Chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa IX: “Nóng” các vấn đề giao thông, y tế, môi trường

Cập nhật: 08-12-2017 | 08:22:34

Hôm qua (7-12), kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa IX bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ba “tư lệnh” ngành là ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT); ông Lục Duy Lạc, Giám đốc Sở Y tế; ông Phạm Danh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã đăng đàn, trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp. Các vấn đề “nóng” liên quan đến 3 sở này đã được đưa ra phân tích cặn kẽ, trả lời đúng trọng tâm.

Xử lý ngập úng, bảo đảm an toàn giao thông

Trong phần chất vấn Giám đốc Sở GTVT, đại biểu Đoàn Ngọc Như Tâm nêu vấn đề: “Tình trạng ngập cục bộ trên các tuyến đường khi trời mưa và triều cường vẫn đang diễn ra, gây cản trở cho sinh hoạt và gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Sau các đợt giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách, các điểm ngập cũ lại ngập sâu hơn, có nơi người dân phải cắm cây cảnh báo tại nơi có hố ga bị mất nắp đậy và bị nước che lấp”. Trả lời đại biểu về vấn đề này, ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở GTVT cho biết, trong quá trình xây dựng các công trình giao thông, việc đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước dọc hai bên các tuyến đường cũng được các ngành hữu quan của tỉnh và cấp thẩm quyền xem xét, cân nhắc sao cho đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng thời phù hợp với khả năng cân đối về nguồn vốn đầu tư xây dựng. Theo đó, các đoạn qua khu vực đô thị, khu vực đông dân cư được ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước dọc hoàn chỉnh. Các đoạn ngoài khu vực đông dân cư, hệ thống thoát nước dọc chủ yếu là mương hở, bằng đất và thoát nước dọc theo địa hình tự nhiên ra rạch, suối, sông... Để giải quyết tình trạng ngập nước trên địa bàn tỉnh, trong nhiều năm qua, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hữu quan phối hợp tham mưu đề xuất các giải pháp cụ thể xử lý từng vị trí ngập nước, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình thoát nước trên địa bàn tỉnh.

Ông Trần Bá Luận: “Đây là điều chúng tôi rất trăn trở. Chúng tôi chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức an toàn giao thông, đặt biệt là đối tượng thanh niên, công nhân. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền đến từng khu nhà trọ”

 Đại biểu Đoàn Ngọc Như Tâm: “Giải pháp ông Trần Bá Luận trả lời về bảo đảm an toàn giao thông, hạn chế tai nạn giao thông còn mang tính “chữa cháy”. Tôi muốn ông nói rõ hơn về các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông?” Ảnh: X.THI

Đại biểu Trần Văn Tân đặt câu hỏi: “Hiện nay, tình hình chung về ùn tắc giao thông, an toàn giao thông trên địa bàn TX.Dĩ An đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp... Sau khi tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn hình thành, địa bàn TX.Dĩ An phát sinh thêm 2 điểm ngập úng nặng, cũng là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Với cương vị là Giám đốc Sở GTVT, cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh, đề nghị ông cho biết tiến độ đầu tư, lộ trình và giải pháp cụ thể để giải quyết căn cơ đối với các nội dung nêu trên?”. Ông Trần Bá Luận cho biết, trong những năm qua, cùng với quá trình phát triển công nghiệp, đô thị, đã kéo theo sự gia tăng lưu lượng các loại phương tiện vận tải, nhất là các loại phương tiện có tải trọng lớn, chiếm nhiều diện tích mặt đường. Bên cạnh đó, quá trình tăng dân số cơ học, phương tiện giao thông cá nhân cũng gia tăng, gây áp lực lên hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực cửa ngõ phía nam; đã xuất hiện tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường như ĐT743, đường Mỹ Phước - Tân Vạn, nhất là vào các giờ cao điểm. Mặc dù,

 sở, lực lượng cảnh sát giao thông vẫn thường xuyên bố trí lực lượng chức năng tuần tra, tổ chức điều tiết phân luồng giao thông nhưng do lưu lượng phương tiện vận tải quá lớn, đặc biệt là các loại phương tiện vận tải hàng hóa có tốc độ chậm, chiếm nhiều diện tích mặt đường, đã dẫn đến mãn tải và ùn tắc giao thông trên ĐT743, đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Sở vẫn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư dự án đường Mỹ Phước - Tân Vạn đẩy nhanh tiến độ thi công để thông xe đến cầu Đồng Nai.

Giữ “chân” đội ngũ y, bác sĩ

Trong phần đăng đàn của ngành y tế, đại biểu Huỳnh Thị Tuyết Hạnh nêu vấn đề: Hiện nay nhiều bác sĩ (BS) tuyến tỉnh xin nghỉ chuyển ra các cơ sở y tế ngoài công lập, trong khi số lượng thu hút và cử tuyển đưa đi đào tạo y, BS và ra trường lại ít hơn số nghỉ việc đã được các đại biểu chất vấn tại các kỳ họp trước, song đến nay vẫn chưa được khắc phục. Vậy đâu là giải pháp căn cơ cho vấn đề này? Ông Lục Duy Lạc, Giám đốc Sở Y tế lý giải: “Thời gian vừa qua, đã có tình trạng nhiều BS tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh xin nghỉ việc với lý do “hoàn cảnh”, nhưng thực tế là mong muốn chuyển ra cơ sở y tế tư nhân. Sự “dịch chuyển” này xuất phát từ áp lực công việc nhưng thu nhập không tương xứng. Các cơ sở y tế tư nhân hiện nay đang phát triển rất mạnh mẽ (toàn tỉnh có 11 bệnh viện và trên 40 phòng khám đa khoa tư nhân) nên nhu cầu tuyển dụng BS rất cao, thu hút BS bằng cách sẵn sàng chi trả mức lương hấp dẫn, có thể cao gấp 5 - 10 lần lương được nhận từ cơ sở y tế công lập. Sựchênh lệch quá lớn vềmức lương, cộng với môi trường làm việc vừa phải đã khiến BS chuyển dịch ra cơ sở y tế tư nhân”.

 Đại biểu Huỳnh Thị Tuyết Hạnh nêu câu hỏi chất vấn lãnh đạo Sở Y tế. Ảnh: X.THI

Theo ông Lạc, trước tình hình này, ngành y tế cũng rất trăn trở, đã đưa ra một số giải pháp nhất định để ổn định, như tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của BS, nâng cao ý thức làm việc hướng đến phục vụnhân dân; tiếp tục đẩy mạnh chương trình đào tạo BS theo địa chỉsửdụng và đào tạo liên thông từ y sĩ lên BS để có nguồn bù đắp nhân lực thiếu hụt; đẩy mạnh chuyển giao kỹthuật từcác bệnh viện Trung ương cho địa phương (Đềán 1816, Đềán bệnh viện vệtinh)… “Tuy nhiên, những giải pháp nói trên cũng chưa phải là căn cơ để duy trì ổn định và phát triển nhân lực cho các bệnh viện”, ông Lạc nói và cho biết, để giữ chân đội ngũ y, BS và thu hút nguồn nhân lực y tế, đáp ứng yêu cầu cho các bệnh viện công lập là một thách thức lớn. Vấn đề này cần có sự điều chỉnh chủ trương của tỉnh cho phù hợp với đặc thù của ngành y tế trong giai đoạn hiện nay. Từ đầu năm 2016, SởY tếđãcùng Sở Nội vụ và các sở, ban ngành liên quan bắt đầu xây dựng dựthảo mới để trình UBND và HĐND tỉnh về chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương. Đến nay, dự thảo này cơ bản đã hoàn thành nhưng vẫn còn một số điểm chưa có sự thống nhất nên chưa trình HĐND và UBND tỉnh.

Cũng trong phần chất vấn ngành y tế, đại biểu Nguyễn Xuân Ngàn đặt câu hỏi: “Với vai trò là người đứng đầu ngành y tế, đề nghị ông giám đốc cho biết trách nhiệm quản lý nhà nước để công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao nhất, không để xảy ra tử vong?”. Trả lời câu hỏi của đại biểu, ông Lạc cho rằng, thực tế năm 2017, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh có tăng so với năm 2016, nhất là sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng. Nguyên nhân là do chu kỳ SXH tăng (chu kỳ khoảng 4 năm 1 lần); do đó không riêng gì tại Bình Dương, SXH gia tăng trong cả nước. Năm 2017, tình hình diễn biến thời tiết lại thất thường, mùa mưa đến sớm và kéo dài, đây là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh SXH. Trong khi các ổ chứa lăng quăng rất đa dạng, phức tạp, khó xử lý như vỏ xe cũ, chai lọ, bát nhang trong nghĩa địa, lu, khạp hư tại các lò gốm sứ, các loại ly nhựa, chai nhựa uống nước, các bãi rác tự phát tại các khu dân cư. Trong khi đó, nhân lực tại các cơ sở y tế còn thiếu, chưa bảo đảm được công tác phòng, chống dịch bệnh bao phủ hết các địa bàn.

Cũng theo ông Lạc, ngành y tế tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động phòng, chống nhằm hạn chế dịch bùng phát, khống chế tỷ lệ tử vong. Hiện tại, công tác phòng, chống dịch vẫn được ngành triển khai liên tục, quyết liệt theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.

Ô nhiễm môi trường ngoài khu, cụm công nghiệp

Chuyển sang phần chất vấn lãnh đạo Sở TN&MT, đại biểu Vương Thế Hùng nêu câu hỏi: “Đối với các dự án đầu tư đang hoạt động trong khu dân cư, khu đô thị, các cơ sở sản xuất thuê nhà xưởng gây ô nhiễm môi trường (ONMT), sở đã, đang và sẽ có những giải pháp cụ thể nào để giải quyết triệt để việc gây ONMT?” Ông Phạm Danh, Giám đốc Sở TN&MT cho biết, việc phát triển các khu dân cư không theo quy hoạch dẫn đến tình trạng nhiều cơ sở sản xuất nằm xen lẫn trong các khu dân cư. Hoạt động của các cơ sở sản xuất nằm xen lẫn trong khu dân cư thực tế đã gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân... Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành tiêu chí di dời và chính sách hỗ trợ di dời; công bố danh sách và tổ chức thực hiện di dời 32 cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, đô thị. Đến nay, đã có 30/32 cơ sở hoàn thành di dời hoặc chấm dứt hoạt động hoặc chuyển đổi ngành nghề; 2 cơ sở đang thực hiện di dời (1 cơ sở dự kiến hoàn thành trong đến quý I-2018 và 1 cơ sở hoàn thành di dời trong năm 2019. Hai cơ sở này chưa hoàn thành di dời nhưng hiện nay đã xử lý chất thải đạt quy chuẩn môi trường).

Bên cạnh đó, công tác thanh kiểm tra, xử lý cũng được tăng cường. Trong 2 năm (2016-2017) ngành đãthanh kiểm tra 2.808 đơn vị, phát hiện và xử lý vi phạm 867 đơn vị, với số tiền xử phạt 58,77 tỷ đồng. Trong quá trình thanh kiểm tra, khi phát hiện các doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp khống chế ô nhiễm, chưa xử lý khí thải, nước thải, chất thải rắn, tiếng ồn… đạt quy chuẩn môi trường thì ngoài việc xử phạt hành chính còn buộc doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp khắc phục; trường hợp doanh nghiệp không khắc phục được sẽ buộc đình chỉ hoạt động và di dời ra khỏi khu vực dân cư, đô thị. Từ năm 2014 đến nay, đã có 118 cơ sở nằm trong khu dân cư, đô thị bị buộc ngừng hoạt động hoặc di dời (TP.Thủ Dầu Một 30 cơ sở, TX.Tân Uyên 27 cơ sở, TX.Dĩ An 24 cơ sở; TX.Thuận An 37 cơ sở). Các cơ sở bị buộc ngưng hoạt dộng hoặc di dời chủ yếu là các cơ sở kinh doanh phế liệu, gia công cơ khí, chế biến gỗ, chế biến thực phẩm… gây ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh và không khắc phục được.

“Trong thời gian tới, ngoài việc tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý các cơ sở gây ONMT, ngành TN&MT sẽ tham mưu tỉnh xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở gây ONMT phải di dời ra khỏi khu dân cư, đô thị; đồng thời kiến nghị đẩy nhanh tiến độ hình thành cụm công nghiệp do ngân sách Nhà nước đầu tư, đi kèm với việc ban hành cơ chế, chính sách về giá và đất đai để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp di dời vào các cụm công nghiệp này”, ông Danh cho hay.

Theo chương trình, sáng nay (8- 12), Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tiếp tục “đăng đàn” trả lời chất vấn của các đại biểu. 

 NHÓM P.V

Chia sẻ bài viết
Tags
HĐND

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên