Chỉ thị số 06 UBND tỉnh: Nâng cao trách nhiệm phòng chống dịch cúm gia cầm

Cập nhật: 13-05-2014 | 00:00:00

Nếu như trước đây, công tác phòng chống dịch cúm gia cầm (DCGC) chủ yếu trông cậy vào sự nỗ lực lớn của ngành thú y thì với Chỉ thị 06 của UBND tỉnh, trách nhiệm của địa phương và sự phối hợp giữa các bên với nhau đóng vai trò quyết định.

Gỡ khó cho thú y

Là vị trí cửa ngõ của TP.HCM với các tỉnh miền Trung, miền Bắc và Tây nguyên nên Bình Dương là địa bàn rất dễ xảy ra DCGC. Ngoài ra, tập quán chăn nuôi theo kiểu cũ của bà con nông dân, chủ yếu thả rông gia cầm nên cũng là nguyên nhân tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch cúm. Thực tế trong những năm qua, dù chủ động áp dụng nhiều biện pháp khác nhau nhưng hầu như năm nào Bình Dương cũng xảy ra dịch với quy mô khác nhau.  

 Để phòng chống dịch cúm gia cầm hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên có liên quan. Trong ảnh: Đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh xử lý gia cầm lậu tại P.An Phú, TX.Thuận An. Ảnh: K.VINH

Điều đáng nói là tại Việt Nam nói chung và Bình Dương từ trước đến nay, công tác phòng chống DCGC chủ yếu trông cậy vào lực lượng chuyên trách là thú y địa phương. Được phân bổ kinh phí, đầu tư nhiều thiết bị, máy móc, công cụ hỗ trợ… nhưng không phải công tác phòng chống dịch của thú y lúc nào cũng gặp suôn sẻ. Rào cản lớn nhất của lực lượng thú y có lẽ là sự thờ ơ, thiếu thiện chí hợp tác của địa phương và các lực lượng hỗ trợ. Không chỉ khó khăn về cơ chế phối hợp mà lực lượng thú y còn vấp phải nhiều khó khăn khác về quy trình tiêu hủy gia cầm bệnh, quyền hạn tạm giữ, tịch thu và tiêu hủy gia cầm không rõ nguồn gốc…

Chính vì thế, để gỡ khó cho ngành thú y, ngày 16-4-2014, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 06 về việc “Tăng cường công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh”. Chỉ thị 06 không chỉ nâng cao trách nhiệm phòng chống DCGC cho UBND các huyện, thị xã và TP.Thủ Dầu Một mà còn tập trung chỉ đạo các Ban quản lý chợ trên địa bàn tỉnh chủ động kiểm tra, phát hiện gia cầm lậu, gia cầm không rõ nguồn gốc để kịp thời xử lý sớm mà không phải đợi cơ quan thú y làm việc.

Ông Tạ Trọng Khang, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Thú y Bình Dương cho biết: “Chỉ thị 06 nêu rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, đặc biệt là các Ban quản lý chợ, nơi tập trung mua bán, vận chuyển gia cầm nên sẽ mang tính bước ngoặt đối với công tác phòng chống dịch. Qua đó, lực lượng thú y có nhiều điều kiện để thực hiện đúng nhiệm vụ chuyên trách của mình hơn”.

Chung tay chống dịch

Một trong những nội dung thay đổi quan trọng mang tính đột phá của Bình Dương thể hiện trong Chỉ thị 06 là trao quyền xử lý nóng, xử lý nhanh gia cầm trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Qua đó, khác với nhiều địa phương khác là khi phát hiện gia cầm nghi có nhiễm bệnh phải lập tức cách ly và chờ kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm và sau khi có kết quả dương tính sẽ tiến hành tiêu hủy đàn gia cầm. Tại Bình Dương khi có gia cầm bị chết do bệnh, lập tức cơ quan thú y sẽ lấy mẫu bệnh phẩm và đồng thời cho tiêu hủy, có hỗ trợ tiền cho chủ hộ nuôi ngay mà không cần phải chờ kết quả xét nghiệm mẫu thử. Ngoài ra, cơ quan thú y có quyền tịch thu, tiêu hủy gia cầm lậu, gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ theo quy định của Chỉ thị 06.

Việc phối hợp với các ngành có liên quan là một vấn đề gây phiền hà đối với cơ quan thú y, dẫn đến những hạn chế không đáng có đối với công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, Chỉ thị 06 nêu rõ, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn với lực lượng nòng cốt là thú y các cấp có trách nhiệm chủ trì Đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh phối hợp với Ban quản lý chợ, các địa phương để kịp thời kiểm tra, xử lý các điểm chăn nuôi, mua bán gia cầm không đủ các điều kiện vệ sinh, dịch tễ. Ngoài ra, lực lượng thú y tỉnh có trách nhiệm chính trong việc phối hợp với các bên có liên quan cung cấp nội dung hướng dẫn quy định của ngành thú y cho người dân nắm rõ, nâng cao nhận thức về phòng chống dịch.

Ngoài ra, một quy định mang tính đột phá của Chỉ thị 06 chính là việc quy định rất rõ quyền hạn, trách nhiệm của một số sở, ngành có liên quan khác trong việc phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm. Qua đó, Sở Y tế, Công an tỉnh, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Thông tin - Truyền thông… đều được quy định nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng. Điều đó thể hiện ý chí quyết tâm của UBND tỉnh trong việc kiểm soát DCGC, một trong những dịch bệnh ở động vật có nguy cơ lây lan gây tử vong ở người rất nguy hiểm và gây thiệt hại về kinh tế rất lớn.

Ông Trần Phú Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bình Dương đánh giá: “Chưa có địa phương nào trong cả nước có những quy định hết sức linh hoạt, chủ động như UBND tỉnh Bình Dương tại Chỉ thị 06. Đây là văn bản hướng dẫn cụ thể chức năng, nhiệm vụ từng bên có liên quan. Qua đó, công tác phòng chống DCGC không còn là trách nhiệm riêng của ngành thú y mà còn là của cả hệ thống chính trị, nhân dân cùng tham gia phối hợp”.

KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên