Chè hạt sen long nhãn – tinh túy của đất trời

Cập nhật: 20-04-2011 | 00:00:00

Cứ phải đợi đến giữa hè, khi cái nắng đã nhiều phần oi ả, nhuộm cháy những tán cây, quất những ánh nhìn rát bỏng xuống mặt đường khi ấy cũng là lúc những người phụ nữ chiều cả gia đình bằng thứ chè hạt sen long nhãn tuyệt diệu.

Nhãn - thứ quả một thời được mệnh danh là “vương giả chi quả” kết hợp với “ vương giả chi hoa”- là hoa sen trong đầm thì không có gì hợp lẽ bằng. Hai tạo vật quý giá của trời đất ấy, dù không hẹn trước vẫn luôn chọn đúng thời điểm khoảnh khắc trong năm để bừng tỏa hương, tỏa sắc thơm ngát. Cũng dễ hiểu khi nhãn lồng ngòn ngọt, thấm vào lòng người bằng hương quê đằm thắm ẩn trong lớp cùi trắng lại được hương sen ướp thơm sẽ thành một bát chè thanh tao mà cao quý.

Chè hạt sen long nhãn thanh tao mà cao quý Chè hạt sen long nhãn thanh tao mà cao quý.

Hà Nội xưa, chè long nhãn hạt sen là món ăn của những nhà vương giả. Sau này khi đời sống khấm khá hơn, cứ dịp tết trung thu, hay rằm tháng 7 âm lịch những nhà nề nếp thế nào cũng nấu nồi chè long nhãn tươi với hạt sen để cúng ông bà tổ tiên. Ngày ấy, từ những đầm sen Tây Hồ hay ở ngoại ô Hà Nội, từng bó hoa sen trắng, hồng được đưa vào nội thành bán rong khắp phố. Lúc này những bông sen nở sớm đã bắt đầu kết hạt.

Khi những bát sen xanh đậm lại, ngả màu tim tím nghĩa là hạt sen không còn sữa mà mẩy lên, căng tròn như muốn nứt ra giữa bát, người ta mới hái về, dùng dao nhọn cạy vỏ, bóc lớp màng lụa, thông tâm sen rồi đem giao khắp phố. Cũng là mùa nhãn nên chẳng khó khăn mấy khi mang về những quả nhãn tươi đầu mùa, mọng nước, dày cùi, thơm lừng để làm nên bát chè trứ danh có vị ngọt thanh của quả quý, vị bùi ngan ngát của hương sen, ăn một lần không thể nào quên.

Hạt sen mua về, sau khi được ngâm bằng nước sạch, sẽ được đem đi hấp chín, sau đó nấu chung với nước đường cát trắng, hay đường phèn trong vắt cho đến khi sôi nhẹ chứ không vội đem ninh như mọi nhà hay làm. Khi vị ngọt của đường đủ thấm, hạt sen được bắc ra ngoài để nguội, sau đó mới đem ninh. Để được nồi chè ngon, cả nhà 3, 4 người phải thay nhau túc trực, canh chừng để lửa cháy vừa phải, tay khuấy trộn thật nhẹ nhàng, thời gian cũng vừa đủ để hạt sen “không già, không non” quá, bởi nấu già tay, hạt sen sẽ bị mất đi hương thơm tự nhiên, còn nếu non tay quá, hương sen sẽ tỏa ngát.

Sen - “vương chi hoa” và nhãn - “ vương chi quả” – tạo vật quý giá của trời và đất. Sen - “vương chi hoa” và nhãn - “ vương chi quả” – tạo vật quý giá của trời và đất.

Nhãn ngon đem về rửa sạch rồi mới bóc vỏ, bóc cùi sao cho không bị vỡ là cả một nghệ thuật. Trước tiên phải lấy dao nhọn và trích khẽ một vòng chỗ cuống hạt nhãn, tránh làm dập cùi nhãn. Sau đó khẽ bóp, đẩy nhẹ hạt nhãn theo đường mũi dao vừa chích. Đem hạt sen nhồi vào trong cùi nhãn. Lúc này cùi nhãn bọc kín hạt sen trông giống như một quả nhãn mới bóc vỏ, trắng tinh,  tròn trĩnh đẹp mắt.

Để số cùi nhãn đã ngậm hạt sen bên trong không quá nhạt đường, phải đem xào với đường cho vị ngọt của đường ngấm vào trong hạt sen và cùi nhãn , rồi lại đổ ra liễn riêng trước khi cho vào nấu chè. Cuối cùng nhãn lồng bọc trong hạt sen sẽ được đổ chung vào với nước đường cát trắng hay đường phèn để nguội.

Chè hạt sen long nhãn mang cái đảm đang của người con gái Hà Thành đi làm dâu bốn phương mà chẳng thể nào lẫn được. Nó cứ ý nhị, thấm dần dần vào trong lòng người một chút xíu trong năm vào đúng cái khoảnh khắc mùa hè ấy.

Theo Lao Động

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên