Châu bản Triều Nguyễn: Minh chứng về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa

Cập nhật: 28-05-2014 | 00:00:00
Ngoài Việt Nam, không một nước nào có Châu bản về vấn đề chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, kể cả Trung Quốc… Trong khi đó, Việt Nam lại có nhiều cứ liệu văn bản lịch sử để chứng minh chủ quyền lâu đời và liên tục của mình đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Khuôn khổ bài viết này đề cập tới nội dung chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa qua các Châu bản triều Nguyễn vừa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày 14-5-2014.  

Châu bản ngày 27 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 11 (năm 1830) do Nội các tấu trình về việc cứu hộ tàu buôn của Pháp bị chìm tại Hoàng Sa, có châu phê “lãm”

Châu bản là một loại văn bản hành chính của vương triều Nguyễn (1802-1945). Trên các châu bản này còn lưu lại các dấu tích bút phê của các vua triều Nguyễn bằng son đỏ. Hiện nay chỉ duy nhất triều Nguyễn có các châu bản khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Ngoài Việt Nam, không một nước nào có châu bản về vấn đề chủ quyền trên hai quần đảo này, kể cả Trung Quốc.

Trong hơn 700 châu bản được lưu giữ thì có khoảng 19 tờ châu bản thể hiện rất cụ thể về việc triều Nguyễn thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nội dung các tờ châu bản phản ánh quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của triều đình nhà Nguyễn đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là những bằng chứng sinh động cho thấy các vua triều Nguyễn luôn quan tâm đến vấn đề xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này thông qua việc liên tục cử người ra hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để khảo sát, cắm mốc, đo vẽ bản đồ.

Trách nhiệm quốc tế về cứu hộ, cứu nạn

Đặc biệt, qua các châu bản này triều Nguyễn đã tỏ ra là một quốc gia biển rất có trách nhiệm quốc tế trong việc thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn đối với thuyền bè của Việt Nam cũng như thuyền bè của các nước khác gặp nạn trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa.

Châu bản ngày 27 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 11 (năm 1830) do Nội các tấu trình về việc cứu hộ tàu buôn của Pháp bị chìm tại Hoàng Sa, có nội dung: “Ngày 21 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 11 (năm 1830), chủ thuyền buôn nước Pháp là Đô-ô-chi-ly cùng Tài phó Y-đóa và phái viên Lê Quang Quỳnh đi thuyền qua Philippines buôn bán. Thuyền qua phía Tây Hoàng Sa thì bị mắc cạn, nước ngập vào thuyền hơn 8 thước. Thương thuyền đã dọn gấp hai rương tiền bạc cùng một số dụng cụ, đồ ăn chia lên 2 chiếc thuyền nhỏ theo gió trở vào bờ. Thuyền của Tài phó Y-đóa về được bờ mà thuyền của thuyền trưởng Đô-ô-chi-ly cùng thuyền viên và hòm tiền bạc thì thất lạc”. Các châu bản về việc cứu nạn này được tường trình chi tiết và được Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng báo cáo liên tục đến nhà vua. Phía Việt Nam đã cho thuyền tuần tiễu của triều đình đi tìm kiếm và “đến giờ Ngọ thì gặp Đô-ô-chi-ly cùng phái viên, thủy thủ 15 người, hiện đã đưa về tấn, người và tiền bạc đều an toàn”.

Một câu chuyện thú vị và có hậu từ Châu bản triều Nguyễn cách đây 184 năm cho thấy phong cách hành chính của chính quyền phong kiến nhà Nguyễn thời đó khá chặt chẽ và được thực thi nhanh chóng. Tờ trình tấu được làm ngày 27 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 11 được chuyển ngay đến Nội các triều đình và nhanh chóng được châu phê. Ngay ngày hôm sau đã được sao gửi cho thương thuyền để làm thủ tục xin dấu thị thực. Câu chuyện cũng như bút tích châu bản cho thấy những công vụ và quan hệ bang giao cũng như buôn bán quốc tế có liên quan đến biển đảo Hoàng Sa thời đó được quan tâm và thực thi nhanh chóng bởi chính quyền phong kiến nhà Nguyễn.

Thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa

Trong 19 Châu bản triều Nguyễn có nội dung về Hoàng Sa, Trường Sa, có 14 văn bản đề có bút phê của các vua triều Nguyễn về việc nhà vua cử các đội ra Hoàng Sa để thăm dò hoặc phê chuẩn thưởng/phạt trong việc bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa. Đây là những bằng chứng sinh động cho thấy các vua triều Nguyễn luôn quan tâm đến vấn đề xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này thông qua việc liên tục cử người ra hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để khảo sát, cắm mốc, đo vẽ bản đồ.

Châu bản ngày 28 tháng 12 năm Thiệu Trị thứ 7 (năm 1847) do Bộ Công trình tấu và có bút phê của nhà vua. Trong đó có nêu rõ: “Chiểu theo lệ, xứ Hoàng Sa là bờ cõi trên biển của nước ta, hàng năm có phái binh thuyền đến thăm dò để thuộc lộ trình đường biển”.

Châu bản ngày 12 tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), Bộ Công có phúc trình: “Nay tiếp nhận công văn của Nội các vâng mệnh giao cho Bộ thần trong đó có Châu phê: Các thuyền được phái đi Hoàng Sa, mỗi thuyền mang 10 mộc bài khắc sâu dòng chữ to Minh Mệnh thập thất niên. Năm Bính Thân, các viên Cai đội thủy quân vâng mệnh đi Hoàng Sa khảo sát, đến đó thì cắm mốc đánh dấu”. Theo châu bản này, viên Chánh đội trưởng Thủy quân được cử đến Hoàng Sa là Phạm Hữu Nhật. Nội dung chính của châu bản là xin triều đình chuẩn bị gấp số cột gỗ để đội thủy quân lên đường đúng lịch trình.

Điều thú vị của châu bản này là dòng chữ do vua Minh Mệnh viết bên cạnh chữ mộc bài với nội dung ghi rõ “cột gỗ, mỗi cột dài 4 đến 5 thước, dầy 1 tấc”. Văn bản này hiện được lưu trữ tại Ủy ban Biên giới quốc gia. Điều này thể hiện chính sách và sự quan tâm sâu sắc của triều đình đến việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Còn Châu bản ngày 19 tháng 7 năm Minh Mệnh thứ 19 (năm 1838) do quan Bố chính tỉnh Quảng Ngãi trình báo thì xin miễn thuế khóa cho thuyền lớn tham gia thực hiện công vụ tại Hoàng Sa.

Bằng chứng, giá trị pháp lý quốc gia và quốc tế

Các chuyên gia cho rằng, những tờ châu bản này là những tư liệu gốc chứa đựng nhiều thông tin quý giá khẳng định các Nhà nước phong kiến Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách liên tục, hòa bình, bằng các hoạt động do Nhà nước tổ chức, với sự chỉ đạo trực tiếp của nhà vua. Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa từ giá trị quốc gia nay được nâng lên tầm khu vực châu Á - Thái Bình Dương nên giá trị càng được nâng cao về mặt pháp lý.

Điều này càng có ý nghĩa khi thời điểm Châu bản triều Nguyễn được công nhận là Di sản tư liệu châu Á- Thái Bình Dương diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam khi đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng thềm lục địa thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nó khẳng định cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống lại sự xâm phạm lãnh thổ ngang nhiên của Trung Quốc.

 

Bản đồ “Trung Hoa Dân quốc phân tỉnh tân đồ” do Vũ Xương Á Tân địa học xã xuất bản năm 1933 (thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc), xác định cực nam của lãnh thổ Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam

Những bộ chính sử các triều đại Trung Quốc từ nhà Hán (203TCN - 220) đến đời Thanh, chưa từng biên chép gì về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bởi trong lịch sử các triều đại này chưa từng xem nó thuộc về phần đất của họ. Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân cho biết những tài liệu chỉ rõ những lời tâu, lời chỉ dụ của Hoàng đế hoặc những tấu sớ của các quan cũng thừa nhận đất của Trung Quốc đến Huyện Nhai, những vùng biển phía ngoài là họ không quản lý được vì đó là của những nước khác, vùng biển chung quốc tế.

 

T.S (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=839
Quay lên trên