Chi trả trợ giúp xã hội qua bưu điện: Hướng đến sự hài lòng

Cập nhật: 12-09-2018 | 08:38:33

Sau 1 năm thực hiện Đề án chi trả trợ giúp xã hội qua hệ thống bưu điện (BĐ) trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt, bước đầu các đối tượng thụ hưởng còn bỡ ngỡ, nhưng đến nay công tác chi trả trợ giúp xã hội qua hệ thống BĐ đã mang lại sự hài lòng cho người dân.

 Nhân viên bưu điện đến tận nhà chi trả trợ giúp xã hội cho ông Nguyễn Văn Mẫn, người khuyết tật ở phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một

Chi trả trợ cấp tận nhà

Từ ngày 5 đến 10 hàng tháng, tại các điểm chi trả trợ giúp xã hội qua hệ thống BĐ ở UBND, bưu cục, hay BĐ văn hóa các xã, phường, thị trấn lúc nào cũng đông đúc. Thế nhưng điều dễ nhận thấy là ở đó không hề có sự chen chúc, mọi người đến nhận tiền đều yên tâm chờ đến lượt mình rất trật tự. Cầm trên tay cuốn sổ lĩnh tiền bảo trợ xã hội (BTXH) hàng tháng, bà Nguyễn Thị Đông, vợ ông Trần Văn Thân (người mù), được ủy quyền đi lãnh tiền thay chồng, cho biết: “Trước đây, bà nhận tiền cho chồng tại UBND xã An Lập, huyện Dầu Tiếng (nơi gia đình sinh sống) do cán bộ thương binh - xã hội xã cấp. Cán bộ thương binh - xã hội của xã kiêm nhiều việc nên ngày đi nhận phải chờ đợi khá lâu, nay việc chi trả do cán bộ BĐ đảm nhiệm nên nhanh chóng, thuận tiện hơn”.

Ngoài cấp phát tiền tại UBND, bưu cục, BĐ văn hóa xã, nhân viên BĐ còn đến tận nhà những đối tượng đau ốm, khuyết tật không thể đến tại địa điểm chi trả. Ông Nguyễn Văn Mẫn (71 tuổi), ngụ khu phố 7, phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một là một trong số hàng chục đối tượng của TP.Thủ Dầu Một được nhân viên BĐ đến nhà trao tiền. Ông Mẫn cho biết, 3 tuổi ông bị sốt phát ban và ảnh hưởng đến sức khỏe dẫn đến khuyết tật ở tay trái và đôi chân yếu dần. Ông không có vợ con nên sống một mình. Ngày trước còn khỏe thì ông tự đi nhận tiền trợ cấp tại UBND phường, nay già yếu chỉ biết nhờ vào nhân viên BĐ mang tiền trợ cấp đến. “Mấy cháu nhân viên BĐ vui vẻ lắm. Không chỉ mang tiền đến cho tôi, nhân viên còn tranh thủ thời gian tâm sự và hỏi thăm sức khỏe của tôi”, ông Mẫn nói.

Theo chân các nhân viên BĐ đến nhà đối tượng, hay cùng chi trả trợ giúp tại các UBND xã mới thấy được tấm lòng của các nhân viên BĐ. Dù số lượng đối tượng đến nhận khá đông, ghi chép, chi tiền liên tục nhưng họ lúc nào cũng túc trực nụ cười trên môi để đem lại niềm vui, sự hài lòng cho các đối tượng. Theo quy định từ ngày 5 đến ngày 10 mỗi tháng, nhân viên sẽ phát tiền cho đối tượng tại địa điểm đã quy định. Sau 3 ngày, các đối tượng chưa kịp nhận sẽ nhận tiền tại BĐ huyện, thị, thành phố nơi mình sinh sống. Chị Đoàn Thị Nhất, nhân viên BĐ TP.Thủ Dầu Một tâm sự: lúc đầu, các cô, chú chưa quen với nhân viên BĐ nên cũng hơi dè dặt. Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện, mọi người đã quen với thời gian chi trả mà BĐ quy định, nên mỗi điểm chi trả đạt trên 97%. Với một số trường hợp các cô, bác già yếu, ốm đau bệnh tật, hay những trường hợp người lớn tuổi không thể đến điểm chi trả, nhân viên BĐ tổ chức chi trả tại nhà, quyết tâm không để xảy ra tình trạng người hưởng không nhận được tiền theo quy định.

Công khai, minh bạch

Thực hiện theo Đề án chi trả trợ giúp xã hội qua hệ thống BĐ trên địa bàn tỉnh có 3 giai đoạn, đến nay đã triển khai xong giai đoạn 2 với việc ký kết chi trả cho các đối tượng BTXH tại 7 huyện, thị, thành phố. Hiện còn TX.Dĩ An, TX.Thuận An sẽ tiếp tục ký kết thực hiện giai đoạn 3 của đề án. Theo ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đề án chi trả trợ giúp xã hội thông qua BĐ tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả của công tác chi trả, bảo đảm tính chuyên nghiệp, kịp thời, đúng đối tượng, bảo đảm quyền lợi của đối tượng, nâng cao chất lượng dịch vụ công, thực hiện cải cách hành chính công trên địa bàn tỉnh. Chính vì vậy, ông Hưng đã đề nghị, trong quá trình thực hiện các sở, ngành, BĐ thực hiện kiểm tra, giám sát; đồng thời tuyên truyền sâu rộng đến các đối tượng nắm rõ địa điểm, quy định để được nhận trợ cấp.

Bình Dương là tỉnh có số lượng người thụ hưởng trợ giúp BTXH lớn, lại thường xuyên biến động nên đòi hỏi địa phương và ngành BĐ phải có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời thông báo những thay đổi trong quá trình thực hiện chi trả chế độ. Thực tế việc chi trả trợ giúp xã hội qua BĐ không chỉ mang lại những tiện ích nhất định cho người thụ hưởng mà còn góp phần quản lý chặt chẽ đối tượng. Bà Ngô Thị Xuyến, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Dầu Tiếng, cho biết: “Thời gian qua, Phòng LĐ- TB&XH huyện, BĐ huyện đã phối hợp chặt chẽ trong thực hiện cấp phát trợ cấp cho đối tượng BTXH. Nhìn chung, việc cấp phát đã mang lại hiệu quả cao, tránh được sai sót, quản lý kinh phí chặt chẽ hơn”.

Với mục tiêu thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, BĐ tỉnh đã bố trí 74 điểm chi trả tại 7 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh. BĐ cũng đã bố trí từ 2 - 3 nhân viên mỗi điểm chi trả và rà soát kỹ danh sách các đối tượng thụ hưởng. Ông Võ Văn Tín, Giám đốc BĐ tỉnh, cho biết tháng đầu tiên triển khai chi trả tại các địa bàn, BĐ tỉnh gặp phải khó khăn, tuy nhiên với sự hỗ trợ của Sở LĐ- TB&XH trong việc chỉ đạo các phòng LĐ-TB&XH hỗ trợ ngành BĐ trong công tác triển khai, thống nhất đưa ra mẫu biểu ủy quyền và thời gian ủy quyền. Bên cạnh đó, BĐ phối hợp tuyên truyền, giải thích cho đối tượng hiểu, đến nay công tác triển khai nhận được đồng thuận cao từ địa phương và nhận được hài lòng từ các đối tượng. Để thực hiện tốt công tác chi trả hàng tháng cho đối tượng BTXH, thời gian tới, BĐ tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo chi trả kịp thời, đầy đủ cho đối tượng BTXH; quản lý chặt chẽ các đối tượng, để bảo đảm an toàn dòng tiền chi trả.

T.LÝ

 

Chia sẻ bài viết
Tags
xã hội

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên