Chernobyl: Ác mộng dai dẳng

Cập nhật: 25-04-2011 | 00:00:00

Vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl xảy ra cách đây đúng 25 năm (ngày 26-4-1986) nhưng đến nay vẫn còn để lại gánh nặng buộc nhiều quốc gia cần chung tay giải quyết. Người dân sống tại các khu vực bị ảnh hưởng ở Ukraine, Nga, Belarus vẫn tiếp tục đấu tranh để được bảo vệ và hỗ trợ xứng đáng.

Một phần khu vực thị trấn Pripyat bị bỏ hoang và hiện được “bao bọc” bởi những lùm cây um tùm.

Sự sống mất hút

Khi thảm họa xảy ra, hàng chục ngàn người ngay lập tức phải rời bỏ quê nhà và vẫn chưa thể trở về sau 1/4 thế kỷ. Vùng an toàn nay được quy định cách tâm của vụ nổ 30km. Tại đây, nằm phần rìa bên ngoài thị trấn Pripyat, gần biên giới giữa Ukraine và Belarus là khu tái định cư được xây cho khoảng 200.000 người ở. Đến nay, nơi này vẫn vắng vẻ vì phần lớn người dân vẫn còn dè chừng những rủi ro đối với sức khỏe của họ.

Ngay thị trấn Pripyat, nơi có khoảng 50.000 người sinh sống vào năm 1986, vẫn chỉ là đống hoang tàn với rừng rậm phủ kín, hiếm lắm mới có bóng người xuất hiện nên nơi này dần biến thành nơi trú ngụ của những loài thú hoang. Mức độ phóng xạ xung quanh được cho vẫn còn quá cao nên chính quyền không hy vọng hồi sinh lại khu dân cư này trong vòng 180-320 năm tới, một khoảng thời gian quá dài đủ để vùi lấp sự sống nơi đây.

Ngày nay, 3.800 nhân viên vẫn liên tục làm việc tại khu vực nhà máy Chernobyl dù tất cả lò phản ứng ở đây đã ngừng hoạt động hẳn từ năm 1999. Ngoài ra, hàng ngàn người Ukraine còn được thuê để bảo vệ khu vực này. Họ thay ca và làm việc cách 2 tuần để bảo vệ sức khỏe. 

Bản thân nhà máy cũng mang đến nhiều rủi ro đối với sức khỏe con người. Lớp xi măng được xây tạm bợ quanh nhà máy chính là nơi hấp thụ chất phóng xạ nhiều nhất. Kế hoạch xây lớp bê tông cốt thép lẽ ra phải được hoàn thành năm 1991, thế nhưng vì những xung đột liên quan đến tham nhũng, bè phái dưới thời của chính quyền lúc bấy giờ nên dự án đã giậm chân tại chỗ trong nhiều năm qua dù số tiền phải chi đến 750 triệu USD (trong đó có 71 triệu USD nhận hỗ trợ từ Chính phủ Canada).

Và đến nay, dù thời hạn mới được đưa ra vào năm 2012 đang tới gần nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn không có gì tiến triển. Các nhà khoa học lo lắng rằng, việc ngưng trệ quá lâu sẽ khiến lượng phóng xạ ăn sâu ngày càng nguy hiểm đến môi trường sống và có thể là nguyên nhân dẫn đến thảm họa hậu Chernobyl.

Tranh cãi tìm nguyên nhân

* Theo THX, Ủy ban châu Âu (EC) cam kết sẽ hỗ trợ 154 triệu USD để cải thiện điều kiện làm việc tại khu vực Chernobyl, đặc biệt thúc đẩy tiến trình xây dựng lớp bê tông cốt thép bao bọc bên ngoài khu vực nhà máy vốn bị trì hoãn quá lâu. Đôi khi hàng ngàn người dân tập trung biểu tình ở thủ đô Kiev để phản đối việc cắt giảm những khoản phúc lợi xã hội và lương hưu dành cho nhân viên phục vụ quá trình cải tạo khu vực thảm họa trong suốt 25 năm qua. Chính phủ Ukraine đã xác nhận không đủ khả năng để bồi thường và bù đắp cho những công nhân hy sinh khi làm việc tại đây.

Lịch sử ghi nhận thảm họa nguyên tử Chernobyl xảy ra ngày 26-4-1986 là vụ tai nạn nghiêm trọng nhất trong lịch sử hạt nhân nhưng nguyên nhân chính xác cũng như số người bị ảnh hưởng vẫn còn là giả thiết và mang tính ước lượng.

Về nguyên nhân, có hai giả thiết chính có phần đối lập nhau để giải thích nguyên nhân của vụ tai nạn. Giả thiết đầu tiên được đưa ra vào tháng 8-1986 chỉ nhằm buộc tội những người điều hành nhà máy. Giả thiết còn lại được đưa ra năm 1991, có ý kiến trái ngược, cho rằng nguyên nhân thảm họa là do những yếu kém trong thiết kế lò phản ứng RBMK (lò phản ứng kiểu kênh năng lượng cao), đặc biệt là các thanh điều khiển.

Một số chuyên gia độc lập hiện nay tin rằng, không giả thiết nào trong số hai giả thiết trên hoàn toàn chính xác. Một chi tiết quan trọng, đáng chú ý là có những viện dẫn cho thấy những người điều hành nhà máy điện Chernobyl không được thông báo về những vấn đề của các lò phản ứng. Thông tin bị chính các nhà thiết kế ém nhẹm. Hoặc một giả thiết nữa là ban quản lý nhà máy điện chưa được đào tạo về kiểu lò RBMK. Trên các tạp chí khoa học, có đến hơn 200 giả thiết được đưa ra xung quanh sự cố nhưng vẫn chưa ai có thể đưa ra kết luận cuối cùng.

Một yếu tố gây tranh cãi nữa là con số thương vong. Ngay tại thời điểm xảy ra thảm họa, chính quyền lúc bấy giờ đã cấm các bác sĩ ghi thông tin tử vong vì phóng xạ, một cách mà sau này được giới truyền thông đề cập như cách để che đậy thông tin và hậu quả vì lo lắng ảnh hưởng đến những lợi ích khác của quốc gia. Vì thế, những thống kê từ nhiều tổ chức khác nhau có sự chênh lệch đáng kể.

Một bản báo cáo năm 2005 tại Hội nghị Chernobyl, dưới quyền lãnh đạo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đưa ra cho rằng có 56 người chết ngay lập tức; 47 công nhân và 9 trẻ em chết vì ung thư tuyến giác và ước tính có khoảng 9.000 người, trong số gần 6,6 triệu người bị ảnh hưởng, sẽ chết vì một loại ung thư nào đó.

Riêng tổ chức Hòa bình Xanh ước tính tổng số người chết là 93.000 nhưng đã ghi trong bản báo cáo của họ “Những con số được đưa ra gần đây nhất cho thấy rằng chỉ riêng ở Belarus, Nga và Ukraina, vụ tai nạn có thể đã dẫn tới cái chết thêm của khoảng 200.000 người trong giai đoạn từ năm 1990 đến 2004”.

Bảo tàng sống, bài học về trách nhiệm

Từ tháng 1-2011, chính quyền Ukraine chính thức cấp phép cho mở các tour tham quan trong ngày đến khu vực thị trấn Pripyat vốn khép mình trong 1/4 thế kỷ qua, coi đây là bảo tàng sống lưu giữ những điều chân thật và sinh động nhất về một thị trấn chết chóc. Giá tour tham quan đặc biệt là 163 USD. Hoạt động này đang được mở rộng và ngày càng phát triển, một cách để thu hút khách tham quan, hướng đến mùa giải Vô địch bóng đá châu Âu được Ukraine đồng đăng cai tổ chức vào năm 2012.

Trong khi đó, Chính phủ Ukraine khẳng định lượng phóng xạ ở nhiều nơi quanh nhà máy Chernobyl đã trở lại mức bình thường nhằm “dọn đường” cho chiến dịch quảng bá du lịch kỳ lạ của mình. Du khách đến đây (phần lớn người phương Tây) có cơ hội nhìn tận mắt (và được cảnh báo không chạm vào những vật liệu bằng kim loại) hành lang đổ nát của Cung điện Văn hóa cùng những kiến trúc cổ bên trong. Họ còn được dạo quanh những lớp học bỏ hoang của những ngôi trường lớn nhất nơi này. Tuy nhiên, điều kiện đi kèm để tham quan tour này là mỗi người phải ký cam kết tự chịu mọi trách nhiệm khi có bất kỳ rủi ro nào liên quan đến sức khỏe.

Trong khi nhiều người kêu gọi nhanh chóng tái thiết thị trấn Pripyat thì cũng có ý kiến cho rằng nên bảo tồn nơi này, duy trì hiện trạng trong điều kiện đảm bảo sức khỏe cho khách tham quan để biến nơi này thành nơi cung cấp cho mọi người những kiến thức và hình ảnh chân thật nhất về hậu quả của sự cố nhà máy điện hạt nhân, thay vì xem đây chỉ là nơi tham quan mang tính giải trí.

Anh Alexander Sirota, từng là cậu bé 9 tuổi khi thảm họa xảy ra, giờ là người điều hành của một tổ chức những người hoạt động xã hội nhằm mục đích lưu giữ hiện trạng của khu vực thị trấn Pripyat. Anh nói: “Như hầu hết những người cùng trang lứa, tôi đã có tuổi thơ rất đẹp nhưng sau đó, chúng tôi khó lòng biết được mình đã mất mát những gì. Khi hiểu được đã có bao nhiêu người nằm xuống nơi này, tôi cảm thấy mình càng cần phải lưu giữ lại nơi này, như một bài học cho tương lai, một lời yêu cầu trách nhiệm của những người quản lý, những ai hướng đến phát triển nhà máy điện hạt nhân”.

Lời nhân chứng sống

AOL News đã có bài phỏng vấn bà Natalia Manzurova, người có nhiệm vụ làm sạch đống đổ nát sau vụ nổ Chernobyl. Năm 1986, kỹ sư Natalia 35 tuổi. Bà cùng 13 chuyên viên khác được yêu cầu báo cáo tình trạng hư hỏng của nhà máy điện hạt nhân. Công việc cụ thể của Natalie là đo mức phóng xạ và thu thập các mẫu thực vật để đo độ nhiễm phóng xạ của chúng nhưng kết luận nghiên cứu không bao giờ được phản hồi. Ngoài ra, bà còn đào những hố lớn để chôn tất cả mọi thứ vào lòng đất như nhà cửa, vật nuôi…

Sau 4-5 năm ở lại khu vực nguy hiểm trong phạm vi bán kính hơn 3km này, Natalia đã gặp nhiều rắc rối về sức khỏe. Bà nói: “Ban đầu, khi được kêu gọi tình nguyện ở lại, tôi gật đầu và không suy nghĩ gì. Sau đó, tôi dần hiểu ra những rủi ro nhưng tôi chấp nhận”. Natalia Manzurova chỉ nhớ những ngày đầu làm việc tại khu vực này, bà đã bị sốt cao, sau này bà hiểu được đó là những phản ứng đầu tiên của cơ thể nhiễm chất phóng xạ. Nhiều năm sau, bà phát hiện bị ung thư tuyến giáp và phải cắt bỏ một nửa. Năm ngoái, khối u lại tái phát.

25 năm, quãng thời gian quá dài để chờ đợi và hy vọng, những nhân chứng sống vẫn mang theo nỗi ám ảnh dai dẳng về một sự kiện hy hữu mà họ không bao giờ mong nó sẽ lặp lại.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên