Đừng vì lợi nhuận mà sẵn sàng “đầu độc” người tiêu dùng.

 L.V.CHÂU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên